Phụ nữ ngày nay hiểu vai trò và vị thế để phát triển bản thân, cộng đồng
Kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trong thời đại hiện nay, phụ nữ ngày càng nâng cao vai trò và vị thế của mình trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình và công tác phụ nữ vẫn còn tồn tại và bộc lộ những hạn chế, thách thức. Những hạn chế, thách thức đó là gì, thưa bà?
Bà Hà Thị Nga: Cùng với sự phát triển của đất nước và việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, phụ nữ ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: 30,26% đại biểu Quốc hội là nữ; tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%; tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất; nhà nghiên cứu khoa học nữ chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cao hơn so với trung bình thế giới chỉ có 30% và nhiều thành tựu khác.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thăm và chúc mừng phụ nữ cao tuổi nhân ngày thành lập Đảng 3/2 - Ảnh: VGP/LS
Có thể nói rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cho phụ nữ nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, năng lực, tuy nhiên, những yêu cầu đổi mới của đất nước, của xã hội cũng đem tới cho người phụ nữ không ít áp lực và thách thức. Đặc biệt, thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay vẫn là những định kiến giới, khuôn mẫu giới đang tác động và ảnh hưởng tới phụ nữ trong việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Những khuôn mẫu giới, định kiến giới này cũng đang hạn chế vai trò của phụ nữ trong một số lĩnh vực như:
Về chính trị, theo kết quả nghiên cứu công bố năm 2022 của UNDP, mặc dù tỉ lệ phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực chính trị cao hơn trung bình thế giới nhưng phụ nữ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Về kinh tế, tỉ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam. Trên thực tế, theo Điều tra lao động việc làm năm 2020, cả nước có hơn 1,2 triệu người thất nghiệp; trong đó số nữ chiếm 56,1% tổng số người thất nghiệp. Công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ hiện nhiều gần gấp đôi nam giới. Việc phải dành thời gian cho những công việc không được trả lương đang hạn chế cơ hội của người phụ nữ trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, tham gia các hoạt động cộng đồng hay dành thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân để hướng tới việc phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ: Đói nghèo, biến đổi khí hậu, thay đổi chức năng gia đình; bạo lực gia đình, đặc biệt là các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng đang đe dọa đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ phụ nữ đã và đang phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có do tác động kép từ đại dịch COVID-19 như bị ảnh hưởng sức khỏe, rơi vào cảnh đói nghèo, tụt hậu về kiến thức, kỹ năng và cơ hội hòa nhập.
Vậy đâu là giải pháp căn cơ giải quyết và khắc phục những hạn chế, khó khăn đó, thưa bà?
Bà Hà Thị Nga: Theo tôi, để giải quyết và khắc phục được những khó khăn trên, chúng ta nên tập trung những giải pháp sau:
Về phía Đảng và Nhà nước và xã hội, cần tiếp tục quan tâm sâu sắc tới vấn đề thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới ở Việt Nam, thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển nhằm nâng cao và khẳng định vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực trọng yếu như chính trị, kinh tế, ngoại giao.
Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc giám sát phục vụ phản biện xã hội đối với các chính sách đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em; nghiên cứu, đề xuất các chính sách về xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Về bản thân người phụ nữ, chị em cần nâng cao ý thức học hỏi, chủ động vươn lên, trau dồi vốn văn hóa, vốn tri thức của mình, tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, vượt mọi khó khăn; biết tận dụng ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất hiệu quả công việc, dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc và phát triển bản thân.
Đồng thời, tôi cũng mong rằng, chị em phụ nữ đã có những thành công nhất định trong cuộc sống sẽ trở thành những nhà tiên phong nhằm lan tỏa, chia sẻ bài học của bản thân và truyền cảm hứng cho những người phụ nữ và trẻ em gái, nhằm tạo động lực để phụ nữ và trẻ em gái có thêm cảm hứng, niềm tin cùng sức mạnh trở thành những người kiến tạo tương lai.
Bà Hà Thị Nga thăm mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ dệt thổ cẩm tỉnh Gia Lai - Ảnh: VGP/LS
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với phụ nữ trong bối cảnh hiện nay như tình trạng định kiến giới, vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ cho phụ nữ đặc thù, nhiều chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ vẫn chưa đạt... Đâu là vai trò của các cấp Hội Phụ nữ và sự chủ động thích ứng vươn lên của từng chị em như thế nào trước thực tế này, thưa bà?
Bà Hà Thị Nga: Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã luôn đồng hành, quan tâm để từ đó đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhiều phương diện.
Về phát triển cán bộ nữ dân tộc thiểu số, Hội chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số, đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số nói riêng với mục đích dần xóa bỏ tập quán lạc hậu, định kiến giới và những rào cản cản trở sự phát triển của trẻ em gái và phụ nữ.
Đồng thời, Hội LHPN Việt Nam cũng tích cực giám sát việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ nói chung và nữ dân tộc thiểu số nói riêng; chỉ đạo Hội LHPN các cấp trong việc tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ dân tộc thiểu số, giới thiệu phát triển đảng viên nữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số và thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, biểu dương chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu trong các lĩnh vực .
Về phương diện hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và làm kinh tế, Hội được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực như chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển mọi mặt.
Về phương diện hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ dân tộc thiểu số và cộng đồng "thay đổi nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, và chủ động tham gia giải quyết các vấn đề xã hội thiết thân đối với phụ nữ khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.
Về việc phát triển vai trò của phụ nữ trong sinh hoạt cộng đồng, Hội phát triển các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như phong trào dân vũ để thu hút phụ nữ tham gia hoạt động cộng đồng góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, duy trì các CLB, tổ nhóm lưu giữ
Chị em phụ nữ dân tộc thiểu số hiện nay cũng rất chủ động thích ứng với thời cuộc. Qua thực tế, khi tới các địa bàn đông người dân tộc thiểu số, tôi thấy nhiều chị em rất năng động, tích cực tham gia các hoạt động Hội; đồng thời, chị em cũng đã biết sử dụng vốn vay ưu đãi thông qua tổ chức Hội để phát triển kinh tế bằng cách làm homestay, làm các sản phẩm truyền thống hay để phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy chị em đã nhận ra vai trò, vị thế của bản thân và biết sử dụng, biết phát huy những lợi thế, những ưu đãi về chính sách để phát triển không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng.
Nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bà có thông điệp gì gửi đến phụ nữ cả nước?
Bà Hà Thị Nga: Nhân dịp kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tôi xin trân trọng gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các chị em phụ nữ Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước. Chúc chị em luôn vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công.
Tôi tin tưởng rằng với những cơ hội mà thời đại mang tới cũng như ưu thế của phụ nữ Việt Nam thời đại mới về tiềm năng, năng lực phát triển, mỗi người phụ nữ sẽ ngày càng phát huy tính chủ động sáng tạo, bản lĩnh vượt lên mọi khó khăn, phát triển năng lực bản thân, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội hạnh phúc và thịnh vượng.
* Tiêu đề do Hòa Nhập thay đổi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.