Triệt phá các ổ nhóm chăn dắt người khuyết tật: Dấu ấn cảnh sát hình sự
Thoáng thấy chiếc xe máy cũ do thanh niên mặc chiếc áo xanh của hãng xe công nghệ Gojek điều khiển áp sát người đàn ông đang lết giữa đường, Đại uý Bảo đang ngồi trong quán nước gần đó bật người nhìn dõi theo không dám rời mắt. Sau khi dìu người đàn ông tàn phế lên xe, thanh niên áo xanh lại vội vã phóng đi. Anh Bảo nháy mắt báo hiệu với mấy trinh sát gần đó rồi lập tức bám theo bóng chiếc xe ôm kia.
Đến 1 ngã tư đường khá đông người qua lại, gã xe ôm thả người đàn ông liệt 2 chân xuống và tiếp tục "công việc" hành khất.
Tiết trời tháng 6 oi ả, giữa ngã tư đường như đổ lửa, anh thanh niên tàn tật 2 chân lết đi từng đoạn vô cùng nhọc nhằn. Vừa lết, anh ta vừa huơ huơ cái ống đựng tiền lẻ cùng mấy gói bông tăm, kẹo cao su lên chờ đợi sự bố thí của người đi đường.
Người khuyết tật phải xin ăn giữa đường phố trưa nắng - Ảnh minh hoạ
Cứ đều đặn mỗi ngày, người tàn tật kia được gã xe ôm chở đi và đặt ở khắp nơi trong nội thành Hà Nội. Mỗi nơi, anh ta hành khất 1 buổi rồi gã thanh niên lại thay đổi sang khu vực khác. Hôm nay ở quận Hoàng Mai, gần bến xe, ngày mai lại về Cầu Giấy, khu văn phòng công sở,… Cuối giờ chiều, thanh niên xe ôm lại đến đón người hành khất khuyết tật về lại “sào huyệt”.
Gã xe ôm kia không hề đơn giản. Có vẻ như gã đã sống lâu trong nghề chăn dắt, đã không ít lần bị theo dõi và gã hiểu được sự bất nhân trong nghiệp chăn dắt của mình. Nhận thấy có người đang bám theo mình, gã lập tức bỏ thanh niên khuyết tật lại trên đường. Sau đó, gã đi nhởn nhơ lòng vòng như là đang tìm khách. Rồi gã rẽ vào những con đường nhỏ. Sau một lúc cảm thấy an toàn, gã mới quay lại đón người khuyết tật kia về sào huyệt.
Sào huyệt thực ra là khu nhà trọ tồi tàn ở tận bên Gia Lâm. Sở dĩ gọi sào huyệt vì chỗ này không chỉ dành cho 1 người khuyết tật hành khất mà rất nhiều người.
Đã gần 10 ngày qua, nhóm trinh sát của Đội 8 (Phòng Cảnh sát hình sự - PC02 Công an TP Hà Nội) theo dõi nhóm người này. Nhất cử nhất động của họ đều trong tầm kiểm soát. Họ dừng lại ở đâu là anh Bảo và các trinh sát khác cũng phải ở đó. Khi ngồi quán nước, khi giả làm xe ôm. Có đôi lúc phải giả như người đi lạc đường vào nhà dân trú tạm.
Những cụ già 70 tuổi lang thang giữa trời nắng nóng oi bức xin ăn. Cảnh tượng đôi khi khiến bất kỳ ai cũng không khỏi động lòng ái ngại.
Có hôm, anh Bảo phải đi bộ suốt 1 ngày bám theo 1 bà cụ. Bà đi lang thang trên đường phố suốt 1 ngày giữa nắng nóng như đổ lửa.
Đối với dân trinh sát Phòng cảnh sát hình sự như anh, công việc theo dõi người thế này thực ra là chuyện bình thường. Nhiều chuyên án lớn còn đòi hỏi hoạt động trinh sát khó khăn hơn nhiều.
Nhưng dõi theo cụ già hơn 70 tuổi lang thang trên đường nắng nóng như thiêu đốt, người lính trinh sát trẻ tuổi như anh Bảo phải gồng mình tự hỏi sức chịu đựng của cụ tới mức nào khi chấp nhận khổ cực chỉ để kiếm vài ba trăm nghìn mỗi ngày như vậy.
Nhìn những kẻ ăn mày lê lết trên đường hay nhiều cụ già bằng tuổi cha mẹ mình lang thang từ sáng tới chiều xin tiền dưới cái nắng có khi hơn 40 độ ngoài trời mà những người lính trinh sát không khỏi chạnh lòng ái ngại. Họ từ miền quê nghèo khổ ra đây chỉ để kiếm 4-5 triệu/tháng và vô tình trở thành công cụ của bọn bất lương.
Từ đầu tháng 6, Đội 8 nhận được nhiều tin phản ánh về tình trạng những người già yếu, tàn tật bị lợi dụng chăn dắt khổ cực trên đường phố Hà Nội. Đội 8 đã phân công trinh sát xuống phối hợp với Công an các quận huyện nắm bắt tình hình và điều tra xử lý.
Không chỉ có nhóm người tàn tật của gã xe ôm kia. Còn nhiều nhóm khác gồm cả người già yếu, trẻ em cũng đều được tổ chức đi hành khất. Trong 3 nhóm chăn dắt người khuyết tật bị cơ quan điều tra triệt phá vừa qua, phần lớn đều được đưa đến từ vùng quê nghèo tỉnh Thanh Hoá. Họ là người dân tộc thiểu số, kém hiểu biết.
Hành nghề chăn dắt vì thấy sử dụng người khuyết tật ăn xin có vẻ dễ kiếm tiền. Ảnh 2 vợ chồng chăn dắt ở khu Giáp Bát. - Công an cung cấp
Các đối tượng thường thuê trọ cho họ ở khu vắng vẻ, khá xa khu dân cư đông đúc. Điều kiện sống của họ không cần nói ai cũng biết, rất thiếu thốn và nghèo nàn. Buổi sáng, ông chủ cho họ ăn mỳ tôm rồi đưa đi làm. Trưa và chiều mua cơm hộp cho họ ăn. Cũng có chủ bố trí người già ở nhà nấu ăn, người trẻ đi xin ăn.
Hành nghề chăn dắt ăn mày khuyết tật cũng đem lại cho những đối tượng kia nguồn lợi nhuận kha khá. Sau khi trừ đi tiền lương của nạn nhân và các chi phí khác, gã xe ôm cũng bỏ túi được vài chục triệu/tháng. Dù sao với phần lớn những kẻ không có công ăn việc làm, thu nhập như vậy là rất đáng kể.
Cặp vợ chồng Nga và Kiện (ở Hoàng Mai) còn thú nhận thấy việc chăn dắt ăn mày có vẻ dễ kiếm tiền nên tích cực tổ chức nhóm cái bang khuyết tật.
Đại uý Bảo và lực lượng điều tra lấy làm bất ngờ khi chính những nạn nhân bị lợi dung kia tỏ ra không hề oán trách với những đối tượng chăn dắt. Họ đều khai rằng không hề bị đánh đập hay hành hạ nào. Tất cả đều do thoả thuận.
Những kẻ chăn dắt về tận quê của người tàn tật. Chúng nói chuyện rủ rê và thoả thuận đưa họ lên thành phố kiếm tiền. Biết là cuộc sống xin ăn khổ sở nhưng vẫn có nguồn thu nhập tốt hơn ở quê. Nên các nạn nhân đồng ý và trở thành phương tiện trục lợi của những kẻ bất lương.
Sau khi được giải thích và liên hệ với người nhà ở quê, các nạn nhân đã đồng ý trở về. Một số người được chuyển về trung tâm bảo trợ xã hội.
Nạn chăn dắt ăn xin lâu nay vẫn gây nhức nhối tại Thủ đô. Việc triệt xoá các ổ nhóm cũng phần nào răn đe các đối tượng khác. Ảnh minh hoạ
Theo Đại uý Nguyễn Quốc Bảo (Đội 8 – PC02 Công an TP Hà Nội), để xử lý các đối tượng chăn dắt này không hề đơn giản. Trên thực tế, lực lượng điều tra cũng chưa phát hiện sự liên kết giữa các ổ nhóm chăn dắt. Phần lớn đều là các đối tượng tự phát, chăn dắt nhỏ lẻ, hoạt động rời rạc.
Việc điều tra phát hiện tuy dễ dàng nhưng thỉnh thoảng các đối tượng lại xuất hiện lẻ tẻ, rất khó dập tắt hẳn. Hơn nữa, hiện nay chế tài pháp luật đối với những kẻ trục lợi người khuyết tật vẫn chưa đủ sức nặng để răn đe. Vì vậy, khả năng tái phạm rất cao, khó kiểm soát.
Lãnh đạo và lực lượng trinh sát PC02 đánh giá nạn chăn dắt người khuyết tật xin ăn trên đường phố Hà Nội từ lâu vẫn gây nhức nhối và tạo nên hình ảnh không đẹp trên đường phố thủ đô. Nhiều cơ quan ban ngành đã vào cuộc xử lý nhưng hoạt động này vẫn không hề thuyên giảm, các đối tượng chăn dắt vẫn nhởn nhơ dụ dỗ và kiếm ăn trên thân thể người yếu thế. Đội 8 PC02 đang tiếp tục triển khai lực lượng nắm bắt và xử lý tại những địa bàn khác trong thời gian tới.
Theo PC02 Công an TP Hà Nội, việc triệt xoá loạt ổ nhóm vừa qua có thể coi là một động thái mạnh tay với nạn chăn dắt trẻ em, người già, khuyết tật. Điều này ít nhiều khiến những kẻ trục lợi người yếu thế đang hoạt động biết khó để rút lui. Qua đó, nạn chăn dắt trên đường phố Hà Nội sẽ giảm đi đáng kể.
Như đã thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02, Công an TP Hà Nội) vừa phối hợp với Công an các quận huyện triệt phá một loạt vụ chăn dắt người khuyết tật. Cảnh sát bắt giữ: Trần Đình Minh (36 tuổi, ở Tổ 6 – Việt Hưng – Long Biên – Hà Nội) chăn dắt 2 thanh niên tàn tật 2 chân. Tại khu vực Giáp Bát, cảnh sát bắt giữ Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Văn Kiện (là vợ chồng, quê Quảng Xương, Thanh Hóa). Tại khu nhà trọ ở Thanh Liệt, Thanh Tri, Hà Nội của Trần Thị Nhung (42 tuổi; quê Đông Sơn, Thanh Hóa), cảnh sát phát hiện nhiều người già và trẻ em là nạn nhân bị chăn dắt. Nhung hiện đã biến mất.
Từ ngày 01/7/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức trợ cấp xã hội là hàng tháng là:
* • 720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
* • 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
* • 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng;
* • 720.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
Điều 14, Luật Người khuyết tật 2010 quy định các hành vi nghiêm cấm bao gồm:
4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.
Nếu những đối tượng xấu có những hành vi người đãi, đánh đập, hành hạ, đối xử tàn ác với người khuyết tật thì nếu xét thấy có các dấu hiệu cấu thành các tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác; Tội hành hạ người khác … thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hành hạ người khác (Điều 140).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.