Kiến nghị về việc ngừng trợ cấp tuất
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình trả lời vấn đề này như sau:
Qua xác minh thực tế tại địa phương, bà Nguyễn Thị Ly, trú quán xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, có chồng là ông Phạm Văn Sáo đã từ trần ngày 22/1/2016 (không có trường hợp nào là bà Nguyễn Thị Ly có chồng là Nguyễn Văn Thanh như nội dung phản ánh).
Thực hiện Kết luận số 44/KL-TTr ngày 2/4/2015 của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thái Bình, kết luận giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng chế độ ưu đãi; tổ chức thực chứng tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có trường hợp ông Phạm Văn Sáo, trú quán xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có con đẻ kê khai trong hồ sơ là Phạm Quang Huy. Ông Phạm Văn Sáo từ trần ngày 22/1/2016, có con đẻ là anh Phạm Quang Huy, sinh năm 2007 đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, ông Phạm Văn Sáo được hưởng chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Quyết định số 1944/QĐ-SLĐTBXH ngày 1/2/2010 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Theo hồ sơ thể hiện, ông Sáo được hưởng chính sách là do ông có Quyết định phục viên số 4142TM/QL ngày 20/9/1976 của Trung đoàn 209 và Giấy chứng nhận khen thưởng ngày 12/9/1976 của Trung đoàn 209 (đủ điều kiện theo quy định về giấy tờ chứng minh chiến trường).
Con ông Sáo bị dị dạng dị tật u máu vùng cổ, vì vậy ông được giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa để xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Căn cứ Biên bản giám định y khoa của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Thái Bình kết luận ông Phạm Văn Sáo có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 61%, ông Sáo được hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mức 61-80% (đủ điều kiện có sinh con dị dạng, dị tật bẩm sinh).
Kết quả thực chứng tình trạng dị dạng, dị tật của con ông Sáo: Vùng trước hầu có đám biến đổi nhiễm sắc tố da màu đỏ, không mắc dị dạng, dị tật bẩm sinh. Do đó, ông Phạm Văn Sáo không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học sinh con dị dạng, dị tật. Sau khi ông Sáo từ trần, gia đình lập hồ sơ cho anh Phạm Quang Huy, sinh năm 2007 được hưởng chế độ tuất hằng tháng.
Nay, trường hợp của ông Phạm Văn Sáo không đủ điều kiện theo quy định do vậy phải ngừng chế độ tuất của con đẻ. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 785/QĐ-SLĐTBXH ngày 17/12/2018 về việc ngừng trợ cấp đối với thân nhân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với anh Phạm Quang Huy kể từ tháng 12/2018.
Về nội dung ông Phạm Văn Sáo từ trần do mắc bệnh ung thư phổi và gia đình đề nghị bổ sung hồ sơ bệnh án điều trị ung thư phổi của ông, do ông Sáo đã chết không thể giám định để kết luận bệnh tật theo Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để làm căn cứ xác định mức hưởng và chế độ tuất cho thân nhân.
Theo Biên bản giám định y khoa số 2928/GĐYK ngày 30/10/2009 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Thái Bình kết luận ông Phạm Văn Sáo có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 61% nhưng không thể hiện ông có mắc bệnh tật theo quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Vì vậy, Sở không có căn cứ để xem xét, giải quyết đề nghị của gia đình bà Ly.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.