Lại thêm một vụ oan sai?
Số là, ngày 28/6/2008, Công ty TNHH ô tô Đức Phương (Công ty Đức Phương) có trụ sở tại Nam Định đã ký với Công ty cổ phần XNK và thương mại Hà Anh (Công ty Hà Anh) tại Hà Nội hợp đồng số 05/HĐLK/ĐP-HA về việc liên kết bán hàng. Hàng hóa là các loại ô tô do Công ty Đức Phương nhập khẩu và sản xuất. Theo nội dung hợp đồng, Công ty Đức Phương sẽ chịu trách nhiệm cung cấp từ 10- 15 xe ô tô các loại để bày bán tại showroom của Công ty Hà Anh tại đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội; chịu trách nhiệm về toàn bộ lãi vay ngân hàng và hàng tháng chuyển toàn bộ tiền lãi vào tài khoản của Công ty Hà Anh mở tại ngân hàng. Cũng theo nội dung hợp đồng, thì Công ty Hà Anh không phải thanh toán trước cho Công ty Đức Phương bất cứ khoản tiền nào, kể cả tiền đặt cọc. Bù lại, khi có khách mua xe, Hà Anh có trách nhiệm bán xe theo giá chỉ đạo của Công ty Đức Phương tại từng thời điểm; phải nộp 100% giá trị tiền hàng của xe đó vào ngân hàng để giải chấp lấy giấy tờ xe trả cho khách hàng đi đăng ký. Ngoài ra, hợp đồng còn quy định địa điểm bán hàng là toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, chi phí xúc tiến thương mại, in ấn, quảng cáo và vận chuyển xe đến các điểm bán do Công ty Đức Phương đảm nhận... Trường hợp phát sinh tranh chấp 2 bên sẽ thương lượng giải quyết. Trường hợp không thương lượng được thì việc tranh chấp sẽ được đưa ra Tòa Kinh tế- TAND TP.Hà Nội và cả hai bên phải tuân thủ phán quyết của Tòa.
Từ ân nhân trở thành… nạn nhân
Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện theo thỏa thuận như trên thì tính lưu thông của hàng hóa không cao vì thiếu cơ chế ràng buộc. Do vậy, không khả thi để vay vốn ngân hàng. Để giúp Công ty Đức Phương đủ điều kiện vay được vốn, chỉ sau khi ký kết Hợp đồng 05/HĐLK/ĐP-HA đúng một ngày, ngày 28/6/2008, ông Nguyễn Đức Hiếu- Giám đốc Công ty Hà Anh đã phải ký giúp Công ty Đức Phương một cái gọi là Hợp đồng đại lý ô tô số 48/HĐĐL/ĐP-HA để Công ty Đức Phương ngụy tạo, che mắt ngân hàng. Hợp đồng số 48 có nội dung Công ty Hà Anh phải đặt cọc trước cho Công ty Đức Phương 10% giá trị của đơn hàng. Đặt cọc sau 03 ngày, Đức Phương sẽ thông báo cho Hà Anh ngày giao hàng chính thức để Hà Anh chuyển tiếp 40% giá trị hợp đồng. Số 50% giá trị hợp đồng còn lại khi khách hàng có nhu cầu nhận giấy tờ đi đăng ký thì Hà Anh phải tiếp tục chuyển cho Đức Phương. Công ty Hà Anh không được tự ý mở các văn phòng trưng bày và bán sản phẩm ở các địa bàn khác khi chưa có sự đồng ý của Công ty Đức Phương.
Như đã nói ở trên thì đây chỉ là hợp đồng ngụy tạo để che đậy một giao dịch dân sự khác, giúp Đức Phương thế chấp số xe liên kết với Hà Anh để vay vốn Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đống Đa chứ 2 bên không hề thực hiện theo hợp đồng này. Trên thực tế, Công ty Hà Anh cũng không chuyển cho Công ty Đức Phương cái gọi là 10% đặt cọc nhưng vẫn được Đức Phương giao xe cho để bán. Như vậy Hợp đồng số 48/HĐĐL/ĐP-HA là một hợp đồng vô hiệu về mặt nội dung trong quan hệ kinh tế giữa Công ty Đức Phương và Hà Anh. Các điều khoản của Hợp đồng số 48 cũng không quy định bãi bỏ hay thay thế Hợp đồng số 05.
Trở lại với hoạt động liên kết, để thúc đẩy việc bán hàng, được sự đồng ý của đại diện Công ty Đức Phương, ông Nguyễn Đức Hiếu- Giám đốc Công ty Hà Anh đã mở rộng liên kết với một số cá nhân ở Sơn La, Hải Phòng và vận chuyển xe đến các địa điểm trên để bán. Cụ thể tại Sơn La, Công ty Hà Anh liên kết với ông Lê Thanh Nghị ở thị trấn Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La để mở cửa hàng bán xe ôtô và đã phải chi phí tới 200 triệu đồng để xúc tiến thương mại: tổ chức in ấn biển hiệu cửa hàng, quảng cáo, khai trương rầm rộ... Theo thỏa thuận liên kết thì chi phí in ấn, quảng cáo, vận chuyển xe… do Đức Phương chịu trách nhiệm thanh toán. Tuy nhiên, khi Công ty Hà Anh đề nghị Đức Phương thanh toán khoản chi phí này nhưng Công ty Đức Phương cứ khất nần không chịu thanh toán.
Cái khó bó cái khôn, do xe ô tô các loại của Đức Phương còn chưa có tên tuổi, chất lượng còn chưa được người tiêu dùng tin tưởng nên dù có khai trương, quảng cáo rầm rộ nhưng cũng không thể bán được. Vì thế Công ty Đức Phương trở thành người vi phạm hợp đồng, không giám và không thể tiếp tục cung cấp xe để trưng bày tại showroom của Công ty Hà Anh dẫn đến showroom phải đóng cửa, Công ty Hà Anh ngưng hoạt động. Khoản vay đáo hạn không trả được nợ đến nước phía Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đống Đa yêu cầu thu hồi tài sản đảm bảo, bán phát mãi. Lúc này vì sợ phải thả gà ra đuổi, để đảm bảo cho việc thanh lý hợp đồng, đối trừ công nợ nên Công ty Hà Anh đã giữ lại của Công ty Đức Phương 03/13 xe ô tô. Không lấy được xe trả cho ngân hàng, thay vì thanh toán nợ nần với Công ty Hà Anh hoặc khởi kiện ra Tòa Kinh tế- TAND TP.Hà Nội nhờ phán quyết, Công ty Đức Phương lại làm đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Hiếu- Giám đốc Công ty Hà Anh tới Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ ân nhân của Công ty Đức Phương, ông Hiếu đã trở thành nạn nhân của trò chơi mang tên quyền lực từ đây.
Hình sự hóa quan hệ kinh tế?
Khi thụ lý đơn tố giác tội phạm của Công ty Đức Phương, trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT- Công an Hà Nội đã thu thập được tất cả các Hợp đồng đại lý số 48/HĐĐL/ĐP-HA và Hợp đồng liên kết bán hàng số 05/HĐLK/ĐP-HA và đưa vào hồ sơ vụ án, có đánh số bút lục hẳn hoi nhưng cơ quan này lại chỉ căn cứ vào Hợp đồng đại lý số 48, một hợp đồng vô hiệu về mặt nội dung làm cơ sở để định tội và buộc tội ông Nguyễn Đức Hiếu là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Chưa hết, khi không bán được xe và cũng không có xe để bán, chưa thanh lý hợp đồng với Công ty Đức Phương, ông Nguyễn Đức Hiếu đành phải cho Công ty Hà Anh tạm ngưng hoạt động, ông Hiếu chuyển lên sinh sống tại phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và làm công việc khác để kiếm kế sinh nhai. Trong quá trình sinh sống ở đây, ông Nguyễn Đức Hiếu đã đến Công an phường Gia Sàng để đăng ký tạm trú, không bỏ trốn, vẫn thường xuyên trao đổi, gặp gỡ với đại diện của Công ty Đức Phương để giải quyết vấn đề công nợ tồn tại giữa 2 bên. Thế nhưng, sau một lần triệu tập lên làm việc không được, Cơ quan CSĐT- Công an Hà Nội đến gặp và lấy lời khai của bà Nguyễn Thị Hạnh, mẹ đẻ ông Hiếu ở một địa chỉ khác. Trong biên bản làm việc, bà Hạnh cho biết không biết Hiếu đi đâu, làm gì. Từ đó, cơ quan CSĐT- Công an Hà Nội cho rằng ông Hiếu đã bỏ trốn và ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Hiếu về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và phát lệnh truy nã ông Hiếu.
Cần phải nói thêm rằng, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là tội cấu thành vật chất. Điều đó có nghĩa là khi và chỉ khi chủ thể của tội này phải chiếm đoạt được tài sản và lẩn trốn, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì mới đủ yếu tố cấu thành tội. Đó là còn chưa nói đến mặt hàng xe ô tô là loại hàng hóa đặc biệt cần phải đăng ký quyền sở hữu, và không có giấy tờ mua bán sang nhượng thì không thể đăng ký lưu hành được. Trong khi, toàn bộ lô xe này vẫn mang tên chủ sở hữu là Công ty Đức Phương và giấy tờ xe thì do Ngân hàng NT&PTNT nắm giữ.
Như vậy từ một quan hệ dân sự, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng của Hà Nội đã cố tình hình sự hóa mối quan hệ này và xử phạt ông Nguyễn Đức Hiếu 7 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, bản án này sau đó đã bị HĐXX Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội hủy toàn bộ và trả hồ sơ điều tra lại theo thủ tục chung. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của HĐXX cấp sơ thẩm do bà Phan Thanh Huyền- Thẩm phán TAND TP.Hà Nội làm chủ tọa phiên tòa sơ thẩm sẽ như thế nào? Đặc biệt, là vai trò của ông Hoàng Lê Thông- Kiểm sát viên VKSND TP.Hà Nội, người giữ vai trò kiểm sát điều tra vụ án này và giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm có thực sự bảo vệ công lý hay vào hùa với Cơ quan CSĐT- Công an TP.Hà Nội và HĐXX sơ thẩm để buộc tội lấy được ông Nguyễn Đức Hiếu?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.