Ký ức tháng Tư
Sư đoàn 18 ngụy là lực lượng chính, đóng quân trong cứ điểm phòng ngự kiên cố, vững chắc. Chuẩn tướng Lê Minh Đảo (tư lệnh sư đoàn 18) đã từng tuyên bố: Quyết tử để bảo vệ Xuân Lộc!?
Trung đoàn 4 chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh chiến đoàn 52 ngụy ở ngã ba Dầu Giây, chặn đường tiếp tế của quân Ngụy từ thành phố Biên Hòa cho căn cứ Xuân Lộc. Trận chiến vô cùng ác liệt, bắt đầu từ rạng sáng ngày 9/4, đến ngày 20/4, chiến đoàn 52 đã bị tiêu diệt. Các mũi chính đánh chiếm vào trung tâm căn cứ Xuân Lộc, đêm ngày 20/4, tướng Lê Minh Đảo cùng đám tàn quân đã phải tháo chạy. Tỉnh Long Khánh đã được hoàn toàn giải phóng. Chiến sĩ Quân đoàn 4 tiến vào tiếp quản tỉnh lỵ Long Khánh sáng ngày 21/4/1975. Ảnh tư liệu
Sắp đến kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Xuân Lộc, Long Khánh. Tôi nhớ lại, đúng vào ngày này (13/4) của 46 năm về trước: Hôm đó trời nắng gắt từ sáng sớm, tôi về kiểm tra bộ phận phía sau (khu vực quân y, hậu cần, anh nuôi) của tiểu đoàn. Tôi đang đi bên bờ suối cùng với Bản - Bản là liên lạc tiểu đoàn, thường đi với tiểu đoàn trưởng Tư Bình. Bản bị thương chiều hôm trước. Bản báo cáo bị ốm, xin về lại phía sau. Tôi cho Bản về và gọi cậu Tạ Quang Bình (người Thái Nguyên), từ C13 lên thay vị trí của Bản. Lúc đó cậu Sắn (anh nuôi C11) ở bên kia suối nhìn thấy tôi, Sắn gọi với sang: “Anh Ba Lộc ơi, anh lội sang bên này em nhờ chút việc”. Tôi lội qua suối (mùa khô nên nước cạn, có chỗ xắn quần lội qua được). Sắn bảo tôi ngồi xuống võng, cậu ấy nói: “sáng sớm nay em câu được con cá to lắm, em đã nấu cháo cá, anh ăn với em một chút cho ấm bụng”. Vừa ăn cháo, Sắn vừa mở ba lô lấy ra cuốn sổ nhật ký, Sắn nói: “Anh ở trên tiểu đoàn, dù gì cũng chắc sống hơn em, em nhờ anh giữ hộ em quyển nhật ký này, trong đây em ghi chi tiết hoạt động từng ngày, kể từ khi nhập ngũ đến hôm nay. Sau ngày chiến thắng, nếu em không còn sống để trở về thì anh chuyển giúp tới cho vợ, con em”.
- Cậu nói gở gì thế?
- Em nói thật mà, anh cứ cầm cho em yên tâm!
Tôi cầm quyển nhật ký của Sắn, trong lòng thoáng chút suy tư!? Sắn trước là cán bộ thống kê của trường CNKT Địa Chất, vợ cậu ấy tên là Chung, là y tá của trường, cưới nhau được tròn một năm thì vợ Sắn sinh con gái . Khi Sắn nhận lệnh nhập ngũ, con gái chưa đầy 2 tuổi, vợ Sắn lại mang thai được 4 tháng. Tôi nhớ lần cuối Chung đạp xe từ Kim Anh, Vĩnh Phú (nay là Phúc Yên) sang Phú Bình, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) thăm Sắn, với cái bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh, nhìn thấy mà thương cô ấy quá.
Trước khi vào trận chiến, Sắn nói với tôi: “Anh Ba à, dạo này em hay nghĩ về bố, mẹ, vợ con em quá, em cứ thấy lo lo sao ấy, hay là anh nói với đại đội cho em về làm anh nuôi đi”. Tôi trao đổi với Đ/c chính trị viên đại đội, Sắn được chuyển về làm anh nuôi của đại đội 11.
Về bên này suối, gặp cậu Bản vừa đi tắm về, Bản bảo: “Đoạn dưới, có chỗ nước suối sâu đến cổ, anh tắm chút cho mát”. Tôi vừa cởi xong quần áo ngoài, để lên trên cái ba lô thì nghe tiếng rít của máy bay, theo phản xạ tự nhiên tôi vội nâng cái ba lô che lên đầu. Khi quay nhìn lại đã thấy cậu Bản bị mảnh bom chém đứt 1/3 đầu, nằm ngã xuống cửa hầm, máu chảy tràn ra. Tôi chạy nhanh lại cửa đầu hầm bên kia, kéo Bản xuống, vừa vuốt mắt cho Bản xong thì nghe tiếng của Trần Công (đại đội phó đại đội 12) gọi to: “Anh Ba ơi, cắt cho em cái cánh tay”. Tôi nhìn lên thấy Công dùng tay phải nâng cánh tay trái đã bị đứt lìa, chỉ còn dính tý da. Tôi cắt nhanh rồi băng bó lại cho Công, cho khiêng ngay đến trạm quân y gần đó.
Lúc này, tôi mới thấy đau ở sau lưng, sờ tay lại mới biết mình bị thương vào phần mềm, máu chảy ướt đầm lưng áo. Tôi leo lên hầm mới thấy ba lô của tôi đã bị mảnh bom găm sâu tới hai lớp quần áo. Rất may, nếu lúc đó tôi không nhanh tay nâng ba lô che lên đầu, chắc chắn tôi cũng đã bị hiểm nguy rồi. Trận ném bom này, tiểu đoàn tôi hy sinh 4 Đ/c, bị thương 9, trong đó có 3 Đ/c bị thương rất nặng. Trong số 4 Đ/c hy sinh có Bản và Sắn. Quả bom ném xuống gần chỗ chúng tôi ngồi ăn cháo lúc nãy. Sắn bị hất tung xuống suối, trôi cách xa tới gần 1 cây số.
Các Đ/c bị thương được sơ cứu rồi khiêng chuyển ngay về trạm quân y. 4 Đ/c hy sinh chúng tôi khâm niệm cẩn thận. Tôi kiểm tra kỹ lý lịch trích ngang của từng người trước khi cho vào lọ Belisilil, để vào túi áo ngực rồi mới bọc vải trắng, bọc tiếp lớp tăng nilon, bó lại, đặt xuống hố đã đào sâu, chôn chặt. Trên mỗi đầu mộ, chúng tôi đều đóng một cọc gỗ làm dấu. Sơ đồ phần mộ được chỉ dẫn rõ ràng, gửi về ban chính sách của Trung Đoàn, phục vụ cho việc quy tập hài cốt Liệt Sĩ sau này.
Thời gian qua đi cũng gần nửa thế kỷ. Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày tháng này, tôi vẫn thấy bàng hoàng, đau xót. Bom đạn của kẻ thù không chừa bất cứ nơi nào, ở phía trước hay ở phía sau đội hình chiến đấu đều có thể hy sinh!
Vợ Sắn ở nhà sinh được con trai. Hai cháu con của Sắn đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Cô Chung vợ Sắn đã lên chức bà ngoại, bà nội, cuộc sống ổn định, an lành.
Tượng đài chiến thắng Long Khánh hôm nay. Ảnh tư liệu
Mỗi lần anh em đồng đội chúng tôi, những người may mắn còn sống sau cuộc chiến có dịp gặp nhau, ôn lại những năm tháng ở chiến trường, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ những đồng đội đã hy sinh, những người đã sớm về cõi vĩnh hằng vì thương tật, bệnh tật do chiến tranh. Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống hiện tại, chúc cho nhau luôn vui, khỏe để còn được nhiều lần gặp mặt nhau vui vẻ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.