Quán cà phê "kỳ lạ", thực khách gọi món bằng tay
Quán cà phê này có tên là KymViet Space, do anh Phạm Việt Hoài (49 tuổi) sáng lập vào năm 2019. Anh là người khuyết tật do tai nạn thuở nhỏ, nhưng không ngừng nỗ lực vươn lên thoát khỏi số phận.
Sự khác biệt thu hút nhiều thực khách đến thưởng thức (Ảnh: Báo Lao động)
Tổ hợp KymViet Space nằm trên đường Trung Văn (Hà Nội). Tại đây không chỉ là quán cà phê, mà còn gộp với xưởng sản xuất đồ thủ công từ năm 2013 và không gian trưng bày sản phẩm trên diện tích 450 m2 với 2 tầng. Tầng một có chỗ ngồi trong nhà và ngoài sân. Hiện quán còn có 2 cơ sở khác ở Hà Nội, với hơn 30 nhân viên, phần lớn đều là người khuyết tật, đặc biệt là người điếc.
Thực khách gọi món bằng kí hiệu (Ảnh: Báo Lao động)
Không phải đồ uống, điểm khác biệt lớn nhất ở quán là không gian và trải nghiệm giao tiếp với nhân viên. Trên những bức tường, chiếc bàn, kệ tủ đều trưng bày nhiều sản phẩm thủ công như túi xách, thú nhồi bông với màu sắc đa dạng, đường nét tinh xảo. Trên mỗi sản phẩm có mùi thơm của tinh dầu. Tất cả đều là thành phẩm của những nhân viên ở đây.
Khách sẽ được tham khảo thực đơn đồ uống bên cạnh tên món là ngôn ngữ ký hiệu để thực hiện theo. Ở mỗi bàn đều có một nút bấm, phát đèn sáng để nhân viên biết khách cần hỗ trợ. Ngoài ra, ở đây sẽ có những tấm thẻ ngôn ngữ ký hiệu như "Cảm ơn", "Xin chào"... để khách dễ dàng giao tiếp.
Tại quầy có tấm biển thông báo với thực khách (Ảnh: Báo Lao động)
“Tôi mong muốn góp phần nhỏ để thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, rằng họ không đáng thương hay là gánh nặng, mà có khát vọng lao động, cống hiến cho xã hội bằng những sản phẩm, dịch vụ được chấp nhận” - anh Hoài - chủ quán cafe người khuyết tật chia sẻ.
Tương tự, tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng có quán cà phê Angel cũng đặc biệt như thế. Nhân viên ở đây là những người khuyết tật, khiếm thính hoặc câm điếc bẩm sinh. Dù không thể cất lời chào hay trò chuyện nhưng nhân viên lại vô cùng niềm nở, thân thiện với khách, luôn cúi chào, cảm ơn khách một cách chân thành.
Chủ nhân quán cà phê còn rất trẻ, sinh năm 1993- anh Trần Đình Tâm. Năm 2019, anh Tâm mở quán cà phê và tuyển dụng những nhân viên khuyết tật tập huấn, đào tạo về phục vụ, pha chế…
Quán cà phê người câm điếc tại Đà Nẵng (Ảnh: Dân trí)
Hiện, quán hiện có 15 nhân viên là người khiếm thính hoặc câm điếc bẩm sinh (chủ yếu đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng) phụ trách nhiều vị trí. Tuy nhiên, quản lý, bảo vệ và 50% nhân viên pha chế vẫn là người bình thường.
Các nhân viên là người bình thường ở quán cũng được yêu cầu phải học ngôn ngữ kí hiệu để trò chuyện, thảo luận công việc với các bạn khác.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.