Ghé thăm Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ của Mẹ Tím

2021-01-10 10:24:39 0 Bình luận
“Mẹ mãi là niềm hãnh diện tuyệt vời nhất của con. Mặc dù không sinh ra con nhưng mẹ đã nuôi dưỡng, dạy dỗ con trưởng thành. Những lúc con sai, mẹ luôn khuyên bảo và tha thứ. Con biết ơn mẹ lắm! Con chúc mẹ hạnh phúc, vui vẻ. Con yêu mẹ! Con gái: Lường Thị Mơ”. Cầm trên tay tấm thiệp, nước mắt chị Lò Thị Tím cứ chực trào...

Ân tình bên dòng suối Nậm Lay

Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ. Mùi hoa sữa nồng nàn phả vào trong gió lạnh vấn vương quanh những mái nhà ríu rít tiếng cười, khiến ai cũng có cảm giác ấm cúng lạ thường. Sự xuất hiện đường đột của tôi khiến chị Lò Thị Tím có chút bất ngờ. Nhấc khỏi bếp nồi canh đang bốc hơi nghi ngút, chị Tím kể: “Chiều thứ ba, thứ năm hằng tuần, tôi phải nấu cơm sớm để con lớn ăn rồi đi học phụ đạo. Các con tiểu học, đi học về hay bị đói nên phải chuẩn bị chút bánh kẹo. Vì các con, mình vất vả một chút cũng không sao”.

Chị Lò Thị Tím sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em ở bản Na Ca, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay (Điện Biên). Vốn là dân tái định cư, nhà không có ruộng, chị em Tím lớn lên đều phải đi làm thuê để mưu sinh. Năm 10 tuổi, cô bé Tím đã phải chịu nỗi đau mất mẹ. Hơn một năm sau, bố Tím đi bước nữa. Không lâu sau đó, căn bệnh viêm phổi đã cướp đi bố Tím, để lại 6 người con bơ vơ, mưu sinh giữa dòng đời. Trước khi mất, bố Tím dặn dò, giữa suối Nậm Lay có một bãi bồi, các con ra đó khai hoang, làm ruộng trồng lúa, sống qua ngày.

Năm 20 tuổi, Tím đẹp như một bông hoa bên suối Nậm Lay. Có chàng trai bản ngỏ lời yêu thương chị. Gia đình nhà trai đã sang đặt vấn đề xin cưới. Nhưng lúc ấy, trên Tím còn hai chị gái đã xấp xỉ 30 tuổi mà vẫn chưa xây dựng gia đình. Thương các chị thay bố mẹ chăm lo cho các em mà quên lấy chồng. Nghĩ vậy, Tím xin phép hoãn đám cưới để chờ các chị lấy chồng trước. Nhưng đến khi hai chị đã lập gia đình, yên bề gia thất thì Tím vẫn một mình...

Năm 2009, lúc đó chị Tím đã 31 tuổi, thì hay tin Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ tuyển người kèm theo điều kiện: Phải cam kết cống hiến, hy sinh cuộc sống riêng tư vì con trẻ. Chị Tím trăn trở nhiều lắm, hỏi ý kiến anh chị thì ai cũng phản đối. Sau nhiều ngày suy tính, chị quyết định làm theo điều trái tim mình mách bảo. “Tôi là trẻ mồ côi nên thấu hiểu thiệt thòi của những đứa trẻ mất cha, mất mẹ. Vì thế, tôi quyết định nộp đơn xin vào làm tại Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ”, chị Tím kể.

Chị Tím hướng dẫn các con học bài tại ngôi nhà Hoa Bưởi.

Sau khi được nhận vào làm việc tại Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, chị Tím và 10 bà mẹ được tham gia một lớp tập huấn chăm sóc trẻ tại Làng SOS Hà Nội. Chị nhận ra, công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các con không chỉ cần kỹ năng mà điều quan trọng hơn là tình yêu thương.

Người mẹ đặc biệt

Năm 2009, Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ vẫn đang trong quá trình xây dựng. Xung quanh làng cỏ dại um tùm. Để khẩn trương đón các con về, chị Tím cùng các thợ xây dựng ngày nào cũng ra sức dọn dẹp, khuân vác vôi vữa để kịp hoàn thành nhà mới. Ngôi nhà chị Tím ở và chăm sóc các con sau khi hoàn thành được mang tên “Ngôi nhà Hoa Bưởi”.

Một buổi sáng tháng 8-2009, chị Tím nhận được tin, đi đón hai người con đầu tiên, đó là Thào Thị Dông, 18 tháng tuổi và anh trai của Dông là Thào A Thề, 5 tuổi. Hai con mồ côi mẹ, bố ốm yếu bệnh tật, nhà có 6 anh em nên gia đình không đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc hai con. Nhìn hai đứa trẻ gầy gò, xanh xao, trên người chỉ duy nhất một bộ quần áo, chị Tím không khỏi xúc động. Những ngày tiếp theo, chị nhận thêm 6 người con. Các con hầu hết là người dân tộc Mông, Thái... Mỗi con một hoàn cảnh, nhưng đều rất khó khăn. Có con mẹ bị khuyết tật liệt chân tay, không có bố; có con thì bố mẹ đều bị mắc bệnh, không ai nuôi dưỡng...

Việc nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 10 đứa trẻ thực sự là điều không hề đơn giản. Mới đầu, mỗi khi các con cãi vã, tranh giành đồ chơi cũng làm chị Tím thấy chán nản. Nhiều lúc các con bị ốm, lây sang cho nhau, một mình chăm sóc, chị thực sự mệt mỏi. Nhưng với tấm lòng thương yêu con trẻ, sự kiên nhẫn, chị Tím đã cố gắng tìm hiểu tâm lý, lắng nghe, tâm sự để cùng các con giải quyết khó khăn.

Vào đầu năm 2010, ngôi nhà Hoa Bưởi của “gia đình” chị Tím có 2 chị em hoàn cảnh rất đặc biệt. Mẹ bị bệnh không thể nuôi hai con. Lúc mới vào, cô chị 9 tuổi, thường ngồi một mình, ít nói và hay bỏ ăn, bỏ học. Chị Tím dò hỏi qua cậu em 7 tuổi thì mới hay, vì không muốn mẹ đi bước nữa nên cô chị tỏ ra chán nản. Chị Tím nhớ lại: “Đêm hôm đó, tôi vào phòng ôm con rồi tâm sự để con hiểu được tình cảnh bây giờ của mẹ mình. Tôi nói với con: "Mẹ con mắc bệnh, đã thiệt thòi rồi, nay tìm được người yêu thương thì nên mừng cho mẹ mới phải". Tôi cũng nói chuyện với mẹ cô bé. Mấy hôm sau, người cha dượng cũng vào thăm hai chị em. Từ ngày ấy tình cảm mẹ con thêm gắn bó, cô bé vui vẻ hơn nhiều”.

Đã thành thông lệ, mỗi tối thứ bảy hằng tuần, ngôi nhà Hoa Bưởi có buổi sinh hoạt chung. Các con vui văn nghệ và tự kể chuyện về các hoạt động của các con tại trường lớp. Thông qua các buổi sinh hoạt tạo cho các con tính tự giác, khả năng giao tiếp. Bởi, các con thường mặc cảm nên chị Tím luôn cố gắng công bằng, không phân biệt đối xử con là dân tộc nào hay yêu thương ai hơn. Với các con bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, chị Tím thường gần gũi, tâm sự để giúp các con hiểu và tự chủ hơn. Để rèn luyện đức tính cần cù, biết quý trọng sản phẩm lao động do chính mình làm ra, chị Tím thường tổ chức cho các con tham gia các hoạt động tập thể, như: Chăm sóc vườn cây, trồng rau xanh... Khi các con lớn lên, chị Tím định hướng nghề nghiệp cho các con. Ai học tốt sẽ thi đại học, cao đẳng; các con có năng khiếu thì định hướng theo trường nghề, lớp tài năng, trường chuyên... Nhờ đó, các con trong ngôi nhà Hoa Bưởi hòa nhập và tiến bộ rất nhanh. 

Ngày “đá đơm bông”

Thời gian dần trôi, mười năm thanh xuân của chị Tím đã gắn bó với cộng đồng Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ, với mái ấm ngôi nhà Hoa Bưởi và những đứa con thơ. Đến nay, chị Tím đã nuôi dưỡng 16 con với độ tuổi từ 7 đến 15. Hiện tại, chị đang chăm sóc 9 con, trong đó cô con gái lớn là Trần Thị Dung vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Hoa Sữa chuyên ngành nấu ăn, nay đang tham gia học ngoại ngữ để cuối năm sang Nhật làm việc. Con Thào A Thề đang học chuyên ban Lý ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh... Trong các năm học, gia đình chị Tím có 1 con đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán, 3 con đạt học sinh giỏi cấp huyện, các con còn lại đều đạt học sinh khá, giỏi cấp trường.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ, nhận xét: “Chị Lò Thị Tím nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của làng. Chị được bầu là mẹ đại diện của 14 mẹ và một dì của làng trẻ. Chị Tím còn là Ủy viên Ban chấp hành công đoàn của đơn vị. Nhiều năm liên tục, chị được Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên tặng giấy khen vì hoàn thành xuất sắc công tác bảo trợ. Năm 2019, chị Lò Thị Tím được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng bằng khen”.

Mới đây, chị Tím trở về thăm quê hương Mường Lay vào đúng dịp họp họ. Mọi người trong họ ai cũng hỏi thăm và mong chị trở về quê hương kiếm tìm hạnh phúc cho mình. Nghe vậy, chị Tím nở nụ cười hạnh phúc: “Hơn 10 năm gắn bó, yêu thương, các con ở Làng trẻ em SOS đã như máu thịt, như hơi thở, cuộc sống của tôi rồi. Nuôi con từ lúc đỏ hỏn, ẵm ngửa trên tay đến khi khôn lớn, giờ bỏ các con, sao đành...”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

'Một thời Quảng Trị' - Cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc

Đất nước ta đã đi qua gần một nửa thế kỷ không còn tiếng súng chiến tranh, nhưng ký ức bi tráng về những tháng ngày đầy gian khổ vẫn còn in sâu trong tâm trí những con người của thời đạn bom. Đó là từng trận đánh ác liệt, kéo dài; đó là những người đồng đội, đồng chí đã vĩnh viễn hoà mình vào Tổ quốc. Trong không khí chào mừng kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí điện tử Hoà Nhập xin mời quý vị độc giả nhìn lại thời kỳ hào hùng ấy của dân tộc qua những dòng chia sẻ từ Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải về cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
2024-11-27 16:52:49

Mãi ngời sáng “Trang văn bia” về một tiểu đoàn 3 lần anh hùng

Trong lịch sử dài xa của Việt Nam - Đất nước anh hùng, công cuộc đánh giặc giữ nước và dựng xây đất nước của dân tộc ta đã hóa thành bản “anh hùng ca” vang động, chảy dài, trong niềm kiêu hãnh, tự hào qua rất nhiều thời đại.
2024-11-27 14:43:46

Quảng Ninh: Người khuyết tật được quan tâm xây nhà mới

Vừa qua tại TP Móng Cái, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT-TMC) tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP Móng Cái và CLB Thiện nguyện Nhân tâm Hạ Long đã tổ chức khánh thành nhà tình thương cho gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
2024-11-27 13:58:48

Bắc Kạn: Giải thể Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp K27 do không triển khai hoạt động đào tạo

Ngày 18/11/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2054/QĐ-UBND về việc giải thể Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp K27 Bắc Kạn.
2024-11-27 11:31:01

Khám phá thiên nhiên và bản sắc văn hoá Làng du lịch Tân Hoá

Minh Hóa (Quảng Bình) là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cũng là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Ðây là cơ sở quan trọng để địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.
2024-11-27 07:00:00

Xúc tiến, quảng bá Du lịch đêm Hà Nội 2024 với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”

Vào 18 giờ ngày 29/11/2024, tại không gian tuyến phố ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) sẽ khai mạc chương trình quảng bá sản phẩm du lịch "Đêm Hà Nội 2024" với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”; công bố Quyết định công nhận 3 điểm du lịch mới của Thủ đô và khai trương Tuyến tàu điện số 6.
2024-11-26 14:31:36
Đang tải...