Người thương binh khởi nghiệp từ nghề nhặt đồng nát
Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, vẫn bận rộn như thể một một doanh nhân đang độ sung mãn nhất; khi thì xuống xưởng sản xuất chỉ đạo công nhân, lúc lại rong ruổi trên hết tình này đến tỉnh khác tìm bạn hàng, đối tác. Nhìn cách ông làm việc, sinh hoạt không ai nghĩ ông Trần Mạnh Lưu (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) đã bước qua tuổi 90, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí đúc Trường Thành.
Giao cả thuyền vũ khí cho cách mạng
Trong một căn phòng nhỏ, ông Lưu cẩn trọng thắp cho vợ nén nhang, lặng lẽ nhìn vào di ảnh như thể cảm ơn người phụ nữ đã cùng mình trải qua bao sóng gió của cuộc đời. Ông nói với tôi giọng bông đùa: "Đấy hơn 70 năm bà ấy mới chịu "buông tha" cho tôi, giờ thì tôi mới được "tự do" rồi". Nói rồi đôi mắt ông như trùng xuống: "Bà ấy bị bệnh nằm hơn 1 năm, mới bỏ tôi và các con đi chưa được 50 ngày".
Ông sinh ở xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam trong một gia đình thuần nông. Bỏ làng ra Hải Phòng kiếm sống, ông lang thang làm đủ thứ nghề: lúc bé thì đi ở cho nhà địa chủ, lớn thêm một chút thì làm phu xe, khuân vác, chèo thuyền thuê cho các chủ thuyền đinh. Thời cơ tốt để trả thù quân giặc là khi đội quân của Tưởng Giới Thạch thuê ông chở thuyền vũ khí mà bọn chúng cướp được của quân đội Nhật từ Thuỷ Nguyên về Cảng Hải Phòng.
Ngày ấy, ông chưa đầy 20 tuổi, nhưng đầy táo bạo và dũng cảm khi quyết định thay bằng chở thuê theo địa điểm đã được chỉ định, ông bí mật tìm cán bộ Việt Minh và giao hết số vũ khí đó cho chính quyền cách mạng ở Hải Phòng. Trong lúc thiếu thốn đủ thứ, cả một Đại đội vệ quốc đoàn chỉ có vài ba khẩu súng trường cổ lỗ thì thuyền vũ khí mà ông giao cho đủ để tạo thành sức mạnh phi thường cho lực lượng vũ trang tại thời điểm lúc bấy giờ.
Sau vụ này, quân Tưởng Giới Thạch điên cuồng tìm người chở thuyền vũ khí để tiêu diệt, buộc ông phải trốn biệt về quê hương, nương nhờ người thân. Năm 1947, ông là một trong những thanh niên tiên phong lên đường tòng quân vào đơn vị vệ quốc đoàn đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Dũng cảm xông pha nơi trận mạc, 3 lần ông bị thương. Lần cuối cùng, ông bị gãy đùi và không đủ sức chiến đấu nên được đưa về địa phương.
Ông Lưu kể lại thời gian khó khăn để xây dựng sự nghiệp của mình.
Lập nghiệp bằng nghề đồng nát
Trở về quê, hai bàn tay trắng và "gánh" thêm vợ con không kế sinh nhai, nhưng ông luôn nghĩ "còn hai bàn tay là còn tất cả". Không chịu lùi bước trước thực tế khó khăn, ông quyết tìm hướng đi riêng cho mình. Năm 1966, ông đứng ra thành lập Hợp tác xã Hừng Sáng (Yên Phú - Ý Yên - Hà Nam) thu hút khoảng 300 lao động bằng nghề đan thảm ngô, thảm cói xuất khẩu từ nguyên liệu sẵn có của địa phương.
Không chỉ giúp mình thoát khỏi đói nghèo mà ông còn giúp hàng trăm gia đình địa phương có việc làm, thu nhập. Nhưng ở thời đó, kinh tế cá thể chưa được nhìn nhận đúng nên Hợp tác xã hoạt động chừng hai năm, ông bị gán là "tư sản". Phá sản, ông lại chuyển đủ thứ nghề để sống, miễn sao đó là nghề lương thiện và có thể phụ giúp gia đình.
Trong một lần tình cờ ông chuyển sang nghề "đồng nát": chuyên mua bán sắt thép phế liệu rồi bán lại cho những nơi có nhu cầu. Đầu đội mũ lá, gò lưng trên chiếc xe đạp không chuông, không phanh với hai cái sọt thồ phía sau, ông len lỏi khắp các ngõ ngách. Sau này ông Lưu mạnh dạn thành lập Tổ thu mua sắt thép phế liệu rồi chủ động tổ chức vận chuyển lên khu Gang thép Thái Nguyên đổi lấy sắt xây dựng về bán.
Đầu những năm 1980, đúng lúc khu Gang thép Thái Nguyên đang "đói" nguyên liệu nên nguyện vọng "hàng đổi hàng" từ tổ thu mua sắt thép phế liệu của ông và bạn bè được coi là "cứu cánh" hữu hiệu. Trong vòng 4 năm (1982 - 1986) tổ thu mua sắt thép phế liệu của ông đã bán cho Nhà máy Gang thép Thái Nguyên trên 3.000 tấn phế liệu. Không dừng lại ở đó, ông sớm nhận ra nhu cầu sử dụng sắt thép trong nhân dân cho các công trình sửa chữa và xây mới ngày càng tăng trong khi từ phế liệu có thể tái chế thành sản phẩm có thể sử dụng tiếp mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Thời điểm đó, kinh tế tư nhân đã được công nhân, vậy là ông đề nghị Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giúp đỡ, xây dựng một dây chuyền cán kéo thép tại Nam Định. Tập hợp anh em cho đi học nghề ngắn ngày để sử dụng dây chuyền cán kéo và nhanh chóng chuyển đổi mô hình hoạt động từ tổ thu mua sắt thép phế liệu thành Hợp tác xã cán thép Trường Thành.
Nhưng do sản phẩm sắt thép của Hợp tác xã có nhiều hạn chế cả về chất lượng và giá cả nên sau 5 năm Hợp tác xã rơi vào hoàn cảnh trớ trêu: hàng hoá ế ẩm, xã viên không có lương. Ông lại bươn bả, ngược xuôi tìm lối thoát. Ông nhớ những ngày còn rong ruổi trên "con ngựa sắt" trôi dạt tới Mỹ Đồng (Thuỷ Nguyên - Hải Phòng) ông đã có dịp tiếp cận nghề đúc truyền thống của người dân vùng đó. Thất bại trong nghề cán tút thép làm ông nảy sinh chuyển hướng sang nghề đúc.
Có điều ông không muốn sản xuất những sản phẩm giống như ở các làng nghề truyền thống. Sau nhiều ngày đắn đo, cân nhắc ông quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Trường Thành trên cơ sở bàn bạc thống nhất, huy động sự ủng hộ của mọi người trong nhà cả về vật chất lẫn tinh thần. Tháng 6-1992, Doanh nghiệp tư nhân Trường Thành do ông Trần Mạnh Lưu làm Giám đốc đã chính thức ra đời. Thời điểm đó có một số kỹ sư, công nhân có nghề đúc của nhà máy cơ khí nghỉ chế độ. Ông Lưu mời anh em nghỉ việc Nhà nước theo chế độ "một cục 176" hợp tác với doanh nghiệp.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Trường Thành đã thu hút tới 35 kỹ sư, thợ bậc 7/7 cùng đủ loại thợ khuôn, mẫu, đúc đều có tay nghề cao và mong muốn tiếp tục làm việc. Ông tin tưởng vào đội ngũ thợ lành nghề trong tay, nhưng lại e ngại vì trình độ còn hạn chế của bản thân, nhất là khi ông lựa chọn mục tiêu 100% sản phẩm xuất khẩu. Đối với sản xuất trong nước đã khó, làm hàng xuất khẩu còn khó hơn nhiều.Vấn đề về thị trường, hiểu biết về luật pháp các nước, nguyên tắc xuất khẩu, nguyên tắc quản lý… đòi hỏi người Giám đốc phải hiểu biết để có những quyết sách hợp lý, chính xác và hoạch định phương hướng vững vàng cho tương lai, tránh những rủi ro không đáng có. Tháng 11-1993, khi sản xuất đã phát triển ổn định từ doanh nghiệp tư nhân chuyển lên thành Công ty TNHH Cơ khí đúc Trường Thành thì đòi hỏi năng lực của cán bộ lãnh đạo tương xứng càng trở nên bức thiết.
Không ngại tuổi cao, không giấu dốt, ông tự tìm đến những giám đốc, kỹ sư giỏi để học hỏi; tranh thủ đọc tài liệu nghiên cứu, sẵn sàng nhờ người khác giải thích những nội dung chưa sáng tỏ. Ông học mọi lúc, mọi nơi theo phương châm "cần cái gì, bổ sung cái đó" nên dần dần trong ông đã có một hệ thống kiến thức khá toàn diện phục vụ đắc lực cho những chiến lược, sách lược mang tính quyết định sau này. Ban đầu, Công ty chỉ dừng ở việc đúc gang nguyên liệu xuất khẩu. Trong khi các nhà máy đúc gang của Nhà nước có nhiều ưu thế hơn về cơ vật chất, thiết bị... nhưng lại thiếu việc làm, còn Trường Thành chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ bé nhưng vẫn ung dung sản xuất, nhiều lúc phải huy động thêm lực lượng bên ngoài mới kịp tiến độ.
Sau 3 năm khi đã có chút lưng vốn, trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý cũng từng bước được nâng lên, ông Trần Mạnh Lưu đã bứt phá vượt lên, mạnh dạn đưa Trường Thành tiến thêm một bước khi chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng gang xuất khẩu. Đơn hàng đầu tiên chỉ là các các quả gang đối trọng loại 30 - 40kg xuất khẩu sang Nhật. Từ mặt hàng đúc, Tổng Công ty Thép lại chuyển tiếp cho Trường Thành mẫu bếp nướng ngoài trời bằng gang, sắt mà phía Đức đặt hàng.
Nhiều người không tin ông có thể làm nổi, nhưng ông kiên quyết sẽ giao hàng đúng hẹn. Đó vừa là thách thức vừa là cơ hội mà ông tin mình có thể vượt qua. Ông huy động công nhân từ Hải Phòng đến Nam Định và các đơn vị vệ tinh làm ngày làm đêm và khuyến khích tăng lương gấp 3 lần ngày thường. Cuối cùng vẫn đảm bảo tiến độ trong tiếng vỗ tay thán phục của mọi người. Tính đến thời điểm này, Trường Thành là công ty duy nhất ở Việt Nam chuyên sản xuất và mua bán các loại bếp nướng, các sản phẩm gang đúc và sản phẩm làm bằng thép lá có phủ bề mặt sơn tĩnh điện, sử dụng công nghệ hiện đại của Mỹ, Đức.
Ông Trần Mạnh Lưu đã trải qua những chặng đường phấn đấu gian nan nhưng đầy vinh quang, xứng đáng với tấm Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước trao tặng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.