Nghị lực của chàng trai cụt hai tay trở thành ông chủ cửa hàng điện thoại
Lê Văn Tuấn (SN 1991, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) là một trong 1.000 đại biểu ưu tú, xuất sắc nhất cả nước tham dự Đại hội Liên hiệp thanh niên toàn quốc lần thứ 8. Văn Tuấn gây chú ý bởi nguồn năng lượng tích cực tỏa ra dù đôi tay bị cụt.
Trở về địa phương sau những tháng ngày tham gia nghĩa vụ quân sự, mong ước của chàng trai trẻ năm ấy là khát vọng cống hiến cho nơi mình sinh ra, là những dự định được lên kế hoạch sẵn chỉ chờ ngày thực hiện.
Vậy mà trong một lần về quê ăn Tết năm 2014, Tuấn gặp sự cố khi đang sửa điện giúp người quen. Anh rơi vào hôn mê, tỉnh dậy, hai tay đã không còn, hai chân có nguy cơ cắt bỏ.
“Tôi kêu gào như kẻ điên trên giường bệnh. Suy sụp hoàn toàn. Tôi nghĩ cuộc đời mình đến đây là chấm hết. Nhìn bố mẹ già tiều tụy, tôi lại càng đau đớn hơn…”, Tuấn xúc động kể lại.
Lúc ấy, Tuấn từng nghĩ đến cái chết, từng xin gia đình cho làm thủ tục hiến tạng, từng bi quan vô cùng. Nghĩ cuộc sống vốn dĩ khó khăn rồi, giờ tay chân cũng không có thì còn làm được gì nữa. Cả nhà lúc ấy lo lắng, cùng động viên và tìm cách chạy chữa, Tuấn mới nguôi ngoai.
“Nếu có một điều ước, tôi ước mình có cơ thể lành lặn như bao người khác”, Tuấn chia sẻ.
Ước vậy nhưng Tuấn biết điều đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Cuộc sống của anh thay đổi hoàn toàn, phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của người khác trong gần như mọi sinh hoạt cá nhân. Để chạy chữa, bố mẹ anh cũng vay mượn rất nhiều tiền, gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ.
Nhìn bố mẹ mỗi ngày một già yếu, gầy gò, xanh xao mà vẫn phải chăm lo, phục vụ con trai, Tuấn cảm thấy rất xót xa vô cùng. Từ lúc ấy, Tuấn tự nhủ bản thân phải tích cực lên, sống có trách nhiệm và nhất định phải vượt lên số phận để quẳng gánh lo cho bố mẹ. “Tôi nhận ra rằng cuộc sống vốn dĩ không nên là một cuốn sách đẹp mà nên là cuốn sách hay”, Tuấn nói.
Từ đó, Lê Văn Tuấn từng bước đứng lên, xây dựng lại cuộc đời mình. Anh tập làm những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt cá nhân đến phối hợp với các thành viên trong gia đình làm việc nhà.
Vốn đam mê công nghệ thông tin, Tuấn xin tiền bố mẹ đi học sửa chữa, cài đặt máy tính, điện thoại ở Vinh. Người dạy khi nhìn thấy Tuấn như vậy cũng ái ngại, nhưng rồi đành nhận lời.
4 tháng học việc xong, Tuấn trở về nhà, tự mở ki-ốt trước chợ trung tâm xã, bắt đầu kinh doanh, cài đặt phần mềm, buôn bán linh kiện và sửa điện thoại. Đến nay, cửa hàng của Tuấn trở thành điểm đến tin cậy cho bà con xã Tào Sơn.
Với hai cùi tay, 9x khéo léo chụm lại giữ tuốc nơ vít, mở các ốc vít bé tẹo trong điện thoại khá dễ dàng để sửa chữa. Ngoài ra, anh thành thục các thao tác cài phần mềm, sửa được phần cứng dù không còn bàn tay. Đó là kết quả của nhiều thời gian khổ luyện, thậm chí phải đổ cả máu.
Với hai cái cùi tay, Tuấn cố gắng thực hiện thuần thục các thao tác cài phần mềm, sửa được phần cứng. (Ảnh: Thanh Niên)
Tuấn còn giúp đỡ rất nhiều người, nhận dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho những thanh niên khác tại địa phương. Hiện cửa hàng do anh làm chủ có 2 nhân viên khác, thu nhập mỗi người từ 3 đến 4 triệu đồng/người chưa tính chi phí hỗ trợ ăn ở.
Vươn lên hoàn cảnh, Lê Văn Tuấn là tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ. Ngoài thời gian đi làm, anh cũng tích cực tham gia các hoạt động đoàn đội, hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Tuấn chia sẻ bản thân thấy vui khi được đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội.
Anh tham gia nhóm thiện nguyện “Ngọc trong tim” làm cầu nối để những người khuyết tật cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Chàng trai cho biết ngoài sở thích sửa chữa máy móc, anh còn yêu ca hát.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.