Sống khốn khổ chờ dự án Sân bay Long Thành
Năm 2005, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (cách TP HCM khoảng 40 km) được lập, với diện tích quy hoạch 5.000 ha nằm trên 6 xã của huyện Long Thành (Đồng Nai).
Cảng hàng không lớn nhất Việt Nam có thiết kế hiện đại với công suất tiếp nhận 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Dự án được chia thành 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá năm 2014).
Tuy nhiên, do dự án vẫn chưa được khởi động nên từ chục năm qua, hơn 4.500 hộ dân (gần 14.500 người) thuộc diện di dời đang phải sống trong thiệt thòi.
Bà Phạm Thị Thu (54 tuổi, ở xã Suối Trầu, Long Thành) cho hay, ngành chức năng không cho xây mới mà yêu cầu giữ nguyên hiện trạng như lúc lập dự án để phù hợp kinh phí đền bù. "10 năm qua, tường bong tróc, rạn nứt, nền nhà sụt lún... nhưng tôi chỉ thay mái tôn hoặc sửa chữa những hạng mục phụ", bà Thu nói.
Ông Phạm Văn Thay (57 tuổi) cho biết, mỗi khi sửa nhà đều phải xin ý kiến lãnh đạo địa phương. Gần đây, cửa sổ gỗ mục nát, ông lắp tấm nylon để chống mưa. Làm cửa như vậy không bền nhưng đỡ vướng thủ tục rườm rà.
Hàng trăm ngôi nhà trong vùng quy hoạch đang bước vào giai đoạn xuống cấp trầm trọng. Bà Trần Thị Thanh (75 tuổi, xã Suối Trầu) cho hay: "Ngôi nhà 50 m2 được vợ chồng tôi xây dựng từ 25 năm trước nên đã hư hỏng. Những lúc mưa gió, tôi phải sang nhà hàng xóm trú tạm vì sợ nhà sập".
Cột, kèo bằng gỗ trong nhà bà Thanh bị mối mọt ăn mục hết.
Những hộ dân có điều kiện đã bỏ lại nhà để ra ngoài sinh sống. Khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai, họ sẽ quay về làm thủ tục nhận tiền đền bù.
Còn những người không đủ tiền mua đất, xây nhà ngoài vùng dự án thì phải ở lại với căn nhà tồi tàn.
Các hộ dân trong diện quy hoạch không được tách hộ khẩu, tách sổ đỏ, không được bán đất, bán nhà. "Các con tôi đã lập gia đình và muốn tách hộ để tiện công việc nhưng không được. Ngành chức năng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để phù hợp pháp lý trong đền bù, giải tỏa", một người dân buồn bã nói.
Những con đường liên thôn, liên xã ở vùng quy hoạch không được thảm nhựa, thảm bê tông khiến lầy lội mỗi khi trời mưa.
Ông Phạm Văn Thay bức xúc: "Sân bay được triển khai sớm thì những người dân như chúng tôi sẽ bớt khổ. Nhà cửa dột nát, cuộc sống cầm chừng, việc đầu tư sản xuất đình trệ. Chúng tôi đã chờ và chịu thiệt thòi suốt 10 năm qua. Không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh này?".
Sáng 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với 428/461 đại biểu có mặt tại hội trường tán thành (đạt tỷ lệ 86,64%), 17 đại biểu không tán thành, 16 đại biểu không biểu quyết. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014). Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn: ● Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất, hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. ● Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. ● Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.