Ngày tưởng niệm hơn 23.400 đồng bào tử vong vì đại dịch COVID-19
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19.
Hôm nay đúng 20h00 ngày 19/11/2021 (nhằm ngày 15/10 âm lịch), nhân dân TP.HCM nghĩa tình cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19. Buổi lễ diễn ra tại điểm cầu TP.HCM và Thủ đô Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dâng hương, hoa để tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hi sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất (TP.HCM).
Điểm cầu chính Lễ tưởng niệm là Hội trường Thống Nhất (Quận 1, TP.HCM), với khoảng 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì COVID-19. Cùng với đó là một số điểm cầu truyền hình tại thành phố Thủ Đức, các quận, huyện của TP.HCM, các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh... Điểm cầu thành phố Hà Nội tại sân khấu đa năng, Công viên Thống Nhất (phố Trần Nhân Tông quận Hai Bà Trưng), với khoảng 300 đại biểu.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt, đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hi sinh vì dịch bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát, dịch bệnh COVID-19 sớm được tiêu trừ, để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương mất mát nữa. Một lần nữa thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tôi thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ đau thương mất mát với người thân của những người quá cố mong các gia đình nén đau thương vượt qua sự mất mát quá lớn này dần trở lại cuộc sống bình thường trong điều kiện mới. Nhất là các cháu bị mất cha, mẹ là một biến cố lớn trong cuộc đời. Đảng, Nhà nước, bà con lối xóm, họ hàng thân thích sẽ đồng hành cùng với các cháu trên con đường bước vào đời. Tuy sẽ gặp không ít khó khăn nhưng tôi tin tưởng với sự giúp đỡ chăm lo của Nhà nước, sự quan tâm sẻ chia của cộng đồng, sự yêu thương của họ hàng thân tộc, các cháu sẽ được bù đắp một phần về tinh thần và vật chất. Rất mong các cháu sẽ chăm ngoan học tập tốt trở thành những người có ích cho xã hội” - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ.
Quân nhạc trong lễ tưởng niệm.
Đến nay, cả nước đã trải qua 4 đợt dịch COVID-19, đỉnh điểm đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta ghi số ca mắc đã vượt mốc một triệu người. Đại dịch COVID-19 đi qua đã đưa đồng bào cả nước vào những tháng ngày khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. Tính đến ngày 19/11/2021, đại dịch đã cướp đi mạng sống của hơn 23.400 người, hơn 2.500 trẻ em bị mồ côi, trong đó có 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Riêng TP.HCM, đầu tàu kinh tế của quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất hơn 17.300 nạn nhân tử vong, chiếm hơn 74% so với cả nước. Đại dịch để lại sự mất mát, đau thương to lớn với đồng bào cả nước, đặc biệt là những gia đình có người thân không may mắn đã tử vong; những ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội cho đất nước.
Nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là TP.HCM đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ đại dịch. Hàng chục nghìn gia đình bất ngờ ly biệt người thân, người dân lao động lâm vào cảnh khốn khó, hàng nghìn trẻ em trở thành trẻ mồ côi. Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, TP.HCM trở thành tâm dịch. Bước vào cuộc chiến cam go bằng sự hy sinh, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Thành phố từng bước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Đội nhạc dân tộc trong lễ tưởng niệm.
Để hạn chế mức thấp nhất những hậu quả do đại dịch gây ra, chính quyền địa phương các tỉnh thành đã áp dụng hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Hơn 5 tháng liền, cả đất nước phải ròng rã chống dịch, hàng trăm nghìn cán bộ y tế, chiến sĩ từ các đơn vị Trung ương, địa phương được huy động, chi viện đến các tỉnh, thành có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hàng loạt chính sách, gói an sinh được tiếp ứng đến hàng triệu người dân một cách nhanh nhất, kịp thời nhất… Tuy những ngày đại dịch khốc liệt đã qua đi nhưng đã để lại những vết thương khó lành với đồng bào ta.
Đại diện Nhân dân TP.HCM tham gia lễ tưởng niệm.
Đông đảo đại diễn lãnh sự quán đóng tại TP.HCM tham gia lễ tưởng niệm.
Lễ tưởng niệm là hoạt động nhân vân vô cùng ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, lan tỏa tình nhân ái của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mát, đau thương đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19. Qua đó, tiếp thêm động lực cho lực lượng tuyến đầu, nâng cao trách nhiệm của toàn dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, “phục hồi phát triển kinh tế - xã hội” và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Khoảng 1000 đại biểu, đại diện cho Nhân dân TP.HCM dành 1 phút mặt niệm cho hơn 23.400 nạn nhân đã tử vong trong đại dịch COVID-19.
Xin cúi đầu, tưởng niệm những nạn nhân đã qua đời vì đại dịch COVID-19. Chúng ta những người may mắn còn sống sót xin cam kết sẽ luôn nỗ lực phấn đấu để TP.HCM nghĩa tình ngày một phát triển, mang lại nụ cười cho những giọt nước mắt từng đã lăn dài trên đôi mắt trẻ thơ. Đó là trách nhiệm của chúng ta trước những người đã khuất và đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim.
Đại dịch COVID-19 khiến hàng chục nghìn gia đình bất ngờ mất đi người thân, để lại những đau thương, mất mát to lớn.
Đông đảo nhân dân TP.HCM tham gia thả đèn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.