Dự trữ ngoại hối tăng: Giải bài toán cung tiền đồng

2018-03-01 09:01:21 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Tổng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đã lên mức trên 57 tỷ USD vào thời điểm ngày 6/2/2018. Như vậy, dự trữ ngoại hối quốc gia đã vượt mục tiêu vào năm 2020, sớm hơn 3 năm như dự kiến. Vấn đề của nhà điều hành hiện tại là nghệ thuật ứng xử với cung tiền đồng như thế nào?

Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục

Với phương thức điều hành tỷ giá linh hoạt, bài bản kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách, đặc biệt là sự kiên trì, nhất quán trong công cụ điều hành nên dù một lượng không nhỏ Việt Nam đồng (VND) được đưa ra thị trường nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát tốt. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định và diễn biến tích cực.

Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) đã đưa ra một số phân tích về việc dự trữ ngoại hối quốc gia đạt kỷ lục: “VND sẽ mất giá khoảng 2% so với đồng USD trong năm 2018”. Theo đó, tổ chức này cho rằng, có vẻ như tỷ giá đang cho thấy sự ổn định hơn nữa sau khi VND đã mạnh lên khoảng 0,24% so với đồng USD trong năm 2017. Thậm chí, HSC cũng lạc quan khi nhận định thêm, nếu có sự đảo chiều của tỷ giá, chắc chắn sẽ đầy bất ngờ và nằm ngoài dự báo, nhất là khi đồng USD đã yếu đi so với giỏ tiền tệ trong cấu trúc tỷ trọng thương mại (chỉ số đô la ICE).


“Ông lớn” PVOil IPO trong tháng 1/2018


Cũng theo bộ phận phân tích của HSC sở dĩ tỷ giá ổn định từ mùa hè năm 2016 đến nay là do một loạt yếu tố mà đầu tiên là đồng USD yếu đi bất kể các đợt tăng lãi suất ở Mỹ; thêm vào đó, lạm phát lõi của Việt Nam gần như không tăng trong bối cảnh các biện pháp can thiệp, điều hành của NHNN trở nên chủ động và nhạy bén hơn với thị trường.

Cùng đó, dòng vốn FDI và FII mạnh trong năm 2017 tạo nguồn cung USD dồi dào trên hệ thống. Do đó, thay vì biến động bất thường, xu hướng tỷ giá trong năm 2017 nhìn chung là đồng VND mạnh lên khi đồng USD yếu đi. Nhờ các yếu tố này, NHNN đã làm giàu dự trữ ngoại hối quốc gia với tốc độ chóng mặt.

Theo một số dự báo của giới phân tích, trong năm 2018 so với năm 2017, dòng vốn FDI sẽ tăng khoảng 15%, đạt 20 tỷ USD; FII tăng 25% lên mức 2,34 tỷ USD.

Cùng đó, khi thị trường hồi phục, chương trình cổ phần hóa các DNNN với một loạt các thương hiệu tên tuổi, khả năng cổ phần hóa các DN viễn thông… sẽ tạo nên một lượng cung ngoại tệ lớn từ phía các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thương vụ trên. Xu hướng này hoàn toàn khả thi bởi cuối năm 2017 Thai Beverage hoàn thành sở hữu 49% cổ phần Sabeco tương ứng giá trị khoảng 4,8 tỷ USD, đã bổ sung một lượng ngoại tệ đáng kể vào dự trữ ngoại hối.

Chưa kể, năm 2018, nhiều chuyên gia cũng dự báo thặng dư thương mại sẽ tăng mạnh 75% đạt 6,5 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ riêng trong tháng 1/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 8.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 374 triệu USD. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê nguồn vốn FDI thực hiện trong tháng 1/2018 ước đạt khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra, trong ba thương vụ IPO của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVOil và PVPower diễn ra trong tháng 1/2018, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua vào khoảng 397 triệu USD… Theo ước tính không chính thức của ngân hàng thì NHNN đã mua được hơn 3 tỷ USD chỉ trong tháng 1/2018.

Theo kế hoạch, trong tháng 3/2018, PVPower và Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3) sẽ tiến hành đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tham gia đấu giá và tổng số tiền ước tính lên tới 1,2 tỷ USD… Có lẽ kể từ sau năm 2007 – thời điểm mà Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta mới lại đón nhận một khối lượng vốn ngoại rất lớn như diễn biến gần đây. Và thực trạng này đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính Việt Nam phát triển, nhưng cũng để lại nhiều tiềm ẩn rủi ro như đã từng diễn ra trong quá khứ.

Ứng xử với cung tiền đồng

Thị trường tài chính được hình thành bởi hai cấu phần là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Việc NHNN đã mua được khoảng 13 tỷ USD trong năm 2017 và 3 tỷ USD trong tháng 1/2018 đồng nghĩa với việc sẽ có một khối lượng rất lớn tiền đồng được bơm ra hệ thống ngân hàng. Mặc dù hiện nay NHNN đã và đang nỗ lực để trung hòa số tiền này thông qua việc phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, toàn hệ thống ngân hàng vẫn đang dư thừa thanh khoản ở mức rất cao. Bối cảnh như vậy buộc các ngân hàng “thừa tiền” phải đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Do khối lượng trái phiếu chính phủ mới có hạn và nhu cầu đầu tư từ cả phía các ngân hàng cũng như các công ty bảo hiểm nhân thọ rất lớn nên lợi suất trái phiếu chính phủ (Bond yield) đã bị đẩy xuống các mức thấp kỷ lục, thấp hơn cả lãi suất tại các thị trường có nhiều nét tương đồng với Việt Nam là Indonesia và Philippines.

Bên cạnh đó, việc vốn ngoại đổ vào Việt Nam ở mức cao đã giữ tỷ giá giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng ổn định trong một thời gian dài quanh mức 22.710 đồng/USD.

Tỷ giá ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức cao như vậy, nếu chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức thấp thì đây sẽ là cơ sở để NHNN có thể hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong năm 2018.

Trên đây là diễn biến của thị trường tiền tệ, còn trên thị trường vốn mà đại diện là thị trường chứng khoán cũng đang chứng kiến nhiều con số rất ấn tượng. Chỉ số VN-Index đã tăng tới hơn 46,5% trong năm 2017 và 11,5% chỉ trong tháng 1/2018. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp vào một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Giá trị giao dịch bình quân của thị trường hiện đang ở mức 6.000 tỷ đồng/ngày… thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng nhanh là tiền đề để các dòng vốn nước ngoài, cả FDI và đầu tư gián tiếp FII tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại, đặc biệt là dòng vốn FII, nếu vào quá nhanh sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường tài chính vốn còn khá non trẻ của Việt Nam.

Nhớ lại, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2007 đến tháng 8/2008, khi dòng vốn ngoại (FDI, FII) đổ vào Việt Nam, NHNN đã mua vào 9 tỷ USD. Sự thiếu nhịp nhàng trong bơm, hút tiền đồng được cho là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát bùng phát dữ dội ngay tại thời điểm đó và gây hậu quả dai dẳng nhiều năm sau.

Bởi vậy, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, việc giữ cân bằng trạng thái tiền đồng để không ảnh hưởng tới lạm phát thực sự là bài toán không đơn giản đối với điều hành tiền tệ của NHNN.

Khác với các nước phát triển, bơm hút tiền ra thị trường chủ yếu trên nghiệp vụ thị trường mở và các kênh chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá. Nhưng ở Việt Nam, ngoài kênh này, vẫn còn hai kênh khác đó là mua ròng ngoại tệ như trong thời gian qua và kênh tín dụng.

Việc điều hành cung cầu tiền đồng trên thị trường ngoài việc tạo thanh khoản cho hệ thống, phát huy tối đa năng lực phân bổ nguồn lực tiết kiệm đến đầu tư của hệ thống trung gian tổ chức tín dụng, còn một nhiệm vụ khác vô cùng quan trọng, đó là giữ lạm phát. Theo nguyên lý, lạm phát chính là tấm gương phản chiếu hiệu quả cốt lõi của điều hành chính sách tiền tệ. Năm 2017, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát dưới 4% nhưng thực tế, lạm phát chỉ 3,53%. Đó là một thành công lớn của NHNN. Tuy nhiên, ở Việt Nam, kết quả của lạm phát còn phụ thuộc ở một số yếu tố khác mà nếu không kết hợp nhịp nhàng với yếu tố tiền tệ, sẽ không cho ra đáp số như mong đợi, đó là: điều hành giá cả.


Giao dịch cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội


Bởi vậy, theo ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) và giá thực phẩm. Giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020 nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể tương đương năm 2017, khoảng 2-2,5 điểm phần trăm. Phân tích tác động trễ của yếu tố tiền tệ năm 2017 đến lạm phát là không lớn. Bởi vì, hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2017 ước đạt 2,04 lần, giảm so với mức 2,81 lần của năm 2016 trong khi tốc độ vòng quay tiền tệ đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Trở lại với câu chuyện tỷ giá. Khi dự trữ ngoại hối tăng nhanh và có tính bền vững hơn thì đồng thời, NHNN cũng đối mặt với khó khăn trong điều hành cung tiền đồng. Và chỉ khi nhà điều hành xác lập được niềm tin ở sự ổn định vĩ mô thì thị trường mới vận hành tương tác với mong muốn của nhà quản lý.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...