Nghi lễ rước đuốc trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2024
Toàn cảnh nghi lễ rước đuốc tại Phủ Chính nằm trong Quần thể Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy.
Trải qua mỗi năm, chương trình Lễ hội Phủ Dầy ngày càng đổi mới, phong phú, hấp dẫn, hài hoà giữa phần lễ và phần hội, khai thác và phát huy nhiều giá trị văn hoá dân gian cổ truyền của dân tộc. Trong các ngày diễn ra lễ hội có các hoạt động văn hoá tâm linh, nghệ thuật dân gian đặc sắc như: hầu đồng, hát văn, múa lân – sư – rồng, thả rồng bay, hát chèo,… cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 4 (tức từ ngày mồng 3 đến mồng 8 tháng 3 âm lịch).
Phủ Chính được trang hoàng lộng lẫy đèn hoa và có rất đông người dân, khách thập phương cùng tham dự nghi lễ.
Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan những gì đen tối, đem lại sự may mắn, sinh sôi. Nghi thức rước đuốc được tổ chức vào buổi tối giữa không gian làng quê Bắc Bộ yên bình, tạo thành một hình ảnh đẹp, biểu tượng cho niềm tin, hy vọng của người dân vào những điều tốt lành sẽ đến trong cuộc sống.
Các nghệ sĩ đoàn chèo Nam Định diễn trống hội để khai mạc chương trình.
Mở đầu nghi lễ, các thanh đồng đạo quan, đồng đền, thủ nhang thành tâm xin ngọn lửa thiêng từ trong cung cấm, sau đó rước ra ngoài và tiếp lửa cho hơn một ngàn ngọn đuốc của các tráng sỹ.
Mở màn nghi lễ là màn biểu diễn trống hội khai mạc chương trình Lễ rước đuốc Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 của các nghệ sĩ đoàn chèo Nam Định. Bắt đầu nghi lễ rước đuốc, các thanh đồng đạo quan, đồng đền, thủ nhang thành tâm xin ngọn lửa thiêng từ trong cung cấm, sau đó rước ra ngoài và tiếp lửa cho hơn một ngàn ngọn đuốc của các tráng sỹ. Trước khi đoàn rước xuất phát, Phủ Chính đã rực sáng bởi các dàn pháo hoa đồng loạt khai quang.
Phủ Chính rực sáng bởi các dàn pháo hoa đồng loạt khai quang.
Dẫn đầu đoàn rước là các đội rồng, lân, sư tử, biểu diễn trong nhịp trống phách rộn ràng. Tiếp đó là hình tượng một rồng lớn được thắp sáng rực rỡ. Theo sau là hơn một ngàn tráng sỹ, gồm cả nam và nữ, ở nhiều độ tuổi, tay cầm những ngọn đuốc rực sáng, nối nhau bước đi. Cả đoàn rước tạo thành một con rồng lửa, kéo dài hàng cây số. Đây quả thực đây là một đoàn rước đuốc đăng long siêu thực. Đi đầu là 2 con rồng đầy khí thế, uy nghiêm, thân và đuôi rồng là 1500 người cùng với hàng vạn nhân dân tham gia. Khi người cuối cùng trong đoàn rước đuôi rồng vừa bước ra khỏi cổng Phủ Chính, cũng là lúc đầu rồng đã về tới Phủ Chính ở cổng Tây. “Một con rồng rước siêu thực kéo dài suốt hành trình đêm không ngủ.”
Lễ rước đuốc đăng long hiện diện như một con rồng rước siêu thực kéo dài suốt một đêm không ngủ mang theo một ước vọng mưu cầu sự ấm no, hạnh phúc
Cũng như truyền thống, đoàn rước đuốc trong Lễ hội Phủ Dầy xuất phát từ Phủ Chính, qua Lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tiếp đó rẽ vào đường uốn lượn ven núi, qua Chùa Tiên Hương, vòng qua Phủ Công Đồng, rồi về lại Phủ Chính. Hơn một ngàn ngọn đuốc được rước vòng quanh khu vực đền, phủ, chùa, lăng… đã tạo nên hình ảnh độc đáo, ấn tượng, làm cho Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy rực sáng, trong niềm hân hoan của tất cả mọi người trực tiếp tham gia, cũng như nhân dân địa phương và đông đảo du khách về chiêm ngưỡng.
Nghi lễ rước đuốc ở Lễ hội Phủ Dầy đã có từ lâu đời và càng ngày càng được tổ chức quy mô hơn. Ngọn lửa thiêng trong lễ rước đuốc tượng trưng cho ánh sáng niềm tin, đồng thời bày tỏ mong muốn của các đồng đền thủ nhang, dân thôn bản hạt, con nhang đệ tử, toàn thể nhân dân về một cuộc sống tươi sáng, ấm no và hạnh phúc.
Lễ rước đuốc đăng long - một trong những nghi lễ quan trọng nằm trong chuỗi chương trình Lễ hội Phủ Dầy năm 2024. Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội tôn vinh di sản phi vật thể chầu văn. Đây là lễ hội truyền thống có quy mô lớn được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự. Lễ hội Phủ Dầy được tích hợp từ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như văn hóa dân gian của những người nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ. Kết hợp với quần thể kiến trúc, Lễ hội Phủ Dầy chính là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, nghệ thuật, tín ngưỡng,… từ đó góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam. Lễ hội Phủ Dầy không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết giữa nhân dân với các đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương bởi lẽ đều cùng mưu cầu về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; một đất nước giàu đẹp phát triển về mọi mặt. Điều này chứng tỏ văn hóa thờ Mẫu Tam Phủ đã đang và ngày càng đi sâu vào văn hóa dân tộc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.