Tin tức miền Tây 21/3: Trình đề án 1 triệu héc ta lúa ở ĐBSCL
Sắp trình Chính phủ đề án 1 triệu héc ta lúa ở ĐBSCL
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, đoàn công tác Bộ NN&PTNT và các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã khảo sát tình hình sản xuất lúa tại một số tỉnh ở ĐBSCL để phục vụ xây dựng đề án.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.
Các địa phương được khảo sát đều thể hiện sự đồng thuận và đánh giá cao ý tưởng của đề án và có kế hoạch tham gia. Kết quả đã có 12/13 tỉnh, thành phố trong vùng đăng ký tham gia đề án, với tổng diện tích dự kiến đến năm 2025 là 719.000ha và đến năm 2030 đạt 1.015.000ha. Bến Tre là tỉnh duy nhất không tham gia đề án do có ít diện tích lúa.
Cà Mau: Thi hành cưỡng chế, “dỡ nhầm” luôn nhà hàng xóm
Ngày 21/3, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chí Nguyện (đường Quang Trung, phường 5, TP Cà Mau) cho biết, ông đã có đơn tố giác về hành vi hủy hoại tài sản của đoàn cưỡng chế đến cơ quan chức năng, vì lúc cưỡng chế nhà kế bên đã tháo dỡ luôn nhà ông.
Nhà ông Nguyện bên trái đã bị tháo dỡ dù không có quyết định cưỡng chế. Ảnh: Kinh tế đô thị.
Trước đó, sáng 13/3, Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau phối hợp với UBND phường 5 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhà ông Cột ở đường Quang Trung, khóm 4, phường 5. Lý do cưỡng chế là năm 2017, ông Cột đã bị lập biên bản về xây dựng nhà ở không xin phép. Ngoài bị phạt tiền, quyết định xử phạt còn buộc ông Cột phải khắc phục hậu quả là tháo dỡ nhà vi phạm.
Khi đoàn cưỡng chế định tiến hành tháo dỡ đến căn nhà thứ hai liền kề chung vách với nhà ông Cột, ông cảnh báo đó là nhà người khác không phải của ông, ông thuê để mua bán trứng vịt nhưng đoàn cưỡng chế vẫn tháo dỡ căn nhà này.
“Tôi la um sùm, cảnh báo mà đoàn cưỡng chế cứ làm, rồi dỡ tung ra hết luôn. Tôi gọi điện thoại báo chủ nhà nhưng chủ nhà đi công chuyện về chậm, một chặp sau thì nhà ông hàng xóm kế bên đã bị dở” - ông Cột kể.
Ông Nguyễn Chí Nguyện, chủ căn bị tháo dỡ nhà, nói: “Vợ chồng tôi hay tin khi đang ở huyện Đầm Dơi, tức tốc chạy về thì nhà cửa bị tháo dỡ gần xong.” Tôi có đến nói chuyện với người chủ trì cưỡng chế thì được bảo là: “Có vấn đề gì lên phường trình bày. Việc cưỡng chế vẫn tiếp tục diễn ra cho đến lúc nhà tôi không còn gì cả” – ông Nguyện kể.
Bắt giữ tàu cá chở gần 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc trên biển Cà Mau
Ngày 21/3, Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đang chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ phối hợp với Đồn Biên phòng Sông Đốc điều tra, làm rõ và đề xuất các hình thức xử lý 1 tàu cá chở gần 50.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.
Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tàu TG 91987 TS. Ảnh: Lê Khoa.
Trước đó, tối 20/3, trong khi tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, khi đến khu vực vùng biển cách cửa biển Sông Đốc khoảng 30 hải lý về hướng Tây Nam, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Đốc và Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Cà Mau) phát hiện tàu cá TG 91987 TS có dấu hiệu nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra. Qua công tác kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên tàu có nhiều khoang hầm chứa chất tinh thể lỏng có mùi dầu và nhiều dụng cụ dùng bơm hút dầu như: máy bơm, đồng hồ đo số lượng, ống nhựa loại lớn dùng để bơm hút dầu.
Tàu cá TG 91987 TS do ông Lương Văn Ri, trú tại phường Tân Long, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng. Ông Lương Văn Ri cho biết, chất lỏng trên tàu là dầu DO, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa.
Đồn Biên phòng Sông Đốc đã cho bơm hút toàn bộ số dầu trên tàu qua bồn chứa của một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để quản lý và đo được tổng số lượng dầu là 47.000 lít,.
Hiện, các đơn vị đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử lí theo quy định của pháp luật.
Đồng Tháp đồng loạt kiểm tra 16 cơ sở của Công ty F88
Chiều 21/3, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết vừa phối hợp công an các huyện, thành phố đồng loạt kiểm tra hành chính 16 phòng giao dịch của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 (Công ty F88) trên địa bàn tỉnh, đồng thời đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.
Lực lượng công an kiểm tra một cơ sở của Công ty F88. Ảnh: Người Lao Động.
Theo đó, đã kiểm tra theo các nội dung, như: việc chấp hành các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hoạt động thực tế của cơ sở; việc lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu; tình hình hoạt động kinh doanh theo quy định của Bộ Công an; kê khai các nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; việc chấp hành các quy định pháp luật khi thực hiện hợp đồng cho vay, cầm cố tài sản, ký gửi tài sản, lãi suất, …
Qua kiểm tra, công an phát hiện một số phòng giao dịch có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: hoạt động cầm đồ khi chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện về an ninh, trật tự; không bảo quản tài sản cầm cố; chưa thực hiện đầy đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, …
Trong đó, Công an huyện Thanh Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng đối với một cơ sở của Công ty F88 về hành vi lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ theo quy định của Bộ Công an.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng
Sáng 21/3, Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội giám sát đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại tỉnh Sóc Trăng, Đoàn giám sát đến làm việc với Trường nhiều cấp học iSchool Sóc Trăng và Trường THPT dân tộc nội trú Huỳnh Cương.
Đoàn công tác làm việc tại Sóc Trăng.
Tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Trường THPT dân tộc nội trú (DTNT) Huỳnh Cương (Sóc Trăng) có đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội cùng ban lãnh đạo và chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng.
Nhân dịp đến trường, Bộ trường cùng đoàn đã đến trực tiếp lớp học, thăm hỏi tình hình học tập và ăn ở của các em học sinh tại Trường THPT dân tộc nội trú Huỳnh Cương.
Trong buổi làm việc cùng lãnh đạo và giáo viên nhà trường, Bộ trưởng mong muốn giáo viên chia sẻ tâm từ nguyện vọng của bản thân khi thực hiện chương trình. Từ khi chuẩn bị tham gia giảng dạy lớp 10, bản thân thầy cô đã có những thay đổi gì? Có gì mới ở bản thân năng lực kỹ năng, phương pháp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.