Kỷ niệm 995 năm thành lập làng Cổ Nhuế - Linh thiêng lễ hội rước kiệu Thánh Vân Du
Theo truyền thống, cứ 5 năm một lần, làng truyền thống Cổ Nhuế lại tổ chức lễ hội rước kiệu Thánh Hoàng làng (tức hoàng tử Đông Chinh Vương – con của vua Lý Thái Tổ) đi qua các thôn tại làng Cổ Nhuế, nhằm tôn vinh và tưởng nhớ đến người đã có công xây dựng và bảo vệ dân làng.
Lễ hội kỷ niệm 995 năm thành lập làng Cổ Nhuế - Linh thiêng nhất là phần lễ rước kiệu Thánh Vân Du.
Từ sáng sớm ngày 1/3, lực lượng chiến sĩ công an phường và Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) đã có mặt tăng cường để phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân tham gia lễ hội rước kiệu tại Lễ hội kỷ niệm 995 năm thành lập làng Cổ Nhuế và các phương tiện tham gia giao thông di chuyển qua khu vực nút giao lên xuống Trần Cung - Cổ Nhuế, tại lối lên đường Vành đai 3 (đoạn Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Lực lượng công an và CSGT tăng cường phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vự rước kiệu lễ hội.
Cổ Nhuế có tên cũ là Kẻ Noi. Hội làng Cổ Nhuế bắt đầu được tổ chức từ năm Mậu Thìn 1028 (tức năm thứ 19, triều vua Lý Thái Tổ). Cũng vào năm này, làng Kẻ Noi chính thức được đổi tên thành làng Cổ Nhuế và xin được tôn Hoàng tử hiệu Đông Chinh Vương làm Thành Hoàng để thờ phụng.
Tích xưa kể rằng, năm Thuận Thiên thứ 18 (1027) thời vua Lý Thái Tổ, Hoàng Vương (tức hoàng tử Đông Chinh Vương – con của vua Lý Thái Tổ) phụng chiếu Vua cha đi dẹp giặc ở Văn Châu (Lạng Sơn). Đến tháng 2 năm sau (Mậu Thìn 1028), Hoàng Vương thắng trận trở về, dân làng đứng hai bên đường nghênh đón thành kính (nay là đường Cổ Nhuế - Trần Cung, hay còn gọi là Ngã tư Cổ Nhuế).
Sau đó, dân làng Cổ Nhuế được Vua xuống chiếu ban cho 1.600 mẫu ruộng và miễn tô thuế. Đến năm Thiên Thánh thứ hai, Hoàng Vương và nàng công chúa thứ tư con vua Lý, tên là Tả Minh Hiến, đã bỏ tiền xây dựng đình Hoàng.
Phần lễ rước kiệu Thánh linh thiêng là lúc người dân làng Cổ Nhuế tâm niệm cầu mong được nhiều sức khỏe, bình an và vạn sự may mắn thành công.
Hội đình Hoàng là một nét đẹp văn hóa của người dân Cổ Nhuế hàng nghìn năm nay. Cho đến nay, hội đình Hoàng vẫn được duy trì tổ chức sau gần 1.000 năm, với định kỳ 5 năm một lần. Tâm điểm chính của lễ hội là phần rước kiệu Thánh Vân Du.
Hành trình của đám rước kiệu Thánh Vân Du là đi từ đầu làng đến cuối làng, bắt đầu tại đình Hoàng tới chùa Trung Hưng, qua chùa Sùng Quang, qua đền Bà Chúa, chùa Anh Linh, đi đến đâu dâng lễ đến đấy, sau đó rước Thánh hồi cung.
Đoàn rước kiệu Thánh Vân Du đi qua đường làng, 2 bên là người dân và du khách cùng tham gia bày nhang đèn, mâm cỗ, bái vọng, thắp hương cầu nguyện an may... Tại hội rước kiệu thánh Vân Du, người dân có tục chui dưới kiệu để cầu may, cầu phước, cầu lộc. Trải qua gần nghìn năm lịch sử, người dân Cổ Nhuế vẫn gìn giữ được những nét đẹp về một lễ hội văn hóa lâu đời.
Các tổ dân phố đã chuẩn bị bàn thờ, mâm cúng để dâng hương Thánh nhân dịp kỷ niệm 995 năm thành lập làng Cổ Nhuế.
Hội đình Hoàng được người dân Cổ Nhuế tổ chức hội chính 5 năm một lần với quy mô lớn trên toàn xã, gồm 12 thôn. Nghi lễ gồm: Rước kiệu thánh, rước giá văn, rước Phật đình, rước phướn… Đây được cho là một trong những lễ hội lâu đời nhất trên đất Hà thành Thủ đô.
Đình thôn Viên là di tích lịch sử văn hóa - tương truyền có từ thế kỷ 11, trong thờ Hoàng tử nhà Lý là Đông Chinh đại vương làm Thành hoàng làng (địa chỉ ở số 337 phố Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Duy Hùng - Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đại diện Ban Tổ chức cho biết: "Lễ hội là một nét đẹp văn hóa, là dịp tưởng nhớ công ơn của thánh hoàng làng đã có công gây dựng nên xã Cổ Nhuế, nay là phường Cổ Nhuế 1 và Cổ Nhuế 2 ngày nay. Lễ hội góp phần giáo dục lớp trẻ lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống ông cha để lại, tri ân các bậc tiên tổ".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.