Hà Nội: Phụ huynh ám ảnh tiền “tự nguyện”
2017-10-08 19:20:55
0 Bình luận
HOANHAP.VN - “Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chứ tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt”.
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh thành về tình trạng lạm thu đầu năm học mới. Phó thủ tướng cũng nêu rõ, năm học 2017 - 2018 tại một số trường có tình trạng lạm thu gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh. Bộ Giáo dục cần rà soát văn bản bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa.
Năm học 2017 - 2018 mới diễn ra được hơn 1 tháng, song câu chuyện về các khoản tiền trường đang khiến ngành giáo dục “đau đầu”, bởi tình trạng phụ huynh phản đối thu tiền, thậm chí tố giác nhà trường thu các khoản tiền vô lý áp đặt phụ huynh phải đóng, đang diễn ra ở cả thành thị lẫn nông thôn. Một trong những “điểm nóng” về lạm thu trong năm học này tiếp tục được truy nguyên nhân đó là các khoản xã hội hóa, khoản tự nguyện dưới danh nghĩa Ban phụ huynh đứng ra thu, chi.
Năm học 2017 - 2018 mới diễn ra được hơn 1 tháng, song câu chuyện về các khoản tiền trường đang khiến ngành giáo dục “đau đầu”, bởi tình trạng phụ huynh phản đối thu tiền, thậm chí tố giác nhà trường thu các khoản tiền vô lý áp đặt phụ huynh phải đóng, đang diễn ra ở cả thành thị lẫn nông thôn. Một trong những “điểm nóng” về lạm thu trong năm học này tiếp tục được truy nguyên nhân đó là các khoản xã hội hóa, khoản tự nguyện dưới danh nghĩa Ban phụ huynh đứng ra thu, chi.
Anh Trần Văn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 lo lắng về các khoản tiền trường đầu năm học. “ Mới vào đầu năm học mà chi phí cho con tốn kém quá, đủ các khoản tiền đồng phục, sách vở, đồ dùng, mũ dép... Biết bao nhiêu khoản phải chi tiêu, đã vậy Ban phụ huynh lớp cũng đang “rụch rịch” hô hào phụ huynh đóng góp thêm tiền mua điều hòa, máy chiếu, trang trí lớp học... Tôi đang lo lắng không biết tiền lương của mình có đủ trang trải cho con hay không? ”.
Học phí của Hà Nội theo khung lộ trình học phí do Chính phủ ban hành, hơn nữa vẫn còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành lân cận. Song, những khoản như: mua điều hòa, máy chiếu, loa đài, máy tính... là các khoản lớn và theo hình thức tự nguyện, mà hầu như phụ huynh nào cũng phải đóng góp.
Hàng tháng, tùy từng trường hợp, các bậc phụ huynh còn phải đóng các khoản tiền như: học 2 buổi/ngày là 150.000 đồng/tháng, chăm sóc bán trú là 150.000 đồng/tháng, nước uống 12.000 đồng/tháng, sổ liên lạc điện tử 30-40.000 đồng/tháng. Tiền học thêm buổi chiều, tiền học Tiếng Anh, năng khiếu, kỹ năng sống... khiến nhiều phụ huynh “chóng mặt”.
Thời gian đầu năm học vừa qua, đã có trường hợp trường công lập ở Hà Nội gây bức xúc về các khoản “tự nguyện” như: Trường Mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức) đã phải trả lại hơn 500 triệu đồng cho phụ huynh vì các khoản thu sai, Trường Tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh) đã lạm thu tiền điều hòa...
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT trước vấn nạn lạm thu hiện nay, ông cho biết: “ Trong giáo dục, học phí phải ra học phí, còn nếu không phải học phí, đã là tiền nong thì phải hết sức minh bạch, rõ ràng. Chúng ta cứ nghĩ việc lạm thu, thu các khoản nọ khoản kia là việc của các trường, nhưng thực chất chính cái chủ trương kêu gọi cá nhân, tổ chức đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho trường đang bật đèn xanh, tạo hành lang pháp lý cho các trường làm việc này. Các trường muốn thu thêm, chỉ cần xin phép xã hội hóa, chia bình quân mỗi học sinh và được sự đồng ý của UBND địa phương, của phòng giáo dục căn cứ trên văn bản của Bộ là đúng quy định.
Thế nên năm nào cũng giống năm nào, không năm nào giải quyết được vấn đề, và mỗi trường thu một kiểu. Muốn giải quyết triệt để lạm thu thì hoặc cấm hẳn việc thu thêm, hoặc áp dụng tự nguyện vô danh, hoặc thu học phí cao kèm theo việc cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và không thu các khoản khác. Có như thế, giáo dục mới đàng hoàng được.”.
Để chống lạm thu tiền trường đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở vừa công bố số điện thoại đường dây nóng từng quận, huyện, thị xã, để phản ánh các hiện tượng lạm thu trong năm học 2017 - 2018 tại các trường học trên địa bàn. Số điện thoại đường dây nóng của Sở GD&ĐT Hà Nội: 0902139764. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra các trường học để phát hiện tiêu cực.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Lê Dũng (TH)