Thầy giáo Hàn “mê” tiếng Việt
Đó
chính là GS.TS Cho Jae Hyun, Chủ tịch Viện giao lưu văn hóa châu Á (ACEF), Phó
Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt-Hàn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học khu vực
và quốc tế (thuộc Đại học Ngoại ngữ Seoul), một người Hàn Quốc yêu Việt Nam, hướng
đến Việt Nam với một tấm lòng chân thành, sâu sắc.
Với cương vị là Chủ tịch ACEF, Hiệu trưởng của Đại học Khoa học khu vực và quốc tế, GS.TS Cho Jae Hyun cùng với tổ chức ACEF không chỉ đang mở ra nhiều hoạt động cộng đồng thiết thực tại Việt Nam mà bằng việc dạy tiếng Việt cho nhiều người Hàn Quốc, Giáo sư đang làm một việc có ý nghĩa để thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc.
Chia sẻ về cơ duyên đến với tiếng Việt, ông cho biết, sau khi được biết về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, ông đã rất khâm phục và muốn tìm hiểu về con người, đất nước Việt Nam. Vì vậy, quyết tâm học tiếng Việt bắt đầu nhen nhóm trong ông từ đó. Cơ may là vào năm 1967, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc bắt đầu mở khoa tiếng Việt với 20 sinh viên và ông là người đầu tiên đăng ký học.
Càng học, càng thấy sự đa dạng, đa nghĩa trong ngữ pháp tiếng Việt, ông càng yêu thích và muốn chinh phục nó. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, ông đã tình nguyện ở lại trường để thành giảng viên khoa tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Seoul.
Ông đã dạy gần 3.000 sinh viên Hàn Quốc về tiếng Việt. Học trò của ông không chỉ biết và nói được tiếng Việt mà còn hiểu về văn hoá, lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Sau gần 50 năm học và nghiên cứu tiếng Việt cùng với 11 năm trời tìm hiểu, ông đã cho ra đời cuốn từ điển Việt-Hàn đầu tiên với 60.000 từ, được xuất bản tại Hàn Quốc năm 2000. Đây là một trong những tài liệu được các nhà đầu tư, các doanh nhân Hàn Quốc đánh giá rất cao vì đã giúp ích cho họ trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, để người Hàn và người Việt cùng hiểu về văn hoá, lịch sử của nhau, ông đã soạn dịch nhiều tài liệu về tiếng Việt như cuốn “Giảng tiếng Việt cho người nước ngoài”, “Thời sự Việt Nam”, “Lịch sử Việt Nam”, các tác phẩm của Tự lực văn đoàn, thơ của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Thế Lữ… cùng hàng loạt công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Về lý do để ông nuôi say mê học tiếng Việt suốt gần 50 năm trời, ông cho rằng, càng học, càng dạy và càng tìm hiểu về tiếng Việt, ông càng thấy say và mê bởi các ý nghĩa sâu xa, các câu thành ngữ, tục ngữ đầy ý nghĩa và có tính giáo dục cao về đạo đức, ý chí, lẽ sống cho mọi người. Ví dụ như “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”… Theo ông, cho dù có từ rất xa xưa nhưng cho đến nay, những câu tục ngữ, thành ngữ này vẫn còn nguyên giá trị giáo dục và trở thành một trong những bài học đầy ý nghĩa cho lớp trẻ.
Nhưng
theo ông, cao hơn cả chính là tình cảm của ông đối với đất nước và con người Việt
Nam qua những lần đếm thăm và làm việc tại Việt Nam. Nơi đây, ông đã cảm nhận được
tấm lòng hiếu khách, sự thân thiện cởi mở của người dân Việt Nam.
Từ TPHCM đến Hà Nội, ông đã nhìn thấy sự lớn lên, đổi mới mạnh mẽ và đang thay
đổi hằng ngày của một Việt Nam sau rất nhiều mất mát của chiến tranh. Cũng
chính từ những cảm nhận sâu sắc đó là động lực để ông không chỉ say mê dạy tiếng
Việt mà còn nỗ lực không ngừng mở rộng mối quan hệ Việt-Hàn bằng việc trở thành
một trong những cố vấn về chính sách cho Tổng thống Hàn Quốc và là người Hàn Quốc
đầu tiên phiên dịch tiếng Việt trong các cuộc gặp gỡ cấp cao của lãnh đạo hai
nước từ khi hai nước có quan hệ ngoại giao chính thức.
Ông cũng chính là dịch giả của 2 cuốn hồi ký về 2 tổng thống của Hàn Quốc là “Không có thần thoại”, hồi ký của Tổng thống Lee Myung Bak và cuốn “Cảm nhận về con người Park Chung Hee”. Bên cạnh mong muốn sách sẽ là món quà tinh thần quý giá cho giới trẻ Việt Nam về tinh thần buất khuất, ý chí sắt đá vươn lên trong cuộc sống của các Tổng thống Lee Myung Bak và Park Chung Hee, ông cũng mong rằng qua 2 cuốn sách nói về 2 vị tổng thống của của Hàn Quốc, người dân Việt Nam sẽ hiểu hơn con người, lịch sử, văn hoá, kinh tế của Hàn Quốc, từ đó thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai dân tộc.
Gần đây, với cương vị là Chủ tịch ACEF, ông đã cùng với ACEF tăng cường các hoạt động cộng đồng tại Việt Nam như dạy tiếng Hàn, kỹ năng sống và văn hóa Hàn Quốc cho hơn 5.000 cô dâu người Việt. Ngay ở Hàn Quốc, ACEF cũng đã phối hợp với các Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hoá để có các chương trình hoạt động thiết thực nhằm giúp các cô dâu người Việt nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống tại xứ Hàn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.