Sử dụng nhân lực là người khuyết tật bằng năng lực và tài năng
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến cho nền kinh tế thế giới chịu tổn thương. Theo kết quả khảo sát vừa được Công ty Mercer (Mỹ) công bố, cho thấy các doanh nghiệp từ Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan nhận thấy tỉ lệ lao động nghỉ việc trong năm 2021 cao hơn so với năm trước đó.
Điều này đồng nghĩa với các doanh nghiệp phải tìm kiếm lời giải cho bài toán thiếu nhân lực. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay đến từ người khuyết tật.
Quan chức cấp cao Bernd Starke của Ngân hàng Deutsche (Đức) cho biết, trên thế giới hiện có hơn 1 tỉ người khuyết tật, nhóm người này thường bị "lãng quên", kể cả những người tài năng và kiệt xuất.
Nguồn ảnh: Báo Lao động
Riêng châu Á, theo chuyên gia Joni Simpson của ILO, hiện có khoảng "472 triệu người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động" nhưng gần 2/3 trong số này hiện không có việc làm.
Báo cáo mới đây của ILO cho biết "nhận thức chưa đúng đắn" và "định kiến" là những rào cản chính trong tuyển dụng lao động khuyết tật ở châu Á. Các doanh nghiệp thường lo ngại rằng người khuyết tật không có năng suất cao, dễ gặp tai nạn, chỉ có thể thực hiện công việc đơn giản…
Dù vậy, ông Simpson nhấn mạnh thị trường lao động không thiếu "người khuyết tật có tay nghề cao đang muốn tìm kiếm việc làm" và đã đến lúc doanh nghiệp thay đổi tư duy tuyển dụng.
Theo khảo sát của trang giới thiệu việc làm Glassdoor, 76% người lao động và người "săn" việc muốn làm việc trong một môi trường có lực lượng lao động đa dạng. Vì thế, việc tuyển dụng lao động khuyết tật có thể mang đến cho doanh nghiệp những lợi thế liên quan đến danh tiếng, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh.
Một nghiên cứu năm 2018 của Công ty Accenture (Ireland) kết luận "những doanh nghiệp tích cực tuyển dụng lao động khuyết tật có doanh thu, thu nhập và tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với những doanh nghiệp không làm thế".
Ở khía cạnh hiệu quả công việc, nghiên cứu khẳng định lao động khuyết tật cho năng suất không thua kém hoặc cao hơn so với các đồng nghiệp không cùng cảnh ngộ. Các chuyên gia còn nhấn mạnh sự góp mặt của lao động khuyết tật trong công ty có thể giúp khơi dậy và lan tỏa lòng cảm thông.
Theo ông Starke, hành trình đa dạng hóa lực lượng lao động bắt đầu từ ban lãnh đạo công ty. Cùng quan điểm, ông Simpson cho rằng họ cần đánh giá lại chính sách tuyển dụng để bảo đảm công ty không phân biệt đối xử "gián tiếp hay vô thức" ứng viên khuyết tật. Ông Starke nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của nỗ lực nêu trên phải là "cơ hội nghề nghiệp", tức trao cơ hội cho lao động khuyết tật vì năng lực và tài năng của họ, "chứ không phải để làm từ thiện", theo đài CNBC.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người khuyết tật là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm và hiện rất khó quay trở lại thị trường lao động để tìm cho mình một công việc phù hợp.
Hầu như, ít khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có ngoại hình khiếm khuyết. Đây là một trở ngại lớn cho nhóm người này.
Để nâng cao tỷ lệ người khuyết tật có việc làm, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc sửa đổi, bổ sung chính sách việc làm cho phù hợp đối với người khuyết tật trong tình hình mới từ phía Nhà nước, các chủ sử dụng lao động cần thay đổi nhận thức về khả năng làm việc của người khuyết tật. Các địa phương cần có chính sách tạo điều kiện để người khuyết tật tìm được việc làm tại chỗ; hỗ trợ sinh kế; tư vấn giới thiệu việc làm, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm do người khuyết tật tạo ra. Qua đó, tạo điều kiện cho người khuyết tật có môi trường làm việc tốt hơn và thu nhập cao hơn. Song quan trọng hơn là bản thân mỗi người khuyết tật cần có ý thức vươn lên, chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ, hiểu biết nhằm đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm trước bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.