"Tết độc lập" đầu tiên của người cựu tù Côn Đảo
Những ngày quật khởi
Trong căn nhà nhỏ thuộc ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Vương đang sống cùng người con gái thứ hai của mình đã kể về một thời trai trẻ. Sống dưới chế độ thực dân, phong kiến, trải qua nhiều đời từ ông cố nội, cha, đến thế hệ ông đều chịu sự áp bức đủ đường của bọn quan lại cường hào ác bá, người dân phải gánh chịu hàng trăm thứ thuế: Thuế chợ, thuế đò, thuế cư trú, thuế đinh, thuế điền… đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước trong ông với nhiều việc làm ý nghĩa, như tham gia nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng, giữ bí mật, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở nuôi dưỡng phong trào đấu tranh chống lại bọn thực dân, phong kiến. Năm 1944, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Vương được ông Nguyễn Duy Cương, sau này là Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, cán bộ Việt Minh nằm vùng giác ngộ cách mạng. Ban đầu, ông tham gia Tổ chức Thanh niên tiền phong thực hiện các nhiệm vụ truyền bá chữ quốc ngữ, tuyên truyền vận động mọi người theo cách mạng, đứng lên đấu tranh, phát giác mật thám, tay sai…
Theo ông Vương, xuất phát từ nhận định về hành động của Nhật, Pháp, để chớp thời cơ, Xứ ủy Nam Kỳ đã chọn địa bàn gần với Sài Gòn thuộc tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) để cướp chính quyền. Trước lực lượng hùng hậu của ta, đến trưa ngày 21/8/1945 (sớm hơn 2 ngày so với dự kiến), chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh Tân An đã được giao cho cách mạng quản lý mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào. "Ngày 2/9, tuy không nghe được Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập trên Đài phát thanh, chỉ được nghe thông báo từ Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, nhưng không khí lúc đó vô cùng phấn khởi, bà con nhân dân, nhất là thanh niên từ 18 đến 45 tuổi đều đổ ra các ngả đường đánh trống, tuần hành hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm, Việt Minh muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm", Ông Nguyễn Văn Vương hồi tưởng.
Từ một dân tộc bị nô lệ, áp bức đã tự mình đứng lên giành độc lập, có quyền làm chủ, quyền tự do, quyền được làm người, ai cũng vui mừng phấn khởi. Song niềm vui ấy kéo dài không được bao lâu, khi thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa, và năm 1946, ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh quê ông lại trở thành tâm điểm để kẻ địch đàn áp, khủng bố đẫm máu.
Ông Nguyễn Văn Vương.
Vững tin một lòng theo Đảng, Bác Hồ
Năm 23 tuổi, ông Nguyễn Văn Vương được kết nạp đảng, là một trong 3 đảng viên đầu tiên của chi bộ xã Bình Tịnh. Trong điều kiện muôn vàn thách thức, có thời điểm mất liên lạc, không có sự chỉ đạo từ cấp trên trong thời gian dài, nhưng ông đã cùng với chi bộ lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn, kiên trì bám trụ, đánh bại mọi kẻ thù. Trải qua nhiều cương vị công tác như Bí thư Huyện ủy Tân Trụ, Trưởng ty Nông nghiệp; Trưởng ty Thủy lợi; Thư ký Liên hiệp Công đoàn; Phó ban Kinh tế, kiêm Phó ban khai hoang Đồng Thap Mười tỉnh Long An, bị địch bắt tù đày 14 năm tại nhà tù Côn Đảo, ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, Nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đến năm 1985, ông Nguyễn Văn Vương nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, (mới đây nhất ông còn tham dự đại hội đại biểu Đảng bộ xã Bình Tịnh, nhiệm kỳ 2020-2025). Hiện giờ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, tai đã không còn nghe rõ, nhưng ông vẫn duy trì đều đặn 3 thói quen trong ngày là nghe đài, đọc báo, xem tivi.
Trong tâm khảm của người đảng viên lão thành cách mạng, những ngày mùa Thu tháng Tám năm 1945 thật đáng tự hào, "Không có chế độ nào như chế độ này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương Tân Trụ nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều khởi sắc, cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc. Chính vì thế, các cháu hãy luôn phát huy, gìn giữ, xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh", đảng viên lão thành cách mạng Nguyễn Văn Vương bày tỏ niềm vui, tin tưởng và kỳ vọng đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước hôm nay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.