Nuôi con ăn cỏ, lấy sừng, người nông dân thu về cả trăm triệu mỗi năm
Ông Lê Văn Biểu, ở làng Canh Yên (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) là người tiên phong của địa phương này đã mạnh dạn đầu tư nuôi nai lấy lộc (nhung) để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông cho biết, tình cờ biết ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) có phong trào nuôi nai lấy nhung phát triển mạnh, nhiều hộ gia đình có kinh tế ngày càng khá giả. Tận dụng đât đai rộng, có kiến thức thú y, cuối năm 2020, ông Biểu đã đi tham quan, học tập về mô hình. Ông mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại để nuôi thử nghiệm 7 con nai trưởng thành, trong đó có 5 con đực và 2 con cái.
Sau hơn 7 tháng nuôi, các cá thể đực 4 năm tuổi đã cắt được 6-8kg nhung. Giá nhung nai hiện nay dao động từ 7-10 triệu đồng/kg. Mỗi năm, trừ các chi phí khác, đàn nai của ông cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
(Ảnh: Dân trí)
"Nuôi nai rất nhàn, nhưng lợi nhuận cao hơn nuôi dê, bò. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng nai có thể nuôi trong chuồng trại vẫn sinh sản bình thường và chúng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng và khí hậu vùng trung du. Trong thời gian tới, tôi tính sẽ tăng thêm đàn, mở rộng trang trại chăn nuôi…", ông Biểu chia sẻ.
Theo ông Biểu, nuôi nai không khó vì vốn đầu tư và công sức bỏ ra ít nhưng thu nhập cao. Thức ăn cho nai rất dễ tìm như cỏ và các loại lá cây: Sung, mít, bưởi, xoan... Ngoài lá cây, ông cho ăn bổ sung thức ăn tinh như: Cám ngô, lúa, đậu. Chế độ ăn uống của nai cũng ít, ngày cho ăn 2 lần vào giữa buổi sáng và chiều tối để nai ăn đêm bởi đặc tính thích ăn đêm của chúng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi nai, ông cho rằng phải chú ý chuồng trại. Chuồng trại rất đơn giản, xây tường hoặc dùng lưới B40 hoặc hàn các ô sắt bao quanh, có mái che mưa, nắng.
Mỗi kg nhung nai giá khoảng 7- 10 triệu đồng (Ảnh: Dân trí)
"Chúng ta thường ngăn ô, mỗi ô khoảng 8-10m2 nhốt một con tránh để nai húc nhau. Đặc biệt, so với các loại gia súc khác, nai rất ít bệnh nhưng phải giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ. Nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo nhằm tránh bệnh long móng, lở mồm. Tuy nhiên, người nuôi phải chú ý là các con đực rất hung hăng trong mùa động đực nên có thể húc nhau làm gãy sừng, hư hỏng chuồng trại và có thể húc cả người", ông Biểu nói.
Thông thường nai khoảng 4 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch nhung, nhưng tùy vào độ tuổi nai mà trọng lượng nhung tăng cao lên. Nai trưởng thành mỗi lần cho khoảng 1,4-1,6kg nhung và việc thu hoạch thường vào tháng 8 và tháng 11 Dương lịch.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho đàn nai, chỉ nên cắt nhung một lần vào tháng 11. Muốn có được một cặp nhung chất lượng cao, nên bồi dưỡng cho nai khoảng 1-2 tháng trước khi nhung bắt đầu nhú, giai đoạn này người nuôi cần cung cấp nhiều loại thức ăn, các loại cây và lá có mủ như: Sung, chuối, mít…
Mô hình nuôi nai đang được bà con vùng Nghĩa Yên đẩy mạnh, phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế.
Một con vật được nông dân và giới nhà giàu săn đón, nhất là cánh mày râu đó là huơu. Mô hình nuôi hươu, lấy lộc không còn xa lạ với nhiều người và được đẩy mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt ở vùng Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Nhung hươu là vị thuốc bổ tốt cho sức khoẻ, sinh lý đàn ông (Ảnh: Tiền Phong)
Cứ độ sau Tết Nguyên đán, người dân huyện miền núi này tất bật thu hoạch lộc nhung hươu. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, hiện toàn huyện có trên 38.000 con, trong đó số hươu cho lộc nhung khoảng 9.500 con với trọng lượng trên 17 tấn/năm. Tổng giá trị thu nhập từ hươu khoảng 250 tỷ đồng.
Mùa cắt lộc nhung hươu bắt đầu từ tháng Giêng, đến tháng 3 Âm lịch. Nhung mỗi năm chỉ cắt được một lần, có những con khoẻ mạnh, sẽ ra thêm một lần cắt lộc trái. Mỗi năm, một con hươu khỏe mạnh, nhung phát triển bình thường có thể cho sáu đến bảy lạng, con nhiều cho chừng 1 kg nhung, với giá bán trên thị trường hiện nay là 1,8 đến 2 triệu đồng/lạng, trung bình mỗi con hươu cho thu hoạch 13 đến 15 triệu đồng/năm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.