VIẾT TIẾP VỀ “SỐ PHẬN” CỦA MỘT DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ QUỐC GIA
Bài 1: Cuộc kết nối không… thuận lợi !
Ngày 10/1/2019 (trước Tết Kỷ Hợi), nhóm phóng viên chúng tôi đến gặp đồng chí Nguyễn Thị Hạnh - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Tỉnh Quảng Ninh vì xác định việc vi phạm di tích lịch sử văn hoá trên đây, trước hết, liên quan đến Sở này về phương diện quản lý nhà nước. Đồng chí Giám đốc Sở cho lịch hẹn vào thời gian gần nhất, tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã liên hệ lại nhiều lần, nhưng, rất tiếc là đến nay vẫn chưa có buổi làm việc nào do đồng chí đứng đầu Sở bận họp….liên miên, tất nhiên là đồng chí có nói lý do. Sau đó bà Hạnh đã giao cho ông Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Sở làm việc với chúng tôi. Sau rất nhiều lần liên lạc lịch hẹn nhưng đều không thành bởi ông Phương cũng liên tục… họp`! Thời gian hơn hai tháng trôi đi, chúng tôi rất nóng ruột vì bài viết được giao chưa hoàn thành. Ngày 22/2/2019 chúng tôi đã đến gặp ông Phó giám đốc Sở Nguyễn Hồng Phương. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi trình bày nội dung cần gặp, ông Phương lạnh nhạt cho biết: Những cái đó (việc di tích bị xâm phạm - PV) là do Giám đốc Sở phát ngôn, tôi mới chuyển sang đây nên không nói được. Chúng tôi nói: Nhưng vấn đề này, chị Hạnh Giám đốc Sở giao cho anh rồi kia mà, anh cứ trao đổi với chúng tôi theo đúng chức năng thôi, nếu anh không làm việc nghĩa là anh không chấp hành chỉ đạo của đồng chí Giám đốc à? Ông Phương vẫn nói: Các anh cứ làm việc với chị Hạnh chứ tôi không nói được. Kết thúc buổi tiếp xúc, khi đại diện cơ quan Quản lý nhà nước về Văn hóa của địa phương không có ý kiến gì và cũng không bình luận gì về vai trò, trách nhiệm cũng như giải pháp đối với Di tích trận địa pháo 37 ly đang bị xâm hại, chúng tôi đành phải thất vọng ra về nhưng trong lòng trỗi lên câu hỏi: Tại sao lại có một vị Phó giám đốc Ngành Văn hoá cấp tỉnh có thể ứng xử với báo chí như vậy ? Và sau đó, chúng tôi có báo cáo việc này trực tiếp với bà Hạnh - Giám đốc Sở, bà cho biết là lãnh đạo bận cả và chỉ đạo cho đồng chí Bùi Thị Giang - Phó phòng phụ trách Phòng di sản của Sở chuẩn bị trả lời những câu hỏi mà chúng tôi đã đưa ra và hẹn chúng tôi làm việc vào trung tuần tháng 3/2019. Rất tiếc là, nay đã là gần hết tháng 3 nhưng vẫn bị bà Giám đốc Sở vẫn tiếp tục…lùi hẹn. Khi chúng tôi hỏi đồng chí Giang về nội dung trả lời câu hỏi thì được nghe: Em đã chuẩn bị xong nhưng không dám đưa cho anh vì phải có ý kiến của chị Hạnh Giám đốc Sở.
Ở một diễn biến khác, theo giới thiệu của bà Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Quảng ninh, chúng tôi liên hệ làm việc trước với Chủ đầu tư dự án là Sungroup để tìm hiểu sâu hơn về những thông tin liên quan. Anh Đỗ việt Hùng - Phụ trách truyền thông Sungroup đã cử chị Lê thị Hương - nhân viên truyền thông làm việc. Qua rất nhiều lần hẹn lịch, cuối cùng chị Hương cũng “chốt” lịch làm việc vào 9h30 sáng ngày 13/3/2019 tại địa chỉ quán Cà phê số 9 Nguyễn Khắc Cần, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Chúng tôi thực sự bất ngờ vì được hẹn làm việc ở quán Cà phê !). Tiếp chúng tôi là 2 nữ nhân viên truyền thông Lê Thị Hương và Trịnh Phương Anh. Chị Hương chia sẻ về triết lý kinh doanh gắn với kết nối văn hóa cộng đồng của Sungroup, thông tin về mô hình Bảo tàng sơ đồ trận địa pháo 37 ly bằng hình ảnh đã được Sungroup thiết kế, thi công thay thế Di tích trận địa pháo 37 ly đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng. Khi chúng tôi đề nghị cung cấp hồ sơ kỹ thuật, bản vẽ thiết kế và giấy tờ pháp lý của đề án xây dựng Bảo tàng thay thế di tích lịch sử nói trên thì chị Hương không đem theo và xin gửi sau vì phải báo cáo cấp trên. Tuy nhiên, đến nay đã nửa tháng trôi qua mà vẫn không thấy chị Hương liên lạc lại. Chúng tôi có điện thoại lại, nhưng chị Hương không lên máy, dù chuông có đổ…
Để tiếp tục làm rõ nội dung của vụ việc, chúng tôi thấy cần mô tả khái quát lại nguồn gốc Di tích như sau: Di tích trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp Bến Hòn Gai (Công ty Tuyển than Hòn Gai) nằm trên đồi cao 102 m so với mặt biển. Từ đây có thể bao quát được nhiều vị trí của Thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) như bến phà, cảng Hòn Gai và các khu dân cư xung quanh. Nơi đây, các chiến sĩ tự vệ của Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã lập nên những chiến công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1964-1972). Trong trận đánh nổi tiếng ngày 5/8/1964, khi máy bay Mỹ liều lĩnh lao vào bắn phá Quân cảng Hải quân ta ở Bãi Cháy, các chiến sĩ tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã đánh trả anh dũng, cùng với các lực lượng phòng không, hải quân và tự vệ của các đơn vị khác tạo nên lưới lửa dày đặc, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống tên phi công Mỹ E-vơ-rết An-va-rét khi hắn nhảy dù xuống Vịnh Hạ Long. Sau trận đánh này đã có 28 đồng chí của đơn vị được tặng thưởng huy hiệu 5-8, tiêu biểu như Đặng Bá Hát, Trần Minh Thành…Chiến tranh leo thang của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, ngày 12/7/1972, chúng lại tập trung đánh vào Thị xã Hòn Gai. Tình thế diễn ra rất khốc liệt, đại đội bị tổn thất lớn nhưng vẫn kiên cường bám trụ, triển khai đánh địch. Đồng chí Đặng Bá Hát vừa chỉ huy đánh chi viện bảo vệ bến phà Bãi Cháy, vừa trực tiếp chiến đấu. Trận địa ta bị máy bay Mỹ đánh trúng bằng bom xuyên, đồng chí Đặng Bá Hát bị thương vào bụng và anh dũng hy sinh khi tay còn đang cầm cờ lệnh. Chỉ trong tháng 10/1972, đại đội 45 người do đồng chí Đặng Bá Hát làm Đại đội trưởng đã đánh 37 trận, tháo gỡ nhiều bom phá, bom xuyên và bom bi các loại…
Với những chiến công vang dội đó, đầu năm 1973, Đại đội tự vệ 37 ly của Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng lẵng hoa ngay tại trận địa và cũng trong năm này, Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Liệt sĩ Đặng Bá Hát với tấm gương chiến đấu, hy sinh quên mình đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào năm 1995. Hiện nay con đường rất đẹp lượn quanh chân đồi từ đầu cầu Bãi Cháy vòng qua khu “Vòng quay mặt trời” tiếp xuống đường Lê Thánh Tông (TP Hạ Long) đã mang tên: Đường Đặng Bá Hát. Ngày 5/11/1997, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng di tích Trận địa pháo 37ly của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia (Quyết định số 3457/VH-QĐ). Ý nghĩa và tầm vóc lịch sử vẻ vang trên đây, Di tích lịch sử văn hoá Trận địa pháo 37 ly luôn luôn nhắc nhở chúng ta khắc ghi những tháng năm máu đổ đau thương nhưng đầy hào hùng, khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm về những chiến công lừng lẫy một thời trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước hôm nay.
Đáng tiếc là hiện nay khu Di tích trận địa pháo 37 ly đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Thực tế, Bia ghi dấu di tích đã được làm mới, nhưng Di tích Trận địa pháo đã bị…xoá bỏ, nhường chỗ cho “Vòng quay mặt trời” trong dự án cáp treo do Sungroup làm chủ đầu tư ! Dư luận cho rằng, tỉnh Quảng Ninh đã coi “vấn đề kinh tế” cao hơn ”vấn đề lịch sử văn hoá” khi đồng thuận cho Sungoup làm việc này, và phải chăng, tỉnh Quảng Ninh và cả Sungroup đã vi phạm Luật Di sản hiện hành ? Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, những hiện vật liên quan đến trận địa pháo được bảo quản, trưng bày tại Phòng Truyền thống của Công ty tuyển than Hòn gai. 3 trong 4 khẩu pháo được chuyển về điểm chốt phòng không trên đồi Gốc Khế (Hà Tu) ? Còn hệ thống hầm hào phòng không, trận địa pháo, hầm đựng đạn… trên đồi Bến Phà có còn được bảo vệ, duy trì, tôn tạo theo luật định hay không ? Câu trả lời vẫn còn phải chờ từ phía cơ quan quản lý nhà nước là Sở Văn hoá và Thể thao Quảng Ninh!
Được biết, vào tháng 8/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn số 3730/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình Bia ghi dấu di tích Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai tại phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long. Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật nói trên với nội dung: Xây mới Bia ghi dấu bằng đá tự nhiên, bệ đặt pháo và sân, đường. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về văn bản nội dung “thoả thuận “ này và sẽ thông tin đến bạn đọc khi có những thông tin mới.
Hiện nay Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước về cải cách hành chính, nhưng cách làm việc của lãnh đạo Ngành Văn hóa và Thể thao - một cơ quan rất gần với báo chí - nếu không muốn nói trước đây là “một nhà” với báo chí - như đã nêu ở trên, rõ ràng là… không ổn ! Và đây vẫn còn là những “thách thức” trước yêu cầu cải cách hành chính, phát triển năng động và bài toán cần tháo gỡ vướng mắc của toàn ngành, nhất là trên lĩnh vực bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá theo Luật di sản. Phóng viên chúng tôi rất trân trọng cám ơn và mong có sự hợp tác hiệu quả hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa của Sở Văn hoá và Thể thao Quảng Ninh cũng như từ phía doanh nghiệp Sungroup để có thể phản ánh những thông tin trung thực, khách quan nhất tới bạn đọc và công luận./.
Kỳ sau: Biến di sản … thành tài sản kinh doanh!
Dự án “Vòng quay mặt trời “ của Sungroup - nơi có Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia: Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai trong những năm kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nay đã bị xâm hại nghiêm trọng.(ảnh: Nguồn Internet) |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.