Lao động nữ được nghỉ 30 phút trong ngày đèn đỏ
2015-11-04 09:16:20
0 Bình luận
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11. Trong đó, lần đầu tiên lao động nữ được nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh, tối thiểu 3 ngày trong một tháng. Đối với phụ nữ có con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút để vắt sữa, nghỉ ngơi. Quy định này chắc chắn được chị em hưởng ứng vì đây là một sự quan tâm và hỗ trợ tốt cho các lao động nữ.
Trong mục thứ 2 điều 7 của nghị định 85/2015 NĐ-CP quy định rõ: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
c) Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Đối với lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.
Nghị định quy định rõ, người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
Chính phủ cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Nghị định quy định khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
Theo thống kê, tỷ lệ lao động nữ trong các doanh nghiệp luôn nằm ở mức xấp xỉ 50%. Điều này cho thấy trong các doanh nghiệp thì các lao động nữ cũng đóng vai trò quan trọng như nam giới. Thực tế, cả lao động nam và nữ đều có những vai trò nhất định trong từng ngành nghề khác nhau. Mặc dù vậy, thu nhập của nữ giới hiện chỉ bằng khoảng 75% của nam giới, cũng như các chế độ đãi ngộ cho nữ giới cũng thường thấp hơn. Ngoài ra nữ giới còn phải chịu nhiều áp lực từ các vấn đề bức xúc khác khi lao động.
Nghị định này của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu cũng như sự coi trọng và đánh giá cao vai trò của lao động nữ đối với xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Ngọc Bích (Tổng hợp)