Từ đôi tay mộc mạc, tre hóa thành nghệ thuật
Giữa làng mộc Kim Bồng nổi tiếng xứ Quảng, nơi tiếng cưa tiếng đục vang vọng mỗi chiều, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ lặng lẽ làm việc bên những gốc tre khô cằn – những phần tưởng chừng bị bỏ đi, không còn giá trị sử dụng. Thế nhưng, từ bàn tay khéo léo và tâm huyết của anh, những khối tre gân guốc ấy lại được hồi sinh thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mộc mạc và đậm chất Việt.
Chân dung nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ - cha đẻ của nghề tạc tượng gốc tre.
Không chọn những nguyên liệu truyền thống như gỗ quý hay tre nguyên thân, anh Đỏ dành trọn niềm đam mê cho những gốc tre có hình thù lạ mắt, tự nhiên và đầy cá tính. Theo anh, chính dáng vẻ thô ráp, chân thật của tre là thứ chất liệu hoàn hảo để thể hiện các tạo hình dân gian quen thuộc như ông già, bà lão, trâu, bò, hay những linh vật truyền thống.
Không dừng lại ở các nhân vật dân gian quen thuộc, anh Huỳnh Phương Đỏ còn khéo léo đưa những nhân vật lịch sử và danh nhân nổi tiếng thế giới như Newton, Einstein,... vào trong sáng tạo của mình. Việc làm này không chỉ thể hiện chiều sâu tri thức và cảm nhận nghệ thuật mà còn giúp các du khách quốc tế khi đến với Hội An cảm nhận rõ hơn về tính phổ quát và tinh thần kết nối trong nghệ thuật tạo hình từ tre.
Những tác phẩm điêu khắc tỉ mỉ, tinh tế đến từng chi tiết.
Theo anh chia sẻ, khó nhất vẫn là khâu tạo hình: mỗi gốc tre có dáng vẻ riêng, kết cấu khác biệt, đòi hỏi người nghệ nhân phải có con mắt thẩm mỹ, óc sáng tạo và sự tinh tế trong cảm nhận. Không có gốc tre nào giống gốc nào, vì thế, mỗi tác phẩm cũng trở thành một bản thể độc nhất. Mỗi tác phẩm ra đời đều mang dấu ấn cá nhân rõ nét, không cái nào giống cái nào. Từ vẻ đẹp ấy, sản phẩm của anh trở thành món quà lưu niệm được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích khi đến Hội An. Với anh, tác phẩm không chỉ để ngắm mà còn để kể chuyện – kể về làng quê, văn hóa, con người Việt Nam một cách gần gũi và chân thành.
Bên cạnh đó, “cha đẻ” của nghệ thuật điêu khắc trên gốc tre còn rất bắt nhịp với thời đại. Anh lập các kênh mạng xã hội như Facebook và TikTok để lan tỏa giá trị nghề truyền thống. Với sự hỗ trợ của con gái trong việc quay phim, dựng hình và định hướng nội dung theo phong cách chân thật, mộc mạc, trang Facebook “Gốc tre Hội An - Bamboo Roots Crafting” hiện đã có hơn 82.000 lượt theo dõi, còn kênh TikTok Gốc tre Hội An đạt gần 200.000 người theo dõi. Nhờ đó, tác phẩm của anh không chỉ hiện diện ở các gian hàng trong nước mà còn trở thành biểu tượng tinh thần Việt Nam gửi tới bạn bè quốc tế.
Trong đời sống hiện đại với quá nhiều lựa chọn công nghiệp, sự lựa chọn quay về với tre, với đất, với gốc rễ văn hóa của dân tộc là điều không dễ. Nhưng nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ vẫn âm thầm đi trên con đường ấy, gìn giữ, nâng niu, và lặng lẽ thổi hồn vào từng tác phẩm – như cách anh gìn giữ chính tinh thần truyền thống của đất và người Hội An.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.