Thắm mãi nghĩa tình đồng đội

2018-08-07 10:40:49 0 Bình luận
HOANHAP.VN - LTG: Biết tin anh bị tai biến, phải nằm điều trị 5 tháng, mà nay tôi mới có dịp về thăm. Rất may là anh đã qua được cơn “Bĩ cực”, đầu óc vẫn minh mẫn, vẫn có thể ngồi tiếp chuyện cùng tôi.

Anh biết tôi vừa tham gia Tạp chí HNHN, mắt anh sáng lên, cười vui vẻ nói: May quá, tôi có câu chuyện này đã ấp ủ từ mấy năm nay mà chưa có dịp ghi lại, nay có chú em “Làm báo”, chú còn khỏe tay chắp bút ghi lại câu chuyện này, cũng là để tri ân những người trong cuộc và quý độc giả, giúp anh bớt phần “áy náy”.

Dưới đây là câu chuyện ghi theo lời kể của anh...

Bức thư gửi ông Lê Văn Cam (Xóm Mười, thôn Đông Hạ, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình)


Tác giả đang chăm chú nghe và ghi lại tư liệu mà NS Nguyễn văn Liền kể


Ông Cam kính mến!

Tôi đã có trong tay hàng chục bài báo khá dài viết về ông, đăng trên các báo: Thái Bình, Giáo dục thời đại, Tuổi trẻ, Đại đoàn kết, Lao động...

Tôi thực sự xúc động, hết sức khâm phục đến kinh ngạc vì một người đã ở tuổi "Thất thập cổ lai hy", gầy yếu như ông, gia đình thì nghèo khổ, khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà ông đã làm được một việc rất lớn lao, phi thường, lặn lội suốt hơn 10 năm trời ròng rã, vượt qua nắng mưa, với một chiếc xe đạp cũ ọc ạch, ông đã mở một cuộc hành trình trên khắp đất nước, từ suốt dải Đông Tây Trường Sơn tới biên giới, hải đảo…, lần tới từng nghĩa trang liệt sỹ, tìm lại trận địa nơi chiến trường xưa để rồi tìm ra một con số khổng lồ: hơn 21 ngàn địa chỉ phần mộ liệt sỹ, sau đó báo cho ngần ấy địa chỉ các gia đình thân nhân, để họ tìm được cha, anh, chồng, con... mà từ giải phóng đến nay chưa tìm ra.

Một con số thực sự khó tin, nhưng đó lại là sự thật, một sự thật đến kinh ngạc. Hãy cứ hình dung 21 ngàn địa chỉ là ngần ấy bì thư, ngần ấy con tem, ngần ấy tờ giấy... 21 ngàn địa chỉ là 21 ngàn chặng đường ông đã đi qua. Nếu đem cộng lại những chặng đường đi bộ như thế có thể gần hết vòng quanh Trái Đất... lại còn chi phí trong hơn 10 năm qua, một số tiền cũng rất lớn, khó ai có thể ngờ tới.

Thú thực lúc đầu, tuy đọc báo như vậy nhưng tôi chưa hẳn đã tin. Mãi cho tới khi chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ, từ lúc ông nhận được thư của tôi nhờ ông tìm hộ địa chỉ quê hương của một liệt sỹ, là tiểu đội trưởng của tôi, vậy mà ông đã nhanh chóng tìm ra, rất chính xác địa chỉ mà tôi cần. Xin thú thực với ông tôi đã khóc như một đứa trẻ khi nhận được tin báo của ông. Ông biết không, suốt hơn 40 năm nay, tôi cũng đã gửi không biết bao nhiêu thư đến các cơ quan chức năng, cơ quan quân sự, đài báo từ địa phương đến trung ương... vậy mà sự khát khao đi tìm quê hương đồng đội gần như vô vọng.

Nhưng đối với ông chỉ sau vài giờ đồng hồ. Xin bày tỏ lòng khâm phục, biết ơn của tôi đối với ông, ông có biết không? Đó chính là thần tượng của tôi mà suốt chặng đường đời đã qua thần tượng ấy mãi mãi khắc sâu trong trái tim tôi. Tôi không thể không kể lại cho ông và tất cả những người bạn đã đồng hành và ngưỡng mộ ông cùng nghe…

.... Chúng tôi thuộc C7-D2-El-F2 đó là phiên hiệu của đơn vị trong chiến tranh của Đoàn Ba Gia. Mà không ai là không biết đến một đơn vị anh hùng với những chiến công vang dội như: Đường 9, Nam Lào, Bản Đông, Sê Pôn, Đồi Không Tên...

Đầu tháng 5 năm 1971 đơn vị tôi nhận lệnh chuyển sang mặt trận Lào, chiến đấu tại cao nguyên Pôlôven - Khu vực PắcXoòng - PắcXế. Trung đội tôi thắng trận liên tiếp, được mệnh danh là “Quả đấm thép” chính vì vậy nên được giao nhiệm vụ là mũi nhọn đánh chiếm cao điểm PắcXoòng, một cao điểm cự kỳ quan trọng của địch. Địa thế ở đây rất hiểm trở, ba phía đều là núi cao vực sâu, chỉ có một hướng duy nhất lên cao điểm là có thể tấn công bằng bộ binh. Vì vậy địch phòng thủ hướng này rất cẩn thận và rất tự tin về sự phòng thủ. Chúng huênh hoang nói rằng: “Một con muỗi cũng không thể lọt được qua, chứ đừng nói gì đến quân lực Bắc Việt”…

Trước những khó khăn ấy, trung đội chúng tôi tổ chức đưa trinh sát bí mật thâm nhập vào trận địa của địch để nghiên cứu địa hình, khảo sát kỹ lưỡng sự phòng bị của địch, sau đó khẩn trương đề ra phương án chiến đấu cụ thể, lựa chọn cách đánh “Nội công ngoại kích”. Nghĩa là cho một mũi đột nhập vào trận địa địch phát hoả, từ trong đánh ra, bất ngờ tiêu diệt sinh lực địch, làm rối loạn trận địa; Mũi thứ hai chia hai cánh tả hữu, vừa yểm hộ phía sau cho nhau vừa tấn công trực diện, mũi đột nhập do tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm của chúng tôi chỉ huy. Do đã có sự tính toán kỹ từ trước, trận chiến đấu diễn ra hoàn toàn bất ngờ, địch trở tay không kịp, chỉ sau hơn 30 phút đồng hồ, chúng tôi đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch đang chiếm giữ cao điểm Pắcxoòng, mà không hề có một tiếng súng nào của địch bắn trả. Thắng lợi này đã khẳng định rõ tài chỉ huy, sự sáng tạo và lòng dũng cảm của tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm.

Cay cú vì đòn đau, mất trận địa, địch điên cuồng gọi máy bay đến oanh tạc, pháo tầm xa nã tới, hầu như có bao nhiêu bom đạn ở vùng Hạ Lào, đều được chúng huy động đến đây, trút lên đầu chúng tôi. Hết những đợt mưa bom, bão đạn, địch lại điên cuồng dùng lực lượng “Bảo vệ” trận địa pháo ở gần đó, phản kích hòng chiếm lại cao điểm. Chúng đổ đạn xối xả như vãi trấu, la hét xông lên như một lũ thiêu thân...

Tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm của chúng tôi vẫn bình thản, điềm tĩnh ra lệnh: Phải để địch đến thật gần mới được nổ súng.

Khi những tên lính địch hiện ra qua làn khói đạn, nghe rõ từng hơi thở hồng hộc của chúng. Đã có nhiều thằng tưởng rằng chúng tôi không thể nào tồn tại sau những trận bom dày đặc như mưa đổ xuống, chúng thậm chí còn kéo lê súng bước khật khưỡng như thằng say rượu. Bất ngờ anh Lâm ra lệnh: Bắn.

Chúng tôi nhất tề nổ súng, địch khựng lại, từng loạt xuyên táo quật ngã hàng lọat những tên địch liều lĩnh đi đầu. Quá bất ngờ, hoảng hốt trước cánh đánh gần, táo bạo, gan dạ, dũng cảm của tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm, địch cuống cuồng la hét nhau rút chạy như một đàn vịt. Tưởng như vậy đã xong - anh Lâm hô lớn: Xung phong...

Chúng tôi bật ra khỏi hào, quét đạn tới tấp sát lưng địch, xác địch chồng chất lên nhau như ngả rạ. Vài tên đi sau cùng còn xót lại, bán sống bán chết chạy tháo thân sang đồi bên cạnh cao điểm. Tranh thủ cơ hội ấy, chúng tôi thu lượm vũ khí của địch để trang bị cho mình, đủ điều kiện có thể đánh dài ngày giữ chốt...

Máy bay địch ập đến, tiếng bom nổ gần ùng ục, òa òa. Tai tôi chỉ nghe tiếng u u o o như đàn nhặng. Hết bom lại pháo kích, địch kêu thêm lực lượng tụ ở dưới chân cao điểm bắn đổ đạn lên chốt hò hét tiến lên. Nhưng không một bóng nào dám xuất hiện vì cú đánh giáp mặt của anh Lâm, đã dạy cho chúng biết thế nào là "Cộng sản". Khói lửa vẫn mịt mùng đen đặc, không một tia ánh sáng nào lọt qua…

Tiểu đội tôi tìm lại nhau chỉ tìm theo tọa độ. Khi đến vị trí chỉ huy của anh Lâm, lúc đó mới thấy anh ngã vật xuống hào, hai tay ôm chặt lấy chiếc mũ cối, tôi lao đến mới biết anh Lâm đã bị thương rất nặng ở bụng, ruột sổ ra nằm trong chiếc mũ cối anh đang giữ. Máu đổ ra đã đen quánh dưới chỗ anh nằm. Anh nói trong hơi thở đứt quãng: Các đồng chí... các em... quyết chiến đấu đến cùng, phải giữ chốt bằng được cho đơn vị... Anh ra hiệu bằng cái đầu khẽ nhúc nhích, chúng tôi ghé sát tai nghe, anh thều thào nói tiếp: Sau này chiến tranh kết thúc... em nào còn sống sót trở về, nhớ tìm đến quê anh ở Thái Bình... kể lại kỷ niệm trận đánh này cho gia đình anh nghe. Chúng tôi từng người ghé sát xuống anh, anh đặt đôi môi khô ráp hôn chúng tôi. Người tiểu đội trưởng kiên cường, dũng cảm của chúng tôi đã thanh thản ra đi trong vòng tay của đồng đội... Tiểu đội chúng tôi hy sinh mất ba. Còn lại 6 tay súng. Cũng lúc ấy đơn vị tăng cường lực lượng, chúng tôi gấp rút củng cố trận địa để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu tiếp theo.


Ông Lê Văn Cam bên chồng thư hồi âm của thân nhân liệt sĩ.


Thưa ông Cam!

Chiến tranh kết thúc, Bắc Nam sum họp một nhà, trong niềm vui vô bờ bến ấy, chứa đựng bao đau thương. Biết bao hậu quả tàn khốc của chiến tranh để lại, mãi mãi khôn nguôi. Bao chiến sĩ hy sinh nơi chiến trường, và bao chiến sĩ hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước, hy sinh một phần cơ thể, còn mang trong mình bao mảnh đạn, mảnh bom. Chất độc da cam của quân thù đã để lại những di chứng đau thương - người chiến sỹ vẫn đang phải gánh chịu, sự hy sinh mất mát ấy không gì có thể bù đắp nổi.

Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt, cuộc sống mới bừng lên, sự hưng thịnh phồn vinh ấm no hạnh phúc không còn là ảo ảnh xa vời mà đã là “thực mục sở thị”. Khó có thể tin rằng mình đang sống như ngày hôm nay... Nhưng trong cuộc sống cơ chế thị trường hiện tại, đây đó vẫn còn nhiều điều nhức nhối. Người chiến sỹ vẫn phải vật lộn đối mặt với cuộc sống đời thường, mâu thuẫn nảy sinh gần như một quy luật.

Một thế hệ trẻ tràn đầy sức sống không phải trải qua bom đạn chiến tranh, được trang bị đầy đủ tri thức văn hoá phơi phới đi lên...

Một lớp người tuổi xuân gửi lại chiến trường sức lực gần như cạn kiệt, còng lưng gánh vác hậu quả chiến tranh. Kẻ giàu - người nghèo cũng dần được phân định rõ. Người chiến sỹ lại thêm một lần vật lộn với chính mình.

Để chiến thắng chính mình quả là một cuộc chiến gay go không kém phần khốc liệt, đôi khi còn phải trả một cái giá quá đắt. Tôi cũng như nhiều đồng đội khác, mảnh đạn vẫn găm trong cơ thể, di chứng chất độc da cam vẫn âm ỉ tàn phá - nó chẳng hề buông tha bất cứ một ai.

Nhiều khi tôi như sắp gục gã trước những nỗi đau mất mát của chiến tranh. Nhưng trấn tĩnh lại tôi kịp nhận thấy rằng: Mình vẫn còn là người rất may mắn, vẫn còn sống sót được trở về, còn được nhìn thấy quê hương, thấy đồng chí, đồng đội như ngày hôm nay. Lời nói của tiểu đội trưởng Tô Ngọc Lâm còn văng vẳng bên tai, anh và bao đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường xưa cho cuộc sống yên vui hạnh phúc như ngày hôm nay. Tôi như người có lỗi và chính đó là động lực thôi thúc tôi vươn lên trong cuộc sống.

Ông Cam kính mến!

Từ khi nhận được sự giúp đỡ của ông, tôi tìm về quê gia đình liệt sỹ Tô Ngọc Lâm thực hiện lời anh trước lúc hy sinh.

Những giọt nước mắt nghẹn ngào cảm động nén lại suốt hơn 30 năm qua tuôn rơi. Gia đình anh Lâm coi tôi như ruột thịt, tôi đã toại nguyện lời hứa trước vong linh người tiểu độ trưởng đã anh dũng hy sinh cho cuộc sống chúng ta hôm nay. Nhưng còn một điều nữa khiến tôi luôn day dứt, day dứt không yên, ông biết đó là điều gì không? Là ông, vâng chính là ông đấy...

Nhịp sống mới đang hối hả. Người ta lao vào làm giàu, lo toan tính toán cho gia đình, lo toan chỗ đứng, lo toan địa vị, đó đây không thể tránh được sự bất chấp thủ đoạn. Đạo đức tình cảm của con người đôi khi được tính toán bằng “giá cả”. Tình cảm cha mẹ, anh chị em thân thích ruột thịt đôi khi cũng được đem “cân đong” theo cơ chế thị trường. Cuộc chiến tranh vĩ đại nhất của dân tộc cũng trở thành mờ nhạt trước một số người. Di tích lịch sử văn hoá của đất nước đã có lúc bị tàn phá không thương tiếc. Thông tin đại chúng đã từng đưa tin, ngay chính học sinh phổ thông cũng không mặn mà gì với môn học Lịch sử của đất nước. Vì vậy điều tất yếu cũng sẽ phải xảy ra. Đó là đôi khi nhìn thấy những thương binh, những người chiến sỹ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho cuộc sống hôm nay; Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn, khó có điều kiện để làm giàu... có khi còn bị nhìn bằng ánh mắt rất xa lạ. Cũng chính vì thế sự đền ơn đáp nghĩa đôi khi trở thành một hình thức hời hợt.

Suốt hơn 10 năm qua, ông đã âm thầm chịu đựng, vượt qua bao khó khăn gian khổ, để có được con số 21 ngàn địa chỉ liệt sỹ phải tìm kiếm, phải liên lạc, hàng ngàn km đường xa. Quả là một sự hy sinh rất lớn lao, vậy mà đã có nơi họ cho ông là “gián điệp”, là “kẻ gian” cản trở công việc của ông, có nơi họ còn bắt giữ ông không cần sự thanh minh lý giải. Khó có thể diễn tả nổi tâm trạng đang xúc động, cảm phục, kính nể của tôi đối với ông.

Không ai có thể nghĩ rằng trong cuộc sống đương đại lại có thể có một người chịu đựng một sự hy sinh quá lớn, ông đã vượt lên chính mình, vượt lên tất cả chỉ vì một suy nghĩ - một suy nghĩ rất giản dị của ông... “Tôi cho đó là sự đền ơn đáp nghĩa tuy có khó khăn thiếu thốn, đó là sự thật - nhưng không thấm vào đâu so với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội, đồng bào mà nhờ đó chúng ta mới có ngày hôm nay”. Được tận mắt chứng kiến cảnh nhà dột nát, cái giường cũ ọp ẹp, chiếc xe đạp cũ kỹ, cọc cạch, trơ trụi như thân gầy của ông mới thấy hết giá trị to lớn của việc ông làm. Tôi hiểu tất cả cho con số 21 ngàn địa chỉ kia. Điều kinh ngạc của tôi là sự bình thản của ông - hầu như ông không bận tâm đến những gì khác ngoài những việc ông đang làm.

Hàng đoàn khách, những gia đình thân nhân liệt sỹ khắp nơi tìm về với ông, chỉ mỗi việc tiếp khách, tìm địa chỉ, tra cứu sổ sách, ghi chép, trả lời - nếu là một cơ quan lưu trữ - thì hàng chục người có chuyên môn được đào tạo, cùng thiết bị hiện đại cũng phải mất rất nhiều thời gian. Vậy mà ông - ông làm việc như thế đấy - không lương - không chế độ - không một sự hỗ trợ nào. Vậy mà ông vẫn bình thản coi đó như là một việc đương nhiên.

Có một điều tôi thấy thật ngạc nhiên, ngạc nhiên đến không thể ngờ được: Việc làm của ông không phải ít người biết đến - hàng chục tờ báo có uy tín viết về ông từ hơn chục năm nay và thực tế đã chứng minh rất cụ thể về việc ông đã làm, vậy mà làm sao vẫn không lọt vào mắt những cơ quan chính sách xã hội hiện tại. Biết rằng ông không bao giờ muốn người khác nói về mình - thế nhưng nhìn hoàn cảnh của ông, tận mắt thấy nghĩa cử cao đẹp của ông, nhìn một chiến sỹ, một cựu chiến binh như thế - thử hỏi tôi là ai - làm sao không thể không day dứt về ông.

Thay mặt cho những đồng đội của liệt sỹ Tô Ngọc Lâm - xin chân thành cảm ơn ông. Tôi sẽ mang điều “day dứt” về ông, về một sự hy sinh cao cả, hết lòng vì đồng đội, đền ơn đáp nghĩa với 21 ngàn liệt sỹ - không thể làm gì khác hơn - tôi đành cầu nguyện tới 21 ngàn vong linh liệt sỹ hãy về với ông - giúp đỡ cho ông vượt qua khó khăn thách thức, để sống trọn niềm tin, thắm mãi nghĩa tình đồng đội.

                                     (Ghi theo lời kể của NS Nguyễn Văn Liền,
           Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục văn hóa Việt)

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
2024-04-18 11:46:40

Lời chia buồn

Nhận được tin Cụ La Đức Đan là thân phụ ông La Đức Hùng- Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng đã tạ thế vào hồi 23h20’ ngày 17/04/2024 (tức ngày 9/3 năm Giáp Thìn), tại Lào Cai. Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên của Tạp chí điện tử Hoà nhập gửi tới ông La Đức Hùng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng và gia quyến lời chia buồn sâu sắc.
2024-04-18 11:29:00

Chủ tịch HĐND Hải Phòng thăm cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ

Chiều 17/4, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập đi thăm, tặng quà thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến - những người đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
2024-04-18 09:36:19

Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm chiến sĩ Điện Biên ở Hải An

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hiện đang sinh sống tại địa bàn quận Hải An.
2024-04-18 09:28:29

Nam Định: Thành lập Hội Thương binh nặng tỉnh

Đồng chí Nguyễn Trung Sơn - Trưởng Ban vận động thành lập Hội được bầu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2024-2029.
2024-04-17 18:18:05

Khách hàng HDBank rộn ràng nhận thưởng “tiền tỷ”

HDBank hoàn tất trao thưởng 10 sổ tiết kiệm giá trị cao cho 10 khách hàng may mắn nhất trong chương trình “Khai Xuân Đắc Lộc - Năm Mới Phát Tài cùng HDBank”. Tỷ phú đầu năm 2024 của HDBank đến từ xứ rừng ngập mặn - huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
2024-04-17 16:35:01
Đang tải...