Tiếng nói người trong cuộc
2017-05-28 19:12:15
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Kể từ năm 1947 đến nay, hệ thống văn bản chính sách ưu đãi người có công (NCC) đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện với hơn 1.400 văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC; tạo môi trường pháp lý để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, giúp NCC và tạo điều kiện để NCC tiếp tục vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế trong cộng đồng xã hội.
Đoàn CCB ĐBP TP.HCM vào viếng các LS tại nghĩa trang Điện Biên Phủ |
Với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ trên công tác đền ơn đáp nghĩa trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập khiến nhiều NCC vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong khi đó có không ít đối tượng lợi dụng những kẽ hở của chính sách để trục lợi.
Bài 1: NHỮNG KỶ NIỆM VUI, BUỒN
Là người đã có thâm niên gần 40 năm cầm bút, trên 40 năm được thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC với cách mạng và 25 năm làm trợ giúp pháp lý “chui” miễn phí cho gia đình chính sách, nên tôi đã có vinh hạnh được gặp gỡ, chia sẻ những kỷ niệm vui, buồn với những người đã, đang và sẽ được thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Để giúp bạn đọc có cái nhìn khách quan, thấu hiểu trong quá trình thực thi chính sách ưu đãi NCC với cách mạng của các cấp, các ngành, tôi xin kể lại một số mẩu chuyện mắt thấy, tai nghe xung quanh công tác đền ơn đáp nghĩa. Những sự việc nêu trong bài là có thực, song vì nhiều lý do tế nhị xin phép không nêu tên thật của một số người được đề cập trong bài viết.
Những lời nói ấm lòng người chiến sĩ
Tôi nhớ mãi, trong buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 36 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/1983, cố Tổng biên tập Tạp chí Vật tư kỹ thuật, Ngô Đức Hùng (nguyên cán bộ lão thành cách mạng 39-45) đã kể lại mẩu chuyện về tấm lòng của Bác xung quanh đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ông nói: Trong thư gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày thương binh, liệt sĩ 27/7/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”. Chính lời nói giản dị, chân thành, đầy tính nhân văn đó của Bác đã là động lực thôi thúc các chiến sĩ trên mặt trận anh dũng chiến đấu, không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho tổ quốc. Và có như thế chúng ta mới có được chiến thắng Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu – ông Hùng nói.
Hay trong ngày 18/8/2014, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 và kết quả bước đầu thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về chính sách ưu đãi NCC với cách mạng.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo: Đến nay, cả nước đã xác nhận trên 8,8 triệu NCC, chiếm khoảng gần 10% dân số, trong đó có khoảng 1,4 triệu NCC và thân nhân NCC được hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh, vẫn còn một số trường hợp chưa được xác nhận và giải quyết chế độ. Khoảng 4% NCC với cách mạng và gia đình vẫn còn khó khăn trong cuộc sống. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do việc ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết chính sách chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Cán bộ chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở chưa bảo đảm đáp ứng theo yêu cầu của công tác chính sách...
Góp ý về những vướng mắc trong thực hiện chính sách, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị cần tập trung rà soát các thủ tục. Các thủ tục cần phải nhanh gọn làm sao để NCC cảm thấy đây là chính sách ưu đãi.
Mặc dù trên người vẫn còn hơn chục mảnh đạn M79 của kẻ thù, nhưng ông Trần Văn Hậu (Hoài Đức – Hà Nội), một cựu chiến bình (CCB) đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường B, K, đến nay vẫn chưa hoàn tất được thủ tục giám định thương tật để được hưởng chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Nhưng sau khi nghe được lời phát biểu trên của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì ông Hậu và một số CCB có cảnh ngộ như ông đã có thêm niềm tin vào chế độ, vào Đảng, nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Đây chính là động lực thôi thúc ông vượt quá sự đau đớn về thể xác, quyết tâm hoàn thiện hồ sơ. Ông hy vọng, một ngày không xa, ông và đồng đội – những người cùng cảnh ngộ sẽ được thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC với cách mạng như bao thương binh (TB) khác.
Trong khi nước ta còn khó khăn, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước so với những đóng góp, hi sinh, mất mát mà các liệt sĩ, gia đình cách mạng đã cống hiến cho đất nước là nhỏ bé. Song, khi được nghe những lời ruột gan từ Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung trên truyền hình trong buổi trao đổi đầu xuân Đinh Dậu về vấn đề giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng trong năm 2017, thì những thương bệnh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ (LS) cũng thấy vơi đi nỗi đau mất mát về thể xác cũng như tình cảm mà họ đã, đang phải gánh chịu. Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Chúng ta đang nợ nhiều và nợ rất nhiều. Và cái quan tâm hàng đầu của chúng tôi là giải quyết món nợ này. Chính làm sao là tập trung giải quyết nhanh 5.000 hồ sơ TBLS và người hưởng chính sách như TB. Xin lỗi những hồ sơ đó đang nằm ở ngăn kéo nơi này, nơi kia. Cái thứ 2 là giải quyết nhanh 291.000 căn nhà NCC cần phải xây dựng mới, cần sửa chữa. Tôi cũng nói thẳng: NCC nhiều người cũng già lắm rồi. Nếu chúng ta không giải quyết nhanh thì họ không có cơ hội để hưởng những chính sách của Đảng, của Nhà nước nữa đâu. Vì vậy nợ dân, mà đã là nợ thì phải trả. Đương nhiên, chúng tôi những người được Đảng, Nhà nước giao cho việc này thì phải thay mặt và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước để là người thực thi chính sách trả nợ với dân”.
Những lời nói, hành động như xát muối vào lòng NCC
Những lời nói, hành động như xát muối vào lòng NCC
Trong khi, những người có chức, có quyền ở cấp trung ương thì luôn canh cánh tìm cách chăm lo đến công tác đền ơn đáp nghĩa đối với NCC, thì ở bên dưới, những người trực tiếp thực thi chính sách ưu đãi NCC lại tìm cách “hành, tỏi” những người được thụ hưởng. Thậm chí họ còn biến chính sách “đền ơn” thành “ban ơn”.
Ông D, một CCB ở Hà Nội, đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường B và C đã thuật lại một câu chuyện mà chính ông là người trong cuộc. Ông D kể: Hôm ông Y nhận được tiền trợ cấp ưu đãi NCC hàng tháng đã mời tôi và ông Z (người làm trong ngành LĐ-TBXH quận) đi làm vài vại bia hơi để hàn huyên vì chúng tôi là những người cùng đơn vị đã may mắn sống xót trở về. Trước khi cuộc hàn huyên bắt đầu, ông Y (người vừa là chủ chi lẫn chủ trì) có lời cảm ơn ông Z đã giúp đỡ, hướng dẫn ông trong việc làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi. Ông Z không nói gì chỉ cười và cuộc nhậu lại tiếp diễn. Sau 1 tuần bia, lúc này ông Z mới cất lời: Ông bắt đầu nhẩm tỉnh, ít ra mày (ý ám chỉ ông Y) cũng còn sống được 20 năm nữa. Mỗi năm nhận gần 20 triệu đồng tiền trợ cấp của nhà nước, vị chi mày sẽ nhận được gần bốn trăm triệu đồng. Đó là “lộc trời”, mày cũng lên “lại quả” cho anh em chứ. Nghe xong câu nói đó, tôi và ông Y không thể nào nuốt nổi thêm một ngụm bia nào nữa, đành ngồi im nhìn nhau không trả lời và cũng không giải thích gì hết…
Nhân chuyến “tư tác” về Hải Phòng, tôi có dừng lại ở vùng đất “quê lúa” vào thăm H - người bạn cùng nhập ngũ một ngày, cùng ở một đơn vị. Năm 1976 khi tôi chuyển ngành thì H cũng về phục viên tại địa phương. Lúc đó H không được xếp loại thương binh, vì không có vết thương thực thế mà chỉ bị sức ép bom. Sau 41 năm gặp lại, tôi thấy H gầy và già đi nhiều quá. Chúng tôi đang mải mê hỏi thăm người này, người kia những đồng đội một thời trai trẻ, thì vợ H tiếp lời. Vợ H nói: “Nhà em hơn 5 năm trở lại đây trông còn khá đấy. Từ ngày được hưởng trợ cấp chất độc da cam, mỗi tháng gần 2 triệu đồng nên mới có cái lo chuyện thuốc men và bồi dưỡng. Anh mà lại chơi 6, 7 năm về trước thì anh sẽ thấy, nhà em thảm hại biết nhường nào. Người cao tới mét bảy mà nặng chỉ có hơn 4 chục ký, trông toàn da bọc xương, đầu tóc thì bạc trắng…” Lúc này, H mới lên tiếng ngắt lời vợ. “Tôi như thế còn sướng hơn ối đứa. Bà thử xem, thằng K ở xóm bên vay mượn 2, 3 chục triệu đồng, chạy được cái chất độc da cam, mới được hưởng có 3 tháng thì đã lăn ra chết vì cái bệnh ung thư quái ác. Mà đâu phải chỉ có nó, ở cái xã này còn 2 đứa nữa, cũng chỉ được lĩnh tiền trợ cấp được 4, 5 tháng cũng đã về với tổ tiên rồi” – H nói. Nghe đến đây, tôi và H đều không cầm được nước mắt, đành phải chuyển đề tài sang chuyện khác, không muốn để chuyện buồn này lấn chiếm những kỷ niệm đẹp mà chúng tôi đã có trong những ngày sống bên nhau ở quân ngũ../.
(Còn nữa)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Đức Hà