Lương viên chức dạy người khuyết tật trong trường công lập
Theo dự thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện các nhiệm vụ chính sau:
- Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật học tập và rèn luyện kỹ năng đặc thù, kỹ năng sống phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật
- Hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục người khuyết tật; tham gia huy động người khuyết tật đến trường học tập; hỗ trợ, tư vấn cho gia đình người khuyết tật và cộng đồng về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục người khuyết tật.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật là có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên một trong các ngành: Sư phạm, Y tế, Công tác xã hội;
Đồng thời hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo quy định (trong thời gian thực hiện chế độ tập sự).
Theo dự thảo, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật mã số V.07.06.16 đối với: Viên chức đang làm công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật nhưng chưa được bổ nhiệm theo quy định của Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT- BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập khi đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo quy định
Về việc xếp lương, dự thảo nêu rõ: Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật quy định tại Thông tư này được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89 quy định tại Bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Độc giả có thể đóng góp ý kiến dự thảo bằng cách gửi tới Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.