Ba chim còn hơn vạn chó
Ảnh Internet |
Sự việc
được tóm tắt như sau, ngày 25-2, VKSND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, cơ quan
này đã chuyển hồ sơ vụ án “Trộm cắp tài sản” sang TAND TP Tam Kỳ để đưa ra xét
xử 2 bị can Nguyễn Văn Tùng và Bùi Quang Minh Tấn (cùng SN 1993, cùng ngụ xã
Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam).
Cáo trạng
của VKSND TP Tam Kỳ cho hay, khoảng 13 giờ ngày 14-7-2015, Tùng điều khiển xe máy
mang BKS 92L1 – 051.05 chở Tấn đến nhà ông Bảo (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ,
tỉnh Quảng Nam) để trộm chim.
Nạn nhân bị mất chim là ông Lê Phước Hoài Bảo (SN 1985, trú phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Người được cả nước quan tâm vì là giám đốc sở trẻ nhất, 30 tuổi.
Quy trình định giá tài sản trong tố tụng hình sự có vấn đề?
Để góp một cái nhìn về mặt pháp luật, để người dân hiểu hơn về vấn đề tố tụng, PV Hoanhap.vn đã có cuộc trao đổi với Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư TpHCM) về vấn đề này.
Thưa luật sư, hiện tại câu chuyện về giám đốc sở 30 tuổi mất chim, kẻ trộm bị khởi tố vẫn đang khiến dư luận rất quan tâm. Người ta rất quan tâm đến căn cứ định giá tài sản. Theo luật sư căn cứ định giá tài sản trong vụ này sẽ như thế nào?
Trong trường hợp người bị trộm tài sản (gọi là người bị hại) có yêu cầu bồi thường tài sản do tài sản bị trộm không còn, hoặc còn nhưng bị giảm giá trị sử dụng nhưng họ không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh trị giá tài sản thì cơ quan điều tra sẽ trưng cầu việc định giá tài sản. Kết quả việc định giá của cơ quan giám định là trị giá thực tế được pháp luật công nhận. Trong trường hợp tài sản bị mất trộm dù chưa bị tiêu thụ, tài sản không còn nhưng người bị hại không có yêu cầu bồi thường và cũng không chứng minh giá trị tài sản thì số tiền bán được của người có hành vi phạm tội bán được có thể được xem là trị giá tài sản mà không cần phải trưng cầu định giá.
Như vậy, trong vụ án giám đốc sở 30 tuổi mất chim này, nếu người bị hại đã thu hồi lại đầy đủ tài sản và không yêu cầu bồi thường, không yêu cầu trưng cầu định giá việc định lượng về trị giá tài sản bị trộm để định tội hoặc định khung hình phạt là điều kiện bắt buộc trong quy trình tố tụng. Tuy nhiên, qua thông tin báo chí đưa lời người bị hại là giá trị chim không cao nhưng cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án một cách quyết liệt vì họ cho rằng các bị can ấy còn… trộm thêm vài vụ khác ở địa phương để răn đe nhằm các đối tượng không tiếp tục trộm cắp nữa để giữ bình yên cho xã hội.
Theo tôi, cần phải xem lại căn cứ định giá vụ trộm 3 con chim chào mào có đúng quy trình tố tụng hay không sau khi khởi tố và bắt tạm giam các bị can, hay để hợp thức hóa việc bắt giam khi việc trộm 3 con chim có giá trị dưới 2.000.000 đồng, là giá trị tối thiểu để khởi tố một vụ trộm cắp (nếu các bị can chưa bị xử lý hành chính về hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản) bằng cách lồng ghép vào những vụ nghi là các bị cáo thực hiện việc trộm cắp tài sản. Để trả lời chính xác cho câu hỏi này cần phải có tài liệu trưng cầu giám định của hồ sơ vụ án.
Hiện đã có hướng dẫn gì về việc định giá những tài sản như chim cảnh, cá cảnh... để làm căn cứ xử lý tội phạm chưa?
Bất kỳ tài sản nào có giá trị vật chất cũng có thể được định giá, dù đó là chim, cá cảnh, chó kiểng, đồ cổ, tác phẩm hội họa… Nếu người bị hại không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ để chứng minh giá trị tài sản thì Hội đồng định giá sẽ định giá theo phương pháp khảo sát theo như Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ quy định về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự .
Có người đặt câu hỏi, có nhiều vụ mất chó trị giá có thể lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí là hơn, nhưng lại thấy ít thấy nói về khởi tố. Luật sư có thắc mắc gì?
Không chỉ nhiều người đặt câu hỏi như thế mà giới luật sư chúng tôi cũng thường đặt câu hỏi như vậy, và tự người đặt câu hỏi sẽ tự cho câu trả lời luôn, nhưng thường là những câu trả lời hết sức tiêu cực dành cho các cơ quan điều tra.
Căn cứ từ thông tin báo chí, luật sư có lý giải gì về việc người dân lại rất quan tâm đến vụ "trộm chim bị khởi tố" này?
Tôi cho rằng, có những vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng xác định là những vụ án “nhạy cảm, có thể nhạy cảm về chính trị, nhạy cảm về dư luận, nhạy cảm về chủ thể bị xâm hại… Với vụ án mà giới báo chí đặt tên khá hài hước là “giám đốc sở 30 tuổi mất chim” thì có thể thấy, đây là vụ án được xác định là nhạy cảm về chủ thể bị xâm hại. Nếu cùng cảnh ngộ mà người dân bị “mất chim” thì có lẽ chẳng cơ quan điều tra nào quyết liệt trong việc truy tố tội phạm đến thế.
Liệu có sự xử lý không khéo, hay làm quá sự việc trong vụ này không, thưa luật sư?
Trong vụ án này, giới báo chí phát hiện ra vụ án mang tên khôi hài lại thêm bi kịch khi các cơ quan tiến hành tố tụng gán ghép cho các bị cáo phải bị truy tố theo khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự về hành vi trộm cắp với mức án có thể lên đến 7 năm tù cũng chỉ vì chim của ông giám đốc sở 30 tuổi.
Theo tôi, với nghiệp vụ bào chữa của các luật sư cùng giới báo chí trong nước cũng như dư luận có thể phá hỏng vụ án này của các cơ quan tiến hành tố tụng để trả lại sự bình yên cho hoạt động tố tụng tại địa phương ấy trong tương lai.
Xin cảm ơn luật sư!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.