6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của ngành Ngân hàng
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ Hội nghị đề ra và đề nghị Ban lãnh đạo NHNN tập trung chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nhiệm vụ CCHC trọng tâm và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường, thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, kiến tạo môi trường kinh doanh…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tạị Hội nghị .
Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý ngành Ngân hàng một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, coi đây là động lực, giải pháp để hoàn thành những mục tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hiện đại hóa hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của NHNN và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, phục vụ đắc lực cho các mục tiêu phát triển KT-XH đất nước giai đoạn tới.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo hệ thống pháp luật ngân hàng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng và tiền tệ trong giai đoạn tới. Tập trung vào đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền... Hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định về xử lý nợ xấu; về ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại, tăng cương thanh tra giám sát, không để xảy ra các vi phạm của các ngân hàng như trước đây, dẫn đến phải xử lý vi phạm, truy tố hình sự. Đội ngũ thanh tra giám sát này phải chuyên nghiệp, nắm vững nghiệp vụ, có phẩm chất liêm khiết, trong sạch, không bị cám dỗ…
Ba là, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 27/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh cải cách tài chính công, triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ về tài chính đối với từng loại hình tổ chức.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, thực hiện tốt việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Xây dựng ngành Ngân hàng trong sạch vững mạnh, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm để bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường tốt công tác quản lý nhà nước để các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Tổ chức triển khai có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác cải cách TTHC, như: Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử... Tổ chức triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, gắn kết chặt chẽ với CCHC, nhất là TTHC, nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững. Tập trung hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử đến năm 2025. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Sáu là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả Chỉ số CCHC trong theo dõi, đánh giá; quan tâm việc triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan của ngành ngân hàng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải CCHC...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.