Quốc hội tiến hành phiên chất vấn “chưa từng có tiền lệ”
Do là kỳ họp gần cuối khoá XIII, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10 được tiến hành với cách thức mới, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ cũng không theo nhóm vấn đề. Đây cũng là phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ. Bởi từ trước tới nay, Quốc hội xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để trả lời.
Hôm nay (16/11), sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Sau thời gian trình bày các báo cáo, việc thảo luận và chất vấn về các nội dung liên quan được tiến hành kết hợp, không theo nhóm vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Làm rõ trách nhiệm và giải pháp
Nội dung chất vấn, theo đề nghị của Ban Thư ký kỳ họp, tập trung vào kết quả thực hiện các yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội và cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội tại các kỳ họp.
Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm hoặc chưa đạt được các yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội đặt ra; biện pháp, giải pháp, thời hạn thực hiện các nội dung chưa đạt được và những vấn đề khác có liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Về phần thảo luận, theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, các ý kiến tập trung đánh giá tác động của nghị quyết của Quốc hội đối với việc điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Đánh giá kết quả thực hiện của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và những cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp.
Những hạn chế, đặc biệt là những vấn đề còn chuyển biến chậm, những yêu cầu thực hiện trong thời gian tới; sự cần thiết của hoạt động giám sát sau khi thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và những điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát trong thời gian tới cũng là những nội dung mà các đại biểu cần quan tâm thảo luận.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.