Tin tức miền Tây 28/3: Đưa khóm Cầu Đúc Hậu Giang vươn xa
Đưa khóm Cầu Đúc Hậu Giang vươn xa
Dự kiến vào tháng 7 tới đây, Hậu Giang sẽ tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc nhằm kết nối tiêu thụ và giới thiệu, quảng bá hình ảnh khóm Cầu Đúc của tỉnh đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Khóm Cầu Đúc Hậu Giang.
Qua thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện diện tích khóm của tỉnh là khoảng 3.000ha, trồng tập trung nhiều tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, với giống chủ lực là khóm Queen và được tỉnh chọn thương hiệu là khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Riêng thành phố Vị Thanh thì diện tích trồng khóm đang có khoảng 2.800ha. Hiện thành phố Vị Thanh đã thành lập được 3 hợp tác xã là Thạnh Thắng, Thạnh Tiến và Thạnh Xuân hoạt động trong lĩnh vực trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm… Ngoài ra, thành phố còn có các điểm du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc.
Theo chia sẻ của người dân vùng khóm Cầu Đúc Hậu Giang và khách hàng trong, ngoài tỉnh thì khóm Cầu Đúc Hậu Giang có đặc điểm là trái nhỏ, vị ngon, ngọt thanh, nhất là thu hoạch vào mùa nắng hương vị sẽ rất đậm đà, dùng để ăn tươi thì khó có loại khóm nào sánh được.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, việc tổ chức lễ hội khóm Cầu Đúc để đẩy mạnh quảng bá mặt hàng nông sản này là việc làm cần thiết. Tới đây, đơn vị sẽ làm việc với các ngành liên quan, cũng như địa phương vùng khóm để tính toán những công việc cần thiết và tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện lễ hội.
Bộ GTVT thúc tiến độ khởi công 27 dự án
Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai các dự án dự kiến khởi công trong năm 2023.
Lễ khởi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 1 vừa qua.
Trong đó có 5 dự án quan trọng quốc gia (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh); một dự án nhóm A (cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 thuộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng) và 21 dự án nhóm B, C. Hiện, các đơn vị đã hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị khởi công 4 dự án, gồm cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - Vinh (tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh); nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn Km15+270-Km89+700, tỉnh Quảng Nam. Tiến độ triển khai một số dự án đang có nguy cơ chậm.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh, thành sớm hoàn thành phê duyệt đầu tư và khởi công các dự án được giao cho địa phương là đơn vị chủ quản. Các địa phương cần quyết liệt bồi thường, tái định cư theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền, theo Bộ Giao thông Vận tải, cũng cần chuẩn bị để bàn giao ngay cho nhà thầu khai thác, đáp ứng tiến độ thi công dự án.
TP Cà Mau sẽ họp báo vụ cưỡng chế “nhầm nhà”
UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) xác nhận, cơ quan này sẽ tổ chức họp báo thông tin liên quan đến quá trình cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với ông Chiêm Buồl Cột tại Khóm 4, phường 5. Cuộc họp báo sẽ diễn ra lúc 16h cùng ngày tại phòng họp trực tuyến UBND TP Cà Mau.
Hiện trường vụ cưỡng chế nhầm nhà ở Cà Mau.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 8/9/2017, Chủ tịch UBND TP Cà Mau ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cột với hình thức xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Ngoài bị xử phạt, ông Cột còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc ngừng thi công xây dựng công trình, tiến hành phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là không quá 10 ngày. Sau đó, ông Cột đã chấp hành nộp phạt nhưng chưa phá dỡ công trình vi phạm. Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với ông Cột.
Ngày 21/6/2022, Phòng QLĐT TP Cà Mau và UBND Phường 5 tổ chức đối thoại với ông Cột. Qua làm việc, ông Cột thừa nhận năm 2017 ông sửa lại căn nhà không có giấy phép xây dựng, nhưng cho rằng việc sửa chữa nhà không gây ảnh hưởng nên không đồng ý phá dỡ và yêu cầu huỷ bỏ quyết định cưỡng chế.
Đến 8h ngày 13/3, Phòng QLĐT TP Cà Mau, cơ quan chức năng, UBND phường 5 tiến hành cưỡng chế công trình của ông Cột. Sau khi triển khai quyết định cưỡng chế, ông Cột có ý kiến để ông tự tháo dỡ công trình vi phạm và đề nghị được hỗ trợ lực lượng để tự tháo dỡ. Quá trình thực hiện, ông Nguyễn Chí Nguyện (chủ căn nhà kế bên ông Cột) có cảnh báo đó là nhà của ông nhưng việc cưỡng chế vẫn tiếp tục diễn ra. Đến 15h cùng ngày, lực lượng cưỡng chế dừng tháo dỡ, khi đó đã tháo xong phần mái tole, khung sắt tiền chế đối với căn nhà này. Phần tường xây dựng còn lại chưa thực hiện tháo dỡ.
Mới đây, ông Nguyễn Chí Nguyện có đơn gửi Giám đốc Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh Cà Mau tố cáo về hành vi hủy hoại tài sản của đoàn cưỡng chế vì lúc cưỡng chế nhà kế bên đã tháo dỡ luôn nhà ông...
GRDP quý I/ 2023 của An Giang ước tăng 6,3%
Sáng 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI), để cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị quý I, đề ra phương hướng, nhiệm vụ quý II/ 2023. Đồng thời, đề ra một số chủ trương quan trọng khác.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Báo An Giang.
Tại hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm trong năm 2023, UBND tỉnh và các cấp các ngành đã thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I ước tăng 6,3% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 3,09%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 8,8%; khu vực thương mại – dịch vụ tăng 9,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,73%. Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I đạt 285 triệu USD, tăng 7,27% so cùng kỳ; ước tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn quý I đạt 2.185 tỷ đồng…
Trong quý II/ 2023, UBND tỉnh An Giang đề ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, phòng ngừa các biến chủng mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội; triển khai các đầu công việc cụ thể để thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
Trà Vinh: Hơn 22 tỉ đồng di dân khẩn cấp khu vực sạt lở
UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt kinh phí đầu tư 22 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022 (ngân sách Trung ương 19 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 3 tỉ đồng) xây dựng công trình thực hiện dự án di dân khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Ðịnh An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Khu vực có nguy cơ sạt lở ở Trà Vinh. Ảnh: Báo Cần Thơ.
Công trình gồm các hạng mục đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy; hệ thống thoát nước, điện, trạm biến áp và hệ thống chiếu sáng; thời gian thực hiện năm 2023.
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá, đề xuất phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện tình huống di dân khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm; chịu trách nhiệm về các bước, trình tự thủ tục đầu tư như khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.