Hành trình tìm về cội nguồn của chàng trai mồ côi gốc Việt
Tại sự kiện họp mặt những người gốc Việt được nhận nuôi ở Maryland, Hester đã được gặp gỡ những người chung hoàn cảnh được nhận nuôi từ thời chiến tranh Việt Nam. Buổi họp mặt này do Holt International, tổ chức nhân đạo có trụ sở ở Oregon, tổ chức cách đây 21 năm.
Sau khi trò chuyện với những người được nhận làm con nuôi, Hester choáng ngợp bởi cuối cùng cũng có người hiểu được cảm giác lớn lên một mình và khác biệt.
"Đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu hoàn cảnh của mình và nhận ra mình không đơn độc", anh nói với VnExpress.
Những ngày sau cuộc họp, Hester vẫn chìm đắm trong suy nghĩ, đau đáu mong muốn tìm hiểu thêm về quá khứ.
Hồi nhỏ, Hester được bố mẹ nuôi, một cặp vợ chồng Mỹ, kể rằng anh được đón về từ Việt Nam. Họ tìm thấy Hester trong một trại trẻ mồ côi ở Vũng Tàu năm 1973. Khi đó, cậu bé con chưa tròn một tuổi.
Các y tá cho biết mẹ Hester đã rời bệnh viện sau khi sinh. Nghe lời khuyên của em trai mới trở về từ cuộc chiến, đôi vợ chồng người Mỹ không thể có con đã nhận nuôi một đứa trẻ Việt để phần nào giảm bớt hậu quả đau thương của chiến tranh.
Brian Hester (trái) ở Việt Nam năm 1974. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại Ohio, Hester còn năm anh chị em khác, cũng được nhận nuôi. Tất cả đều thân thiết, gần gũi với nhau.
Thế nhưng, ra khỏi nhà, Hester nhận thấy rõ sự khác biệt của mình. Là một đứa con lai, anh thường xuyên bị hỏi về gốc gác nhưng chẳng ai đoán được anh có một nửa dòng máu Việt. Hester cảm thấy khó khăn khi cố gắng giải thích về cội nguồn và mất kết nối với người xung quanh.
Tất cả những gì Hester biết về quá khứ là mình "đến từ một cuộc chiến". Nhưng cuộc chiến đó qua họ hàng và bạn bè của bố mẹ nuôi của Hester lại có nhiều phiên bản trái ngược. Anh tự hỏi sự thật là gì và cố tránh khỏi các cuộc thảo luận về chủ đề này.
Lớn lên, Hester chẳng có người bạn châu Á nào và biết rất ít về nơi mình sinh ra, trừ việc người dân ở đó dùng đũa. Hester học dùng đũa ở một nhà hàng Trung Quốc mà gia đình anh thỉnh thoảng tới sau buổi lễ nhà thờ hôm chủ nhật.
Buổi họp mặt của Holt International đã "đánh thức" Hester. Anh nhận ra mình không thù hận chiến tranh, cũng không trách chiến tranh đã chia cắt anh với bố mẹ ruột.
Lần đầu tiên, Hester cảm thấy kết nối với một nhóm người. Họ nói về những cảm xúc và vấn đề đã trải qua khi là một đứa trẻ lai được nhận nuôi, băn khoăn về xuất thân cũng như di sản văn hóa. Gia phả là một khái niệm Hester chưa bao giờ biết.
Nhờ buổi họp, Hester tò mò hơn về Việt Nam và bắt đầu tìm hiểu thông tin về đất nước nơi mình chào đời. Gần 30 tuổi, Hester ăn phở lần đầu tiên. Anh trò chuyện với một Việt kiều sống gần nhà và những cuộc trò chuyện đã thúc đẩy Hester đến Việt Nam.
Hester chẳng rõ mình sẽ tìm ai hay cái gì. Anh không biết mẹ đẻ, cũng không biết quốc tịch bố. Trong tay anh chỉ có một số bức ảnh hồi nhỏ, giấy khai sinh và hộ chiếu Việt Nam được cấp khi anh rời Việt Nam năm 1974.
Năm 2009, Hester tới Đồng Nai theo lời mời của một người bạn Việt kiều. Mọi thứ đều mới mẻ. Hester bị quyến rũ bởi những cánh đồng lúa, những nông dân dắt trâu qua đường và những món ăn địa phương. Anh cũng ngạc nhiên khi thấy hàng triệu xe máy cùng không khí nhộn nhịp của TP HCM.
Tuy nhiên, dường như không ai tin rằng Hester có một nửa là người Việt. Một số người hỏi: "Thế sao anh không nói tiếng Việt?".
Tới Vũng Tàu, cũng chẳng ai nghĩ Hester được sinh ra ở đây. Trại mồ côi từng chăm sóc Hester đã đóng cửa và được cải tạo cho mục đích khác, chủ mảnh đất thì qua đời vài năm trước. Hester không biết làm thế nào có thể tìm những người từng biết anh hồi còn bé.
Hester đến thăm cô nhi viện từng chăm sóc mình trong chuyến về Việt Nam năm 2011. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hester cảm thấy sự trống trải bao trùm và mất vài ngày để bình tĩnh lại.
Nhờ nói chuyện với bạn bè, Hester biết rằng nếu không tới Mỹ, cuộc sống của mình sẽ rất khó khăn. Anh nhận ra mình thật may mắn khi có một gia đình, được học hành và có cuộc sống tốt đẹp ở Mỹ. Nhưng sợi dây liên kết với mảnh đất chôn rau cắt rốn kéo anh trở lại.
Một buổi sáng trong chuyến sang Việt Nam thứ ba năm 2011, Hester lúc đó ở TP HCM, mở cửa sổ và nghĩ "mình muốn sống ở đây". Anh yêu nhiều điều về đất nước này, nơi có tình cảm gia đình gắn kết và một cộng đồng quan tâm lẫn nhau. Anh yêu cuộc sống ở cả thành phố lẫn nông thôn. "Thật khó giải thích, nhưng tôi luôn trở lại sau mỗi lần rời đi", người đàn ông bày tỏ.
Sau khoảnh khắc đó, Hester quay lại Mỹ và chuẩn bị chuyển hẳn về Việt Nam. Bố mẹ cùng anh chị em nói rằng họ hiểu quyết định của Hester và để anh đi.
Lần trở lại "cuối cùng", Hester trở thành giáo viên tiếng Anh tại TP HCM và mở một quán phở. Anh còn tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em khó khăn.
"Tôi hy vọng có thể đem tới cho chúng cơ hội đổi đời như mình ngày trước", Hester nói.
Thiếu manh mối, Hester biết việc tìm mẹ đẻ không dễ dàng, thậm chí bất khả thi. Anh đã đọc nhiều bài báo về những người cố gắng gặp lại bố mẹ đẻ.
"Sẽ là một phép màu nếu tôi được thấy mẹ lần nữa. Tôi sẽ cảm ơn bà vì đã sinh ra tôi. Hẳn ngày đó bà có lý do phải rời đi", Hester chia sẻ.
Đầu năm nay, Hester chuyển về Vũng Tàu. Sau gần 10 năm sống tại Việt Nam, anh tự tin rằng đây là nơi mình thuộc về.
Sau một số khó khăn do đại dịch, Hester hiện mở cửa hàng chăm sóc xe ở Vũng Tàu. Anh cảm thấy biết ơn và may mắn.
"Tôi có thể nói rằng mình đã trở về nơi bắt đầu", anh nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.