Quỳnh Lưu. Nghệ An: Chuyện về những thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi
Được Hội CCB huyện Quỳnh Lưu giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi hươu của cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh, ở thôn Hồng Yên, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, một trong những hội viên dám nghĩ dám làm, đầu tư phát triển kinh tế. Mặc dù đã được giới thiệu trước, nhưng phải đến khi tận mắt chứng kiến cơ ngơi nhà cửa và nghe ông giới thiệu về mô hình chăn nuôi của gia đình, chúng tôi mới thực sự vỡ lẽ vì sao người CCB này lại được nhiều người biết đến vậy.
Mô hình chăn nuôi hươu của bệnh binh Nguyễn Quang Vinh, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Năm 1979, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, CCB Nguyễn Quang Vinh tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1981, do điều kiện sức khỏe, thương tật thường xuyên tái phát, ông được đơn vị cho nghỉ chế độ bệnh binh. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, với bản tính cần cù, chịu khó, ông tập trung phát triển kinh tế gia đình. Qua một lần đọc báo, ông Vinh biết đến mô hình chăn nuôi hươu ở xã Quỳnh Yên rất hiệu quả. Sau đó ông tìm hiểu và quyết định nuôi thử, ban đầu, do thiếu vốn và chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ nuôi 2 con.
Đến nay trong chuồng của ông đã có 15 con hươu sinh sản và lấy lộc. Trung bình một năm, ông Vinh thu hoạch được khoảng 15 kg nhung lộc, với giá hiện tại là 9 - 10 triệu đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm ông thu về hơn 130 triệu đồng.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm chăn nuôi hươu, CCB Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Hươu cũng như con vật khác, ăn uống phải đúng giờ, không cho ăn nhiều quá, tập trung cho ăn về ban đêm, nước cho hươu uống phải sạch, vì hươu hay có bệnh ho”.
Chia tay CCB Nguyễn Quang Vinh, chúng tôi đến thăm mô hình trồng hành giống của thương binh hạng 4/4 Hồ Đức Vinh, thôn 1, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu. Trở về sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, mang nhiều di chứng của chiến tranh, các mảnh đạn ở bàn chân, đầu gối chưa lấy ra hết nên những lúc trái gió trở trời cơn đau lại hành hạ. Nhưng với bản lĩnh Bộ đội cụ Hồ, không khuất phục trước khó khăn, ông Vinh vẫn luôn nung nấu ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Phát huy lợi thế của địa phương, năm 1998, ông Vinh mạnh dạn đầu tư, cải tạo lại đất vườn để trồng các loại giống rau màu, hành hoa. Với 900m2 đất, ông chia ra 30 luống để trồng rau giống và hành giống. Ông Vinh cho biết, trước đây rau giống sản xuất ra chủ yếu bán ở chợ, nhưng mấy năm gần đây, rau và hành giống của gia đình đã xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi năm trừ chi phí, cũng đem lại thu nhập cho gia đình hơn 150 triệu đồng.
Ngoài phát triển kinh tế, thương binh Hồ Đức Vinh, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động hội.
Nhờ phát triển kinh tế nên Thương binh Hồ Đức Vinh cũng có điều kiện nuôi dạy các con ăn học trưởng thành. Hiện nay, 5 người con của ông đều đã lập gia đình và có công việc ổn định. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động hội và ông hiện đang làm Phó chủ tịch Hội CCB xã Quỳnh Lương.
Hội CCB huyện Quỳnh Lưu có tổng số trên 15.000 hội viên sinh hoạt ở 333 chi hội, trong đó có 1.280 hội viên là thương, bệnh binh. Thời gian qua, các hội viên là đã tích cực đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Qua đó, xuất hiện hàng trăm mô hình thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng rừng.
Ông Lê Văn Điền – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Quỳnh Lưu cho biết: Thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, các cựu chiến binh, thương, bệnh binh trên địa bàn huyện luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở cơ sở, tham gia xây dựng đường bê tông, kiên cố hóa kênh mương và làm nhà văn hóa thôn bản, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong phát triển kinh tế, Hội CCB huyện thường xuyên phối hợp các ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức cho hội viên. Ngoài ra, hội cũng phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, Thời gian tới, hội tiếp tục động viên hội viên có mô hình sản xuất – kinh doanh hiệu quả tiếp tục mở rộng hoạt động để làm giàu cho gia đình, đồng thời tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn giúp nhau vượt khó, làm giàu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.