TP.HCM chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng để bình ổn hàng Tết Giáp Thìn 2024
Chiều 14/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức "Họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh thông tin về công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Giáp Thìn 2024.
Theo đó, trong kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết Giáp Thìn 2024 do Sở Công Thương triển khai có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đa phần là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.
Ông Nguyễn Nguyễn Phương cho biết: “Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường”.
Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản… Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)… kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh thông tin, tại 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) và 221 chợ truyền thống, lượng nông sản cung ứng thị trường Thành phố đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.
Để chuẩn bị Tết, Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai Ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ. Đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Đối với kênh phân phối hiện đại, hiện trên địa bàn Thành phố có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn hiện đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết.
Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường. Có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng (tăng, giảm thời gian phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thông qua tình hình thực tế).
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Đồng thời, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Chương trình Shopping Season đợt 2 năm 2023, đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thông tin về các biện pháp quản lý thị trường, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Giáp Thìn năm 2024.
Đối mặt với thực tế trước, nhu cầu mua sắm của người dân tăng dịp tết, sẽ xuất hiện các nguy cơ, các đối tượng lợi dụng tình hình để sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hàng nhập lậu. Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh xem đây là một trong những đợt cao điểm cần tập trung lực lượng, phối hợp cùng các đơn vị liên ngành triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch đến các đơn vị, lực lượng trực thuộc xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để thực hiện tốt các biện pháp quản lý thị trường đảm bảo nhân dân Thành phố đón Tết Nguyên Đán an toàn, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
“Đối với các mặt hàng cấm như pháo nổ, hóa chất hay các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho người dân trong dịp tết như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, nước giải khát, dược phẩm... lực lượng quản lý thị trường sẽ giám sát, quản lý chặt chẽ.” – Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.