Hai danh phận đang cần làm sáng tỏ
Theo ông Khánh, bố đẻ ông là Phạm Duy Ngãi nguyên là Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, năm 1953 ông Phạm Duy Ngãi đã chỉ huy du kích chống càn và bị giặc bắn bị thương, chúng đã bắt ông Ngãi và đưa sang căng Máy Chai Nam Định từ đó đến nay danh phận ông Phạm Văn Ngãi chưa được cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Theo dấu đơn của CCB Phạm Văn Khánh
Về xã Quang Lịch tìm gặp những cán bộ cùng hoạt động với ông Phạm Duy Ngãi những năm từ 1947 đến năm 1953, ông Vũ Xuân Tiến sinh năm 1931 ở thôn Luật Nội nguyên là xã đội phó năm 1951 và làm xã đội trưởng xã Quang Lịch từ năm 1952 đến năm 1954 khẳng định tháng 4 năm 1953 bọn giặc từ bốt Đồng Quan tổ chức càn vào thôn Luật Nội ông Phạm Duy Ngãi đã trực tiếp chỉ huy du kích chống càn, ông Ngãi bị giặc bắn bị thương vào bụng rồi chúng bắt dân khiêng ông xuống đò Bóng thuộc xã An Bình đưa xuống Ca nô đưa sang căng Máy Chai, tỉnh Nam Định, ông Ngãi bị mất tích từ đó đến nay. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xét làm chế độ quyền lợi cho ông Phạm Duy Ngãi. Cũng ở thôn Luật Nội ông Đỗ Đức Thái (tên gọi khác là Tương) sinh 1928 vào Đảng năm 1960 nguyên là phó bí thư Đảng ủy xã Quang Lịch từ năm 1971 – 1975, năm 1953 ông Đỗ Đức Thái giữ cương vị trưởng thôn Luật Nội xã Quang Lịch xác nhận: Tôi năm nay 90 tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng xin xác nhận về ông Phạm Duy Ngãi: năm 1951 ông Phạm Duy Ngãi làm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Quang Lịch, tháng 4 năm 1953 khi giặc càn quét vào địa phương ông Ngãi đã trực tiếp chỉ huy du kích chống càn, ông Ngãi bị giặc bắn bị thương rồi bắt đưa sang căng Máy Chai Nam Định từ đó đến nay không có tin tức gì về ông Phạm Duy Ngãi. Đề nghị các cấp giải quyết chế độ chính sách để ông Ngãi và thân nhân không bị thiệt thòi.
CCB Phạm Quang Khánh và tập đơn thư gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ danh phận của bố đẻ và của chú ruột |
Tìm hiểu thêm các hồ sơ tài liệu có giá trị pháp lý của xã Quang Lịch gồm lịch sử Đảng bộ xã Quang Lịch huyện Kiến Xương giai đoạn 1927- 2000 và sổ hệ thống các chức danh phó chủ tịch UBND xã Quang Lịch các thời kỳ đều có ghi ông Phạm Duy Ngãi làm phó chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Quang Lịch từ năm 1951 đến tháng 4 năm 1953, ngày 14 tháng 01 năm 1963 ông Phạm Duy Ngãi được Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhất. Từ năm 2003 Đảng ủy, UBND xã Quang Lịch huyện Kiến Xương cũng đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ gửi cơ quan chức năng đề nghị xác nhận liệt sỹ cho ông Phạm Duy Ngãi nguyên phó chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã Quang Lịch và từ đó đến nay danh phận ông Phạm Duy Ngãi vẫn chưa được xem xét.
Lá đơn thứ hai của CCB Phạm Văn Khánh
CCB Phạm Văn Khánh kiến nghị vì sao chú tôi liệt sỹ Phạm Văn Toán sinh 1922 tại thôn Luật Nội xã Quang Lịch huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình nhập ngũ tháng 5/1945, năm 1946 tham gia đoàn quân Nam tiến xây dựng lực lượng cách mạng Miền Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tháng 10/1947 ông Phạm Văn Toán hy sinh. Từ trước năm 1970 thân nhân liệt sỹ mẹ liệt sỹ Phạm Văn Toán (bà nội CCB Phạm Văn Khánh) còn sống thì mọi chế độ của liệt sỹ quà ngày 27/7, ngày tết nguyên đán hàng năm gia đình đều thụ hưởng. Từ tháng 5/1970 mẹ liệt sỹ Phạm Văn Toán qua đời đến nay mọi quyền lợi đối với thân nhân liệt sỹ đều bị cắt kể cả danh sách liệt sỹ đã được tạc vào bia đá Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ huyện Kiến Xương từ trước năm 2014 đến nay liệt sỹ Phạm Văn Toán cũng gạt khỏi danh sách trong Đền thờ liệt sỹ huyện Kiến Xương? Một sự thật đáng buồn. Khẳng định liệt sỹ Phạm Văn Toán là có thật, đã được Tổ quốc ghi danh là thật? Nay không có tên trong Đền thờ liệt sỹ huyện Kiến Xương là thật? Chúng tôi đã lần tìm và chứng minh bằng các cứ liệu sau đây.
Cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Quang Lịch giai đoạn 1927 - 2000 trong phần ghi danh sách các liệt sỹ quê hương thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trang 369 thể hiện số thứ tự 23 ghi liệt sỹ Phạm Văn Toán nhập ngũ tháng 5/1945 hy sinh tháng 10/1947 (Luật Nội Đông) còn tại sổ quản lý gốc danh sách liệt sỹ xã Quang Lịch ghi rõ thứ tự 26 liệt sỹ Phạm Văn Toán nhập ngũ tháng 5/1945 Đại đội trưởng Vệ Quốc Đoàn hy sinh tháng 10/1947. Tại đình làng Luật Nội Đông - di tích lịch sử cấp Quốc gia trên tấm bia đá ghi công liệt sỹ có tên liệt sỹ Phạm Văn Toán. Ngày 15/8/2018 Phòng chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình phúc đáp công văn số 1029/ SLĐTBXH - NCC ngày 5/7/2018 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình khẳng định: Tra cứu tại Sổ danh sách liệt sỹ của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình hiện đang lưu trữ tại Ban chính sách - Phòng chính trị - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình tại trang số 195 có thông tin: Liệt sỹ Phạm Văn Toán, sinh 1922, quê quán xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 5/1945 chức vụ tiểu đội trưởng, hy sinh tháng 10/1947. Tấm bia đá tạc ghi danh các anh hùng liệt sỹ tạc tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ huyện Kiến Xương đặt tại hồ nước từ trước năm 2014 cũng ghi danh liệt sỹ Phạm Văn Toán (Đài tưởng niệm đã được phá bỏ thay thế bằng Đền thờ liệt sỹ mới . Tuy nhiên, bia đá tạc danh ghi công các anh hùng liệt sỹ toàn huyện Kiến Xương và phần của xã Quang Lịch lại không còn có tên liệt sỹ Phạm Văn Toán? Trước sự việc này CCB Phạm Văn Khánh và gia đình vô cùng bức xúc.
Đầu năm 2018, CCB Phạm Văn Khánh có tâm thư gửi ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thỉnh cầu xem xét về danh phận đề nghị suy tôn liệt sỹ cho bố đẻ và làm rõ danh phận của chú ruột từ một liệt sỹ nay bị tước bỏ? Phúc đáp nguyện vọng của CCB Phạm Văn Khánh ngày 4/7/2018 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có văn bản chỉ đạo Cục Người có công Bộ LĐTBXH và Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình “Tôi có nhận được đơn của ông Phạm Văn Khánh 68 tuổi xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đề nghị về việc xem xét công nhận bố đẻ là Phạm Quang Ngãi nguyên Phó chủ tịch ủy ban xã Quang Lịch mất năm 1953 do địch bắn và chú ruột Phạm Văn Toán nhập ngũ tháng 5/1945, hy sinh 1947 có tên trong lịch sử Đảng bộ và khắc tên trên bia đá của huyện Kiến Xương”, Tôi thấy đề xuất của gia đình là chính đáng, hồ sơ thiếu song có căn cứ nhất định để xem xét. Đề nghị Sở LĐTBXH chỉ đạo, xác minh làm rõ và tiến hành hoàn thiện thủ tục trình Bộ. Quá trình tiến hành nếu vướng mắc gì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xin ý kiến. Cục Người có công hướng dẫn địa phương thực hiện đảm bảo đúng quy định và theo dõi đôn đốc báo cáo Bộ trưởng. Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng là lời kết của bài viết này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.