Người đàn ông 20 năm 'đau' cùng trẻ khuyết tật bị bỏ bê vì nhà quá nghèo
Theo báo Dân trí đăng tải, được biết ông là Lê Quyết Chiến - Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.
Ông Lê Quyết Chiến chăm sóc trẻ khuyết tật tại Trung tâm phục hồi chức năng nuôi dạy trẻ khuyết tật, chất độc da cam Hiền Ninh. Ảnh: báo Dân trí
Hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật của ông Chiến bắt đầu từ lúc thành lập trung tâm vào năm 2002. Đây là thời điểm trung tâm nhận được tài trợ bởi dự án của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trong thời gian 5 năm.
Ông Chiến và những người tâm huyết đã xin sử dụng lại dãy nhà cấp 4 bỏ hoang của bệnh viện huyện Lệ Ninh làm nơi chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Ông Chiến gắn bó với trẻ khuyết tật, chất độc da cam đến nay đã hơn 20 năm. Ảnh: báo Dân trí
Sau khi trung tâm được thành lập, ở đâu có trẻ khuyết tật, ông Lê Quyết Chiến đều có mặt để vận động, hướng dẫn phụ huynh, đưa các em về trung tâm để hỗ trợ, cải thiện chức năng.
"Về các xã vùng sâu, vùng xa, nông thôn, có nhiều trẻ khuyết tật bị bỏ bê do cha mẹ các cháu nghèo quá. Nhìn thấy hình ảnh như vậy, ai chẳng đau lòng. Tôi muốn làm điều gì đó để các cháu bớt thiệt thòi. Có thể nói cách tốt nhất để giúp đỡ các cháu là đưa về trung tâm để chăm sóc, tập luyện", ông Chiến chia sẻ.
Ông Chiến chia sẻ trên báo Giáo dục và Thời đại rằng, năm 2007, dự án của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam kết thúc, đồng nghĩa với kinh phí hoạt động không còn. Đây cũng là điều mà ông Chiến trăn trở, bởi trung tâm đang hoạt động rất hiệu quả, giúp đỡ được nhiều trẻ em khuyết tật, tháo gỡ khó khăn cho phụ huynh, gia đình.
Với quyết tâm giữ lại ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật, ông Chiến đã lặn lội nhiều nơi kêu gọi nguồn xã hội hóa để trang trải kinh phí vận hành trung tâm. Với sự giúp đỡ, đồng hành nhiệt huyết của các tổ chức, mạnh thường quân, trung tâm đã tiếp tục được duy trì để hỗ trợ các cháu.
Nhờ sự tận tình của những người bố, người mẹ nuôi tại trung tâm, cùng sự đồng hành của phụ huynh, hàng chục trẻ em khuyết tật đã có những bước hồi phục kỳ diệu, dần hòa nhập cộng đồng.
Gắn bó với trung tâm từ khi con còn nhỏ, nay con đã 15 tuổi. Chị Nguyễn Thị Thuân và cậu con trai Lê Ngọc Toàn đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Trước đây, cháu Toàn bị não úng thủy bẩm sinh, gai đốt sống lưng nên không thể vận động thế nhưng đồng hành cùng con đến nay cháu đã có những thay đổi tích cực.
Hàng chục trẻ em khuyết tật đã có những bước hồi phục kỳ diệu, dần hòa nhập cộng đồng.
Ảnh: báo Giáo dục và thời đại
Chị Thuân chia sẻ : "Cháu đến cơ sở từ lúc 2 tuổi, nay đã hồi phục, nhận thức tốt hơn, tự vận động tay, tự đẩy xe lăn được. Đó là niềm vui lớn của gia đình. Tôi rất biết ơn đội ngũ nhân viên tại cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật".
Bên cạnh việc đồng hành cùng con, chị Thuân cũng thường xuyên đến cơ sở để hỗ trợ nhân viên chăm sóc các cháu. Nhiều phụ huynh khác, tương tự chị Thuân, cũng đến vì tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ trong cuộc sống, để từ đó lạc quan, giúp con hồi phục tốt hơn.
Bằng tình yêu thương vô điều kiện, không chỉ ông Chiến, phụ huynh các cháu, mà có nhiều người cũng đã tình nguyện và gắn bó hàng chục năm miệt mài vì sự phát triển của trẻ khuyết tật. Họ đều đặn đến đây mỗi ngày để chăm sóc trẻ và coi sự thay đổi tích cực của các cháu là một niềm vui lớn.
Bà Nguyễn Thị Minh Lợi (SN 1949) tình nguyện làm việc tại trung tâm, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, hỗ trợ những mảnh đời thiệt thòi, bất hạnh. Sau khi nghỉ hưu theo chế độ đến nay bà đã có gần 20 năm bà gắn bó với trung tâm.
Bà Nguyễn Thị Minh Lợi đã tình nguyện gắn bó gần 20 năm với trung tâm để chăm sóc trẻ khuyết tật.
Ảnh: báo Giáo dục và thời đại
Bà Lợi chia sẻ, bản thân luôn cảm phục tấm lòng của ông Chiến và những người chăm sóc trẻ khuyết tật, cũng như đồng cảm và muốn góp một phần công sức để hỗ trợ, giảm bớt thiệt thòi cho trẻ em khuyết tật.
"Với trẻ khuyết tật, việc chăm sóc phải kiên trì, phải dành tình thương đặc biệt với các cháu. Mỗi cháu có một bệnh lý, khuyết tật riêng, tùy từng trường hợp mà có hướng hỗ trợ, phục hồi. Với chúng tôi, giúp đỡ giảm bớt khó khăn cho gia đình và đặc biệt là sự thay đổi của các cháu chính là niềm vui mỗi ngày", bà Minh Lợi cho hay.
Hiện trung tâm có 6 nhân viên, trong đó có một bác sĩ, một y sĩ về hưu và một kỹ thuật viên. Họ là những người đến với trẻ khuyết tật bằng tấm lòng, sự yêu thương. Hơn 20 năm hoạt động, trung tâm đã giúp hơn 100 trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Nhiều em quyết tâm vươn lên, có công ăn việc làm và thu nhập, đóng góp cho gia đình và xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.