Tìm hiểu lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Văn hóa tâm linh của người Việt
Văn hóa Hùng Vương, trước hết là sự phát triển tín ngưỡng của người Việt. Thời nguyên thủy tổ tiên ta còn sống lệ thuộc vào thiên nhiên, dựa dẫm vào thiên nhiên, cần sự che chở của thiên nhiên. Hoàn cảnh ấy đã nảy sinh ra vô khối các vị thần thiên nhiên được thờ cúng khắp nơi: thần núi, thần sông, thần rừng, thần suối...
Mặt trời là vị thần xuất hiện sớm, gần gũi. Thiếu mặt trời là thiếu sự sống, do vậy tín ngưỡng thờ thần mặt trời xuất hiện trước cả thời đại Hùng Vương. Dân ta làm nghề nông trồng lúa nước. Các cư dân nông nghiệp lúa nước đều có tín ngưỡng phồn thực, cầu cho con người, mùa màng sinh sôi phát triển. Cùng với tín ngưỡng thờ nhiên thần, tín ngưỡng thờ lúa, tổ tiên ta còn thờ người khai dân lập ấp, thờ người có công với dân với nước. Người Mường ở Phú Thọ còn có tục thờ Vua Hùng trên bàn thờ dòng dõi ở sát thượng lương các ngôi nhà cái (nhà con trưởng). Gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên và thờ thần thổ - công táo - quân vua bếp...
Có thể nói, dân ta từ thời Hùng Vương đã rất sùng bái tín ngưỡng. Các tín ngưỡng được lồng ghép tích hợp trong nghi lễ. Bản chất của tín ngưỡng là để tạ ơn và cầu mong sự che chở của các hồn, các thần phù hộ cho mình, gia đình mình và cộng đồng xóm làng mình được bình yên khỏe mạnh trường thọ ăn nên, làm ra phát triển mọi mặt.
Xã hội Hùng Vương, trên có Vua, dưới có lạc hầu, lạc tướng, ở làng chạ có quan bồ chính cai quản. Dù vậy, Vua và dân còn cùng ăn, cùng làm, chết cùng chôn chung một nghĩa địa. Hội đồng bô lão quyết đáp những công to việc lớn của làng chạ. Mỗi thành viên của làng chạ đều là con dân của cộng đồng, được cộng đồng bao bọc. Chính nhờ chế độ công xã Hùng Vương ấy mà Việt Nam ta đã không phải trải qua thời kỳ chiếm hữu nô lệ.
Chế độ thổ tù lang đạo ở vùng Mường xưa là tàn tích rớt lại rõ nhất của xã hội công xã Hùng Vương. Nhà quan lang - thổ tù, nhà cái, trưởng họ, có trữ những bịch chứa thóc công. Chẳng hạn, có bịch chứa thóc thờ, chuyên dùng cúng bái của cộng đồng. Lại có bịch thóc cứu đói, nhà dân nào bị đứt bữa, quan thổ tù cho mở cửa cấp thóc gạo. Mỗi mường đều có ông mo mường chuyên lo về tín ngưỡng chung cho cộng đồng. Việc đánh bắt cá trong suối trong hồ, săn bắt thú trong rừng được chia đều cho mọi người. Ruộng đất của mường cũng là của chung.
Nhà nước Văn Lang cổ đại, có kinh thành Phong Châu theo truyền thuyết. Nhưng, dấu tích kinh thành thì không còn thấy. Ở vùng Đất Tổ hầu như làng nào cũng có rừng Cấm, khu rừng thiêng của các làng chạ. Hằng năm dân làng đến đấy làm lễ mở cửa rừng, lễ động thổ hoặc mở hội thề (một nghi lễ tối cổ của các cộng đồng người xuất hiện rất sớm từ trước khi có luật tục).
Truyền thuyết về thành Phong Châu cổ cũng không thấy nói gì đến thành lũy, lâu đài nguy nga tráng lệ. Có lẽ do hoàn cảnh thời chiến nên Vua Hùng sống dựa vào thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên và hòa vào với làng chạ. Lối sống hòa hợp ấy của người Việt đã giúp ông cha ta sau này có những chính sách dung hòa mọi tôn giáo với phong tục và tín ngưỡng bản địa, như chủ trương “tam giáo (Nho, Phật, Lão) đồng nguyên”.
Không đâu khác trên lãnh thổ Việt Nam như ở vùng Đất Tổ Phú Thọ còn thấy lưu giữ nhiều các di chỉ khảo cổ Đông Sơn là văn hóa khảo cổ giai đoạn nhà nước Văn Lang cùng các truyền thuyết về giai đoạn lịch sử ấy. Lễ hội dân gian, di tích thờ cúng Hùng Vương và các tài liệu điền dã dân tộc học khác có dày đặc ở Đất Tổ là những nội dung góp phần tạo ra phong tục Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Phú Thọ có chủ trương hệ thống hóa, lập hồ sơ về “Không gian văn hóa Hùng Vương” để đề nghị với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xếp vào danh mục di sản văn hóa cần được bảo vệ gìn giữ cho nhân loại. Đó là việc làm hết sức thiết thực, giúp những thế hệ hiện đại có thể dễ dàng ngược thời gian, tiếp cận với nguồn gốc tổ tiên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.