Sau Tết, ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất cho vay
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2018, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 240/CĐ-TTg yêu cầu Ngân hàng Nhà nước: "Tiếp tục điều hành, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh". Đây là thông điệp nhất quán trong gần 2 năm qua của Chính phủ.
Trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm với vấn đề giảm lãi suất. |
Trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, kể từ hội nghị toàn ngành ngân hàng năm 2018 đến Công điện 240 và 2 chuyến thăm, làm việc tại Vietcombank, VietinBank, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm với vấn đề giảm lãi suất.
Giảm thật sự và hình thành mặt bằng mới
Tại các cuộc gặp với Thủ tướng ngày 21/2/2018, hai ngân hàng nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm giảm lãi suất.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, với nền tảng tài chính vững chắc: tổng tài sản tăng 31% so với 2016 (tương đương 1 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng cao nhất hệ thống), huy động vốn tăng cao hơn mức tăng bình quân ngành, định hướng tín dụng rõ ràng và tập trung chủ yếu cho sản xuất kinh doanh, nợ xấu thấp nhất hệ thống (1,1%/tổng dư nợ), lợi nhuận cao nhất, nộp ngân sách lớn nhất hệ thống tổ chức tín dụng; cho nên, Vietcombank có đủ cơ sở để tiếp tục giảm lãi suất.
Đồng thời, hoàn thành vượt mức tất cả các kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh cũng như các định hướng lớn về chất lượng hoạt động.
Quy mô tăng trưởng ấn tượng, tổng tài sản cán mốc gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2016, dư nợ tín dụng tăng 18%, lợi nhuận đạt 105% kế hoạch.
VietinBank thực hiện tốt tiến độ tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo đề án đã trình Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản.
Trước đó, tại hội nghị toàn ngành, sau cam kết giảm lãi suất của VietinBank và Vietcombank, Thủ tướng đã nhấn mạnh: phải giảm thực sự và hình thành mặt bằng mới về lãi suất theo hướng thấp hơn hiện tại, chứ không phải chỉ giảm ở một số đơn vị.
Bởi vậy, trong hơn một tháng qua, các ngân hàng, trong đó có 4 định chế lớn nhất là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank (chiếm 51% thị phần) bắt đầu giảm theo lộ trình từ 0,5% - 1% trong năm nay đối với tất cả các kỳ hạn.
Vậy ở khối cổ phần không có yếu tố Nhà nước thì sao?
Theo cập nhật các bản tin thị trường, hầu hết các ngân hàng đều rục rịch giảm lãi suất nhưng là chỉ ở các gói nhỏ so với quy mô tín dụng hoặc giảm đối với nhóm đối tượng khách hàng hoạt động tốt mà chưa thể hiện giảm đồng loạt nhằm tạo nên một mặt bằng mới.
Ví dụ: SeABank vừa đưa ra chương trình trong 3 tháng, dành 1.500 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất chỉ từ 7,5%/năm cố định trong 3 tháng, từ 8%/năm cố định trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND và mức lãi suất chỉ từ 3%/năm trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng USD.
Với các khế ước có thời hạn nhỏ hơn 3 tháng hoặc 6 tháng, thời gian ưu đãi bằng đúng thời hạn của khế ước nhận nợ.
Sau thời gian ưu đãi, lãi suất áp dụng theo lãi suất tại ngày nhận nợ của từng khế ước, chu kỳ thay đổi lãi suất cho vay tuân theo các quy định hiện hành tại SeABank.
Đã hội tụ các điều kiện cần thiết
Theo cập nhật thị trường về vấn đề lãi suất, so với 2017 thì năm 2018, vấn đề giảm lãi suất trên toàn hệ thống, đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực.
Thứ nhất, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu tồn tích từ gần 10 năm trước đã có cơ chế xử lý một cách quyết liệt và triệt để thông qua Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Với sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị nên bên vay, bên cho vay đều đã và đang thống nhất quan điểm xử lý dứt điểm các khoản nợ.
Ông Đoàn Văn Thắng, Chủ tịch VAMC cho biết, năm 2017, VAMC đã mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt 32.377 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 31.831 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đầu năm; ký kết hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua nợ theo giá trị thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá mua nợ là 3.141,07 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mua nợ thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đầu năm; phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được 30.641 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 được Ngân hàng Nhà nước giao (22.000 tỷ đồng), tăng 2.635 tỷ đồng so với năm 2016.
Tiếp nối đà này, năm 2018, ông Thắng khẳng định: tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong công tác khởi kiện, thi hành án, hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với tài sản bảo đảm, xuất hóa đơn, thực hiện tất toán trái phiếu đặc biệt.
Đồng thời, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác mua nợ theo giá trị thị trường theo phương án được Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Khi giải quyết được nợ xấu, sẽ làm mới lại quan hệ vay mượn, đồng thời làm sạch sẽ sổ sách và đặc biệt là toàn hệ thống bổ sung thêm nguồn thu nhập rất lớn, tạo tấm đệm tài chính vững chắc để có thể giảm lãi suất.
Thứ hai, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập tính thanh khoản rất ổn định, duy trì mặt bằng lãi suất giữa "người mua bán cuối cùng" là Ngân hàng Nhà nước với thị trường ở mức thấp và sát thị trường, không để thiếu hụt xảy ra trong hệ thống nên các tổ chức tín dụng sẽ có thêm cơ sở hạ thấp lãi suất.
Thứ ba, thị trường sản xuất kinh doanh phục hồi rất rõ nét, diện mạo đầu tư mới thực sự thay đổi, tài chính doanh nghiệp được củng cố nên năm 2017, được cho là năm đạt lợi nhuận cao của ngành ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, đó là những yếu tố vô cùng thuận lợi để năm 2018, toàn hệ thống có thể giảm để hình thành một mặt bằng lãi suất mới theo hướng thấp hơn hiện tại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.