Đã bớt lo về u xơ tuyến tiền liệt
Bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt nếu không được phẫu thuật thường phải “đeo bám” nhà vệ sinh suốt ngày đêm vì bí tiểu. Nhưng khi mổ xong lại không thể tự chủ trong việc đi tiểu và cũng mất luôn khả năng “lâm trận”. Nay tình hình đã khác.
10 năm “bí bách”
Các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai vừa thực hiện nút mạch tiền liệt tuyến để điều trị cho bệnh nhân N.V.H - 57 tuổi, trú ở Hà Nội. Bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt gần 10 năm, dù được điều trị bằng thuốc nhưng cách đây 3 năm khối u lớn dần, ông H. rơi vào tình trạng tiểu khó, tiểu nhiều lần và buốt.
Có những đêm ông H. phải dậy 5-6 lần để đi tiểu, mỗi lần ông phải đứng 5-10 phút. Thậm chí có lần ông phải nhập viện cấp cứu do bí tiểu đột ngột, bụng dưới căng lên rất đau tức, vật vã.
“Tôi đã nhiều lần đi khám, được bác sĩ cho biết nếu bí tiểu quá thì có thể phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cảnh báo nếu mổ, tôi sẽ hết “bí bách” nhưng có thể không tự chủ được việc đi tiểu, bị tiểu són, phải đóng bỉm thường xuyên. Đã thế, cảm hứng và khả năng “chinh chiến” cũng không còn trong khi bà xã tôi mới hơn 40 tuổi. Thử hỏi cả ngày phải đóng bỉm đi làm, đi chơi thì làm sao tôi có thể sống nổi” - ông H. kể.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi. Từ 6 tháng nay, ông H. vui khỏe trở lại chỉ nhờ một vết mổ 2 mm của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Không chỉ hết bí tiểu mà sức khỏe của ông cũng hồi phục, ngay cả chuyện “quan hệ” trước kia gặp khó khăn nay đã được cải thiện.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hiền, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai, ông H. đã được phẫu thuật “nút động mạch tuyến tiền liệt”. Đây là kỹ thuật mới, được Bệnh viện Bạch Mai thực hiện từ tháng 2-2014, đến nay đã đưa vào điều trị cho 21 bệnh nhân, trong đó có người bị khối u to tới 120 g, gấp 6 lần trọng lượng tuyến tiền liệt bình thường.
Để thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ rạch một đường nhỏ 2 mm phía trong đùi, luồn dây ống thông nhỏ dưới 1 mm vào động mạch, sau đó bơm những hạt nhựa vào các mạch máu nuôi u xơ, bịt kín lại. Do mạch máu được bịt kín nên u xơ bị cắt nguồn dinh dưỡng, không thể lớn thêm và lâu dần teo nhỏ, từ đó giảm hoặc hết tình trạng bí tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu đêm…
“Khối u không biến mất nhưng sẽ teo nhỏ tối đa và không chèn ép vào các bộ phận khác của tiền liệt, “khơi thông” dòng chảy, giúp bệnh nhân không còn khốn khổ mỗi khi đi tiểu, đồng thời các chức năng khác cũng phục hồi tốt” - bác sĩ Hiền cho biết.
Bệnh của hầu hết đàn ông
GS-TS Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - cho biết u xơ tuyến tiền liệt là căn bệnh mà hầu hết đàn ông đều mắc phải. Các nghiên cứu cho thấy 50% đàn ông trên 50 tuổi bị phì đại tuyến tiền liệt, tỉ lệ này ở tuổi trên 80 là 90%. “Do có nhiều biến chứng khi phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở để bóc tách khối u nên nhiều đàn ông rất khốn khổ khi bị u xơ tuyến tiền liệt. Và nhiều người sau phẫu thuật phải đóng bỉm và trở nên “bất lực” đều cho biết sống không bằng chết” - GS Thông cho biết.
Các nghiên cứu cho thấy 70%-90% bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt sau khi mổ bóc tách u bị xuất tinh ngược, không thể có con bằng phương pháp tự nhiên, không còn “cảm giác” khi quan hệ tình dục hoặc rối loạn cương, 7%-10% trường hợp phải đóng bỉm vì chứng đi tiểu không tự chủ được.
Theo GS Thông, u tuyến tiền liệt không chỉ gây ra chứng bí tiểu mà để lâu có thể dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm như sỏi bàng quang, nhiễm trùng niệu tái diễn, bí tiểu mạn tính, suy thận, giảm khả năng tình dục. “Có người bí tiểu đến mức vỡ cả bàng quang, phải cấp cứu.
Việc cố sức “rặn” khi đi tiểu cũng khiến huyết áp tăng, có nguy cơ vỡ động mạch não” - GS Thông chia sẻ thêm. Hiện nhiều bệnh nhân bị u xơ tuyến tiền liệt được chỉ định dùng thuốc, tuy nhiên theo GS Thông, giá thuốc khá đắt, mỗi tháng bệnh nhân phải tốn từ 1-1,5 triệu đồng. Bệnh nhân dùng thuốc cũng có thể mắc chứng bí tiểu cấp hoặc gặp các tác dụng phụ như huyết áp hạ, rối loạn phóng tinh, yếu sinh lý.
Theo bác sĩ Hiền, với kỹ thuật can thiệp nút mạch, tình trạng phì đại tuyến tiền liệt càng lớn, can thiệp càng dễ dàng. “Với bệnh nhân được phẫu thuật, tỉ lệ thành công và cải thiện các biến chứng lên đến 95%. Không có biến chứng giảm chức năng sinh dục và rối loạn cương dương” - bác sĩ Hiền chia sẻ.
Được BHYT chi trả
Theo GS Phạm Minh Thông, hiện một ca mổ nút mạch u xơ tuyến tiền liệt có giá 10-12 triệu đồng. Kỹ thuật này cũng đã được quỹ BHYT chi trả từ 80%-100%. Tới đây, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tích cực chuyển giao kỹ thuật này đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để nhiều bệnh nhân có cơ hội tiếp cận với một kỹ thuật điều trị tối ưu mà không phải gây mê, không truyền máu, thời gian nằm viện ngắn; không gây các biến chứng xuất tinh ngược, hẹp niệu đạo, mất khả năng tình dục…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.