Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Câu thơ trên là khổ kết của bài thơ “Tấc đất Thành cổ” gồm 6 khổ thơ của nhà thơ CCB Phạm Đình Lân.
Đài tưởng niệm - ngôi mồ chung của các chiến sĩ hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị
Những năm đầu của thập kỷ 70, chàng sinh viên Phạm Đình Lân cũng như hàng vạn sinh viên các trường Đại học trên miền Bắc lứa chúng tôi đều xếp bút nghiên xung phong lên đường nhập ngũ, với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Các chàng trai từ mọi vùng miền của Tổ quốc về chung dưới mái trường Đại học; mỗi người mỗi hoàn cảnh, tâm tư hoài bão khác nhau nhưng họ cùng có quyết tâm và nung nấu đêm ngày được nhập ngũ và cầm súng ra chiến trường. Để đạt được ý nguyện, các chàng sinh viên đã phải nhờ đến nhiều sự “trợ giúp”: nhẹ cân thì có gạch đá cho thêm vào bằng mọi hình thức; mắt cận thì có mắt của các bạn đứng bên nhắc nhỏ (thời đấy chưa có máy đo thị lực); ngực lép thì có các ngón tay bí mật kéo nhẹ ra khi bác sĩ đo vòng ngực; kiễng chân lên khi đo chiều cao nếu hơi thấp … Các bác sĩ biết nhưng với quyết tâm của những sinh viên trẻ, vì vậy họ cũng làm ngơ cho qua. Nhiều người khi có quyết định nhập ngũ, nhưng lại bị trả về vì các anh em trai trong gia đình đã tòng quân hết rồi. Không có gì ngăn được họ, về nhà vận động cha mẹ viết đơn và cam kết, còn bản thân họ viết đơn bằng máu xung phong lên đường.
Phần lớn sinh viên chưa có người yêu hoặc bạn gái thân thiết. Các chàng trai nhút nhát không dám thổ lộ, chỉ dám thể hiện lòng mình bằng lời qua các bài hát về tình ca; thời kỳ này rất hiếm các bài hát tình yêu đôi lứa do các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác, họ thể hiện qua các bài hát Nga trong những lần liên hoan văn nghệ. Với các chàng giọng hát không tốt thì chỉ biết cách chép lại các bài hát và gửi cho các cô gái. Ngày lên đường, các chàng lính sinh viên vẫn không dám thổ lộ tình cảm. Nhút nhát một phần, một phần nữa không muốn để người mình thương phải đợi chờ. Cuộc chiến khốc liệt vẫn đang ở trước mắt, sự hi sinh mất mát không thể tránh khỏi. Khi đoàn tàu chuyển bánh chở những người lính sinh viên chạy về phía Nam, trên dọc đường đoàn tàu chạy qua, những lá thư viết vội được ném xuống ven đường sắt kèm theo địa chỉ người nhận. Trên tàu, tiếng hát vang lên ở khắp các toa hòa cùng với tiếng rít của gió và tiếng còi tàu đưa những chàng trai lính sinh viên thẳng tiến về phương Nam.
Sau thời gian huấn luyện, phần lớn số lính sinh viên được điều động về chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Trước mặt các bạn gái thân thương thì các chàng nhút nhát, nhưng đối mặt với kẻ thù thì họ trở nên dũng mãnh, kiên cường. Họ sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc mẹ hiền, vì quê hương đất nước và cả vì những tình cảm thầm kín với những cô gái mà họ thầm mến, thầm thương. Nhiều người đã nằm lại mãi mãi bên sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị sau những đợt chiến đấu ác liệt kéo dài. Những người lính sinh viên sau chiến tranh còn sống, một số quay trở lại giảng đường Đại học để tiếp tục con đường học tập, một số đã để lại 1 phần máu và cơ thể của mình ở lại mảnh đất Quảng Trị thân thương. Những người trở về tiếp tục luôn đau đáu với đồng đội, bạn bè đang còn nằm lại trên chiến trường. Trong số những người lính sinh viên trở về giảng đường đại học có sinh viên Phạm Đình Lân.
Bức tượng đá đặt trong khuôn viên Thành cổ
Hàng năm, mỗi khi tháng 7, những người lính sinh viên đều quay lại chiến trường xưa để thăm viếng các đồng đội, các bạn học đã anh dũng hi sinh. Dưới mỗi bước chân của các anh, mỗi tấc đất nơi đây đều có xương máu và là nơi đồng đội đang yên nghỉ. Các anh thầm nhắc nhở nhau đi nhè nhẹ bước chân và nói thật khẽ để đồng đội, bạn học được yên nghỉ dưới bầu trời cao xanh và lời ru của Tổ quốc mẹ hiền. Bài thơ 6 khổ “Tấc đất Thành cổ” cũng được ra đời trong những chuyến đi tình nghĩa như vậy.
Câu thơ được khắc trên đá nhắc nhở thế hệ ngày nay và các thế hệ mai sau mãi mãi tưởng nhớ đến các anh - những người đã hi sinh, đã bị thương trong cuộc chiến ác liệt: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca Bẩt tử đến vô cùng”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.