Những thương binh tiêu biểu trong phong trào làm giàu
Người thương binh sống nghĩa tình và làm kinh tế giỏi
Theo báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hoạt (Bạc Liêu) là một người thương binh dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để tạo đột phá trong phát triển kinh tế và sẵn sàng giúp đỡ đồng đội. Chính nhờ sự kiên trì, không lùi bước, cộng với tinh thần ham học hỏi, ông Hoạt đã thành công từ nghề nuôi tôm, thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng nhờ nuôi tôm công nghệ cao và ông cũng là một trong 2 gương mặt nông dân tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Trong 3 năm qua, ông Nguyễn Văn Hoạt thu hoạch được 165 tấn tôm, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, lợi nhuận trên 7,2 tỷ đồng. Riêng năm 2021, ông thu được 57 tấn tôm, lợi nhuận 2,6 tỷ đồng.nNgoài ra, ông Hoạt còn mạnh dạn đầu tư điện năng lượng mặt trời để phục vụ nuôi tôm và cung cấp điện sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm chi phí điện hơn 100 triệu đồng/năm, góp phần giảm chi phí cho sản xuất.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu thì thời gian qua đã có 15 hội viên nông dân trong xã Hiệp Thành có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, vươn lên khá giàu sau khi được ông Hoạt giúp đỡ về kỹ thuật cũng như đầu tư vốn sản xuất kinh doanh. Tinh thần tương thân tương ái của ông Hoạt không dừng lại ở đó. Được biết, ông còn là người nhiệt tình với công tác an sinh, xã hội ở địa phương. Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch COVID-19 trong năm 202, ông đã không ngần ngại hỗ trợ tổng số tiền 200 triệu đồng, đồng thời ủng hộ 5 tấn gạo cho người dân để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Văn Hoạt được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 cũng là chính là sự ghi nhận xứng đáng đối với người nông dân hiện đại, cựu chiến binh sẵn sàng dấn thân, đi trước đón đầu để vươn lên phát triển và luôn biết quan tâm chia sẻ với cộng đồng của người nông dân Việt Nam thời hiện đại.
Thương binh nặng vươn lên làm giàu từ “hai bàn tay trắng”
Chia sẻ với TTXVN, thương binh Vũ Văn Tinh (Thái Bình) tâm sự, những ngày đầu mở xưởng sửa chữa ô tô, ông gặp không ít khó khăn, vừa thiếu lao động tay nghề cao, vừa thiếu vốn đầu tư thiết bị máy móc. Kỹ thuật, công nghệ sửa chữa xe đòi hỏi tay nghề cao, trong khi đó với thương tật 81%, sức khỏe của ông ngày càng yếu do vết thương cũ tái phát những khi trái gió trở trời. Để mưu sinh, ông và gia đình quyết bám trụ với nghề, lấy ngắn nuôi dài và dành mọi tâm huyết cho công việc. Tiếng lành đồn xa, dần dần xưởng của ông đông khách hơn nhờ sự tỉ mỉ và chu đáo.
Khởi nghiệp với "hai bàn tay trắng", sức khỏe lại yếu, năm 1981 thương binh Vũ Văn Tinh mở cửa hàng nhỏ sửa chữa xe đạp ở thành phố Thái Bình để trang trải cuộc sống. Dần dần ông tự mày mò học thêm về cơ khí và phát triển thành cửa hàng sửa chữa xe máy. Đến năm 1993, ông mạnh dạn đầu tư nhà xưởng và xưởng của ông trở thành một trong những xưởng sửa chữa ô tô đầu tiên ở Thái Bình.
Thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống của các gia đình thương, bệnh binh, ông Vũ Văn Tinh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng đội và con em của họ. Hàng chục năm qua, xưởng sửa chữa ô tô của ông là mái nhà chung của nhiều thế hệ con em thương, bệnh binh, gia đình chính sách và quân nhân xuất ngũ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Hiện nay, xưởng sửa chữa xe ô tô của thương binh Vũ Văn Tinh có 2 cơ sở, với doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, mức thu nhập từ 6 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Với nhiều đóng góp cho xã hội, thương binh Vũ Văn Tinh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh trao tặng nhiều bằng khen. Ông cũng là đại diện của tỉnh Thái Bình dự Hội nghị biểu dương thương binh làm kinh tế giỏi và người có công tiêu biểu toàn quốc nhiều năm liền.
Thương binh Vũ Văn Tinh hướng dẫn con em của hội viên cựu chiến binh học nghề sửa chữa bảo dưỡng xe ô tô (Ảnh: Quốc Đại Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình).
Thương binh với khát vọng làm giàu quê hương
Theo báo Lao động Thủ đô, thành phố Hà Nội hiện có hàng chục nghìn cựu chiến binh. Trong chiến tranh, họ là những người xông pha nơi chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người bị thương, trở thành thương, bệnh binh, không ít người dù không bị thương nhưng lại bị nhiễm chất độc hóa học… Thế nhưng, thương tật do chiến tranh để lại vẫn không làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho quê hương của những người lính khi xưa. Họ xứng đáng là điển hình tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng trong đời thường.
Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có nhiều cựu chiến binh gương mẫu, vượt qua trở ngại bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế vững mạnh, giúp nhiều người có việc làm, góp phần làm giàu quê hương. Trong đó, phải kể đến ông Lê Văn Huệ (Quốc Oai – Hà Nội). Ông Huệ bị thương ở chiến trường Campuchia, có 3 vết thương thực thể, hiện nay vẫn còn mảnh kim loại trong người. Những lúc trái gió trở trời, ông Huệ vẫn bị hành hạ bởi những vết thương do chiến tranh để lại.
Trong những năm qua, mặc dù thương tật, nhưng ông Huệ và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cách đây hơn 30 năm, vợ chồng ông Huệ nhận đất, nhận rừng lên Hòa Thạch kiếm kế sinh nhai. Ông Huệ chia sẻ: Những ngày đầu mới bắt tay vào công việc, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên chúng tôi trồng chè phục vụ cho việc xuất khẩu. Tuy nhiên sau đó, cây chè không còn mang lại nguồn lợi kinh tế nữa, chúng tôi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và nuôi gà đẻ, gà thịt”.
Có thời điểm, gia đình ông Huệ nuôi tới 6.500 gà đẻ trứng và trồng nhiều loại cây ăn quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thậm chí, khi nuôi, trồng đạt hiệu quả, thu nhập của ông còn lên tới 600 triệu đồng/năm.
Bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế, ông Huệ cũng tham gia công tác ở thôn với vị trí Trưởng ban kiểm soát Hợp tác xã thôn Long Phú. Ông Huệ thường xuyên cùng cán bộ thôn đi học tập các mô hình kinh tế mới, cách nuôi trồng hiệu quả để truyền đạt lại cho bà con nông dân. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.
Cũng từ đây mà hình ảnh về những người lính cụ Hồ vốn đã đẹp, nay lại càng đẹp hơn. Họ mang đến những tấm lòng đáng trân trọng, không ngại khó, ngại khổ, không mặc cảm thương tật trên cơ thể để tạo nên một môi trường “không khoảng cách” đối với những người thương binh “tàn nhưng không phế” và luôn sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng người dân với khát vọng làm giàu quê hương, đất nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.