Ông chủ khuyết tật giỏi kinh doanh, mở xưởng may giúp người cùng cảnh ngộ
Anh Phan Văn Tưởng (SN 1970), ở thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Anh không may bị liệt chân trái, không đi lại được bình thường, phải phụ thuộc vào chiếc nạng gỗ.
Học hết lớp 9, anh Tưởng xin nghỉ vì trường xa nhà. Tuy nhiên, người thanh niên quyết tâm đi học nghề may, tự kiếm tiền trang trải bản thân, đỡ gánh nặng cha mẹ. Tuy nhiên, việc xin học may không dễ, nhiều lần bố chở đi nhưng không nơi nào nhận. Nhưng anh Tưởng không bỏ cuộc, một người chủ trẻ của xưởng may trên Hà Nội đã đồng ý nhận anh Tưởng làm học trò.
Suốt một năm trời anh Tưởng cần mẫn vừa đi, vừa học, trau rồi những kiến thức mà người chủ trẻ truyền cho. Chỉ bằng một chân, anh kiên trì học cách đạp máy rồi học cắt, may thành sản phẩm. Có lẽ, bởi cái duyên với nghề mà anh học may rất nhanh và may khéo.
Xưởng may tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân trong và ngoài địa phương (Ảnh: VTV)
Năm 1987, sau khi ra nghề, anh mở một cửa hàng nhỏ để phục vụ người dân địa phương thì đến năm 2010, anh Tưởng đã tìm tòi và bắt mối với các cửa hàng ở Hà Nội lấy hàng về may gia công. Do tay nghề cao, lại cẩn thận, sản phẩm anh làm ra được khách hàng rất ưa chuộng.
Đến năm 2011, anh mở xưởng sản xuất, với diện tích 100m2 chuyên gia công áo véc, áo sơ mi công sở. Cơ sở của anh đắt khách, đơn hàng ngày càng nhiều, anh Tưởng đã giúp đỡ để người nhà cùng san sẻ công việc. Hiện nay, xưởng may của anh đã được mở rộng với diện tích 300m2, trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi năm thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng. Xưởng của anh Tưởng tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động, với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Trong số đó có tới 16 công nhân là người khuyết tật.
Giấy khen về những thành tích mà ông chủ xưởng may đạt được (Ảnh: CLO)
Không dừng lại ở những thành công đầu, anh Tưởng không ngừng lên Internet, đọc sách báo và kinh nghiệm của các công ty may lớn để học hỏi trau dồi kiến thức, nắm bắt xu hướng những mẫu mã sản phẩm quần áo thời trang mới nhất và công nghệ để cải tiến máy móc sao cho phù hợp. Chính vì thế, sản phẩm quần áo của xưởng may của anh Tưởng làm ra bao nhiêu là xuất khẩu hết đến đó. Nhiều đại lý, cửa hàng bán quần áo trên khắp các tỉnh thành luôn liên hệ tìm đến tận nơi xưởng may của anh Tưởng để ký hợp đồng mua quần áo với ố lượng lớn.
Tổ ấm nhỏ của anh Tưởng (Ảnh: CLO)
Năm 2016, anh Tưởng được Huyện ủy Phú Xuyên khen thưởng là cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Không những thành công trong công việc, anh Tưởng còn có một gia đình viên mãi bên người vợ hiền, cùng cậu con trai kháu khỉnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.