Trẻ khuyết tật ở nông thông có được ưu đãi gì không?
Hỏi:
Con trai tôi năm nay 7 tuổi, bị khuyết tật trí tuệ khoảng 60%. Năm 6 tuổi con tôi đi học lớp 1 tại trường tiểu học địa phương nhưng do bệnh tình và bản thân cũng không có khả năng học tập nên gia đình đã cho nghỉ và chuyển sang học mầm non, tuy nhiên không có trường mầm non nào chịu nhận con trai tôi. Hiện tại mức trợ cấp cho người khuyết tật là 500.000 - 700.000, chỉ đủ để đóng 1/4 phí học của một tháng tại các trường mầm non tư thục. Xin hỏi, đối với những trường hợp như con trai tôi thì Nhà nước có chính sách như thế nào khi ở vùng nông thôn hoàn toàn không có trường lớp cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Nếu mỗi gia đình như thế phải bố trí người nghỉ ở nhà trông nom thì cuộc sống sẽ nghèo nàn, bản thân người khuyết tật cũng dần mất đi quyền xã hội của mình. Tôi đề xuất mỗi trường mầm non hoặc tiểu học tại các vùng ngoại ô, nông thôn nên mở thêm 1 lớp dành riêng cho trẻ khuyết tật, để trẻ khuyết tật có cơ hội học hỏi, giao tiếp xã hội, để gia đình trẻ khuyết tật cũng có thể góp sức vào sự phát triển của xã hội.
Trả lời :
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật: “Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi”. Do đó, trường hợp của con bà Nguyễn Thị Vân Lan, năm nay 7 tuổi sẽ đủ điều kiện để được nhập học vào một cơ sở giáo dục mầm non hoặc một cơ sở giáo dục tiểu học nào đó để đảm bảo quyền được đi học của trẻ em.
Theo Luật Người khuyết tật, có ba phương thức giáo dục người khuyết tật: giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt, trong đó giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Người khuyết tật, cha mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển cá nhân của người khuyết tật.
Ngoài ra, Điều 5 của Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29/1/2018 quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật thì một trong các nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục là “Phát hiện, huy động và tiếp nhận người khuyết tật học tập tại cơ sở giáo dục”.
Do đó, trong trường hợp ở gần nhà không có cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật thì bà Nguyễn Thị Vân Lan có thể cho con theo học hòa nhập tại một cơ sở giáo dục phù hợp tại địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.