28 người dân tộc Đan Lai đi bộ từ Bình Dương về Nghệ An
Bình Dương một ngày đầu tháng 10, từng dòng người cõng theo lỉnh kỉnh thứ đồ trên lưng, men theo các trục đường lớn đi bộ về cửa ngõ phía Bắc. Khi đèn đường còn chưa kịp sáng, họ gọi nhau, nhắc nhở đi sát vỉa hè.
Họ hầu hết là người dân các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung đến Bình Dương làm công nhân. Đã 3 tháng nay, các nhà máy đóng cửa do dịch COVID-19, họ không còn việc làm. Hồi hương là lựa chọn duy nhất với họ lúc này.
Người dân đi bộ về quê đoạn qua tỉnh lộ DT747.
Trên tỉnh lộ DT747 đoạn qua huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi bắt gặp một nhóm 28 người đang trò chuyện với nhau bằng thứ tiếng thật lạ. Nhiều người trong số họ không mang giày dép.
Dừng xe hỏi chuyện, chúng tôi nhận được ánh nhìn dè chừng từ họ. Vẫn là thứ tiếng khó hiểu đó, họ bảo nhau rồi gật đầu "bầu" một người tiếp chuyện chúng tôi. "Đi về quê... Nỏ có tiền nộp cho nhà trọ nên đi về quê", người đại diện nhìn chúng tôi trả lời.
Người được bầu làm đại diện đoàn là chị La Thị Lý. Đoàn của chị Lý đều là người Đan Lai - dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Từ đầu năm, chị cùng chồng là anh Lu Văn Sửu và mọi người đón xe đò rời xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vào Bình Dương mưu sinh.
Thế nhưng, vào Bình Dương được vài tháng, chỗ ở vừa ổn định để bắt đầu công việc thì dịch tới. Thất nghiệp, lựa chọn về hay ở làm vợ chồng chị trằn trọc nhiều đêm. Cuối cùng, anh Lu Văn Sửu quyết định ra về.
"Tui ở lại, định chờ hết dịch rồi đi mần kiếm tiền gửi về cho chồng nuôi con, rứa mà dịch đến giờ không hết. 3 tháng rồi, công ty vẫn đóng cửa, chưa được đi mần nên tụi tui về. Hết tiền rồi, mỗi người giờ còn có vài trăm nghìn trong người, ở lại thì lấy tiền mô nộp cho nhà trọ. Phải về, phải về!", chị Lý kể.
Tiền không, xe máy không, xe đạp cũng không, nhóm người Đan Lai quyết định đi bộ. Họ biết rõ hành trình 1.400km không hề dễ dàng, có thể mất một tuần, một tháng hay nhiều hơn thế nữa, nhưng rồi họ vẫn quyết lên đường.
Hồi hương là lựa chọn duy nhất với họ lúc này
Hành trang mang theo của mỗi người là những gói mì, những chai nước lọc, xoong nồi và vài bộ quần áo. Xuất phát từ sáng sớm, song đến chiều tối họ vẫn chưa thể ra khỏi địa phận Bình Dương.
"Tụi tui tính đi bộ nửa tháng là về đến nhà. Một gói mì tôm 3 nghìn, mỗi ngày ăn 2 gói, 15 ngày 30 gói là hết 90 nghìn. Thêm tiền nước và phát sinh nữa, tụi tui tính tất cả hết khoảng 300 nghìn mỗi người. Về nhà, ăn thì có lúa tự gieo, rau tự trồng, không phải trả tiền nhà trọ. Không giàu nhưng không mắc nợ, không chết đói", chị Lý nói.
Khi chúng tôi hỏi vì sao có một số người trong đoàn dù có dép nhưng lại đi chân trần, chị Lý chỉ vào ngón chân út sưng tấy: "Mang dép đi bộ nhiều, sưng, đau, phải tháo ra".
Chúng tôi để ý, 27 người đi cùng chị La Thị Lý đều rất kiệm lời. Có thể vì họ ngại, cũng có thể vì họ sợ tiếp xúc với người lạ, hoặc vì một lý do nào đó họ không muốn chúng tôi chụp hình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.