Ông chủ xưởng may khuyết tật vượt đại dịch, tạo nguồn thu nhập cho người cùng cảnh ngộ
Phan Minh Quý (SN 1990), tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình bị khuyết tật vận động từ khi còn nhỏ. . Suốt 10 năm trước khi phẫu thuật, anh phải bò mỗi khi di chuyển.
Lên 10 tuổi, Quý được phẫu thuật và tập vật lý trị liệu. Ban đêm cũng phải tập bằng cách đặt một bao cát nhỏ lên chân cả đêm, để chân có thể duỗi thẳng ra. Hàng ngày thì tập bê tạ. Sau một thời gian, các khớp và cơ dần ổn định.
Năm 19 tuổi, Quý trốn nhà đi làm. 4 giờ sáng anh bắt xe từ Ninh Bình đến các khu công nghiệp ở Nam Định để xin việc. Trong túi khi ấy chỉ có 500 nghìn đồng tiền mừng tuổi mà anh tiết kiệm từ dịp Tết.
Đến Nam Định, Quý không quen một ai, đi xin việc nơi nào cũng từ chối. Anh đành xin làm phun sơn tại một xưởng gỗ mỹ nghệ. Sau một thời gian dãi nắng phun sơn, người Quý gầy hẳn, làn da đen nhẻm. Anh đành về lại quê hương và bén duyên với nghề may.
Về quê, Quý chọn học nghề may để phù hợp với thể trạng. Hai tháng đầu học may, Quý may trên giấy A4 bằng máy may đời cũ phải đạp bằng chân. Với đôi chân không hoàn hảo của mình, Quý phải rất vất vả để vận hành máy may.
Học may được 6 tháng, Quý bắt đầu đi xin việc. Anh mang hồ sơ đến hơn 10 công ty nhưng không ai nhận. Vì anh là người khuyết tật, không đảm bảo yêu cầu sức khỏe.
May mắn được một quản đốc công ty đồng ý cho thử việc, giám đốc công ty trực tiếp thử tay nghề, Quý được nhận vào làm ngay lần thử việc đầu tiên.
Làm được 2 năm, Quý thử sức ở một công ty lớn hơn tại Nam Định. Trong công ty 15 nghìn người, chỉ duy nhất anh là người khuyết tật.
Năm 2020, Quý nhen nhóm ý định mở một xưởng may dạy nghề cho người khuyết tật. Được Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Ninh Bình tạo điều kiện, Quý trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Ninh Bình.
Dốc hết số tiền tiết kiệm trong nhiều năm đi làm, cùng tiền gia đình hỗ trợ được hơn 800 triệu đồng. Tháng 5 - 2020 Quý bắt đầu xây dựng xưởng may.
Mở xưởng trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, anh gặp khó khăn khi tìm nguồn hàng. Xây xưởng xong thì nguồn vốn cạn kiệt, đến lúc hoạt động còn không đủ tiền nấu cơm cho công nhân. Hoạt động được 2 tháng, xưởng mới dần ổn định.
Có thời điểm tới 70% nhân viên bị nhiễm Covid-19 và bản thân anh cũng bị, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, anh Quý đã đưa xưởng đi vào hoạt động ổn định, tạo được việc làm cho người dân địa phương, trong đó có cả những người khuyết tật. Họ được đào tạo nghề miễn phí, được tuyển dụng với mức thu nhập ổn định và hơn tất thảy là được trang bị sự tự tin sẵn sàng hòa nhập cộng đồng.
Hiện tại, Quý đang tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân, trong đó có 3 người khuyết tật. Thu nhập tùy theo tay nghề, dao động từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Có người không đủ 2,5 triệu tiền sản phẩm một tháng, Quý sẽ hỗ trợ cho họ lên tối thiểu 4 triệu.
Khâm phục trước câu chuyện của Phan Minh Quý, chương trình Nối trọn yêu thương cùng nhãn hàng Trà Thanh nhiệt Dr Thanh thuộc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã gửi tặng đến Quý một món quà với niềm tin giúp cho xưởng may của anh ngày càng phát triển, dìu dắt được nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
“Tôi muốn tạo công ăn việc làm cho những người lao động ở thôn quê và mong muốn cho họ có một môi trường làm việc tốt, ổn định để hòa nhập với cuộc sống” - đó là những lời tâm sự rất nhân văn của Phan Minh Quý trong chương trình Nối trọn yêu thương phát sóng trên kênh VTV1.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.