Bà quản trang kể chuyện linh thiêng bên mộ liệt sĩ

2021-03-04 08:00:00 0 Bình luận
Gần 40 năm qua, ngày ngày một mình bà đến dọn cỏ, thắp nhang, ngồi trò chuyện, khóc cùng những mộ phần nơi nghĩa trang liệt sĩ.

Hằng ngày, khi ra nghĩa trang chăm sóc, quét tước, bà giữ thói quen trò chuyện cùng người đã khuất. Đôi khi, bà khóc cùng những ngôi mộ vô danh.

Trưa tháng Giêng, trời TP.HCM nắng nóng chói chang. Hơi ẩm tỏa ra từ vòi nước tưới cây cũng không làm bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp (68 tuổi, quản trang nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn, TP.HCM) bớt mệt.

Bà cuộn ống, tắt nước, vào văn phòng nghỉ mệt, kể cho chúng nghe tôi hành trình 40 năm chăm sóc mộ liệt sĩ của mình. Bà kể, bà mới mới đến làm việc tại nghĩa trang này vào năm ngoái.

Trước đó, bà gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân (huyện Hóc Môn) suốt 40 năm. Từ khi các liệt sĩ về nằm tại nghĩa trang Tân Xuân, bà Hiệp đã có mặt, tình nguyện đến chăm sóc mộ phần, trò chuyện cùng những người đã khuất.

“Tôi nhớ những năm 80, các chú, các bác liệt sĩ được về nghĩa trang Tân Xuân nằm. Thời điểm đó, mộ còn sơ sài lắm. Mộ bằng đất, bia chỉ là một tấm gỗ thường...”, bà Hiệp kể.

Theo bà, thời gian, mưa nắng khiến nhiều ngôi mộ bị san phẳng, bia gỗ mục nát, cây, cỏ dại mọc um tùm. Nhà gần nghĩa trang, hằng ngày, thấy cảnh bia mộ liệt sĩ gãy đổ..., bà xót xa đến “chịu không nổi”.

Thế là bà tự nguyện đến nghĩa trang dọn cỏ, dựng bia. “Tôi vun vén đất những ngôi mộ bị lở, lấy bảng học sinh làm bia, dùng bút màu hoặc dùng sơn viết lại thông tin trên bia cũ. Lâu dần thành quen, hằng ngày, tôi ra nghĩa trang nhang khói, trò chuyện cùng các liệt sĩ”, bà kể.

Ghi nhận tấm lòng nhân hậu của bà, sau này, cơ quan chức năng ký hợp đồng thời vụ, tạo điều kiện cho bà chăm sóc mộ liệt sĩ tại nghĩa trang. Lúc ấy, bà “mừng rơi nước mắt” vì có nhiều điều kiện hơn để chăm lo cho những người ngã xuống vì đất nước.

Mỗi ngày, bà đều ra nghĩa trang dọn cỏ, nhang khói cho các liệt sĩ. Năm 1987, nghĩa trang được trùng tu. Mộ liệt sĩ được xây gạch, đá hoa cương sạch sẽ, công việc của bà Hiệp cũng đỡ cực phần nào.

Không còn phải ra nghĩa trang dọn cỏ thường xuyên nhưng bà vẫn giữ thói quen thắp nhang rồi ngồi lại bên những ngôi mộ trò chuyện. Lắm lúc, bà ôm bia những ngôi mộ chưa có tên, khóc rưng rức một mình.

Bà nói, bà thương những người nằm dưới những ngôi mộ trơ trọi, cô đơn, mãi chưa được người thân, gia đình tìm đến viếng thăm, đưa về nhà. Thói quen ấy vẫn theo bà suốt 40 năm qua.

Trong ngần ấy năm và đến bây giờ, bà vẫn hay khóc cùng những người đã khuất tại nghĩa trang. Bà kể: “Lúc còn ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân, ngày nào tôi cũng ra nghĩa trang ngồi, nói chuyện với các chú, các bác liệt sĩ. Tôi nói chuyện như trò chuyện với người thân, với bạn”.

“Chiều mát, ra thắp nhang, tôi hay hỏi: “Các bác ơi, gia đình, người thân các bác có biết các bác nằm đây không? Các bác, các chú có nhớ đường về nhà không? Các bác có linh thiêng nhớ nhắn gia đình cho họ biết các bác nằm ở đây để họ đón các bác về đoàn tụ nhé…”, bà Hiệp kể, đôi mắt lại đỏ hoe, chực chờ muốn khóc.

Năm 2020, mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Tân Xuân được cải táng, di chuyển về tập trung tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn. Bà Hiệp cũng theo sang nghĩa trang này, tiếp tục giữ vị trí quản trang.

Xa nhà, bà ở luôn ngoài nghĩa trang. Hằng ngày, sau khi tưới cây, hoa, quét dọn lá cây nơi các mộ phần, bà lại đến tượng đài thắp nhang rồi gọi lớn: “Các bác, các chú ơi! Hiệp nè, quản trang nè. Trời mát rồi, các chú, các bác mau mau đến tượng đài hưởng nhang nhé…”.

Nghe những lời mời gọi thân thương ấy, chúng tôi nhận thấy rằng, bà vốn đã xem người nằm dưới những mộ phần kia vẫn đang tồn tại. Bà chăm sóc, sống với họ như đang sống với người thân, bạn bè của mình.

Bởi thế, mỗi khi đi dọc những hàng mộ quét dọn, kiểm tra thông tin bia, bà đều trò chuyện, xin phép người đã khuất với giọng điều thân tình pha chút hài hước.

“Bây giờ qua nghĩa trang mới, mộ còn mới, tôi hay đi xem tên bia mộ có bị sai hay không. Khi đi, tôi cũng trò chuyện với người nằm dưới mộ. Tôi hay đùa: “Nào, bác Thắng cho con xem thử là tên bác có đúng là Thắng không hay có khi là Thẳng đấy nhé…”, bà Hiệp tâm sự.

Nhiều người đến viếng mộ, thấy bà nói chuyện, pha trò rôm rả với người đã khuất ban đầu cũng lạ. Thế nhưng, sau khi biết bà muốn những người nằm xuống bớt hoang lạnh, cô đơn, những người viếng mộ thấu hiểu và thương bà hơn.

Họ biết, bà thương yêu, gắn bó với những mộ phần liệt sĩ này đã hơn nửa đời mình. Bà gắn bó, quyến luyến đến nỗi tự hình thành một niềm tin tâm linh khó giải thích được bằng khoa học.

Ngày di dời các mộ phần từ nghĩa trang Tân Xuân sang nghĩa trang huyện Hóc Môn, bà Hiệp buồn da diết và khóc nức nở. Bà tâm sự: “Không hiểu sao, tôi không muốn rời đi và buồn vô cùng. Tôi cứ khóc mãi và luôn có cảm giác ở đây còn có người chưa được đi theo đồng đội sang nghĩa trang mới”.

“Thế rồi tôi trình bày với chính quyền cấp trên, khẳng định tại nghĩa trang còn có hài cốt các liệt sĩ chưa được phát hiện, chưa được cải táng. Trước sự quả quyết của tôi, cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị thi công quay lại tìm. Không ngờ, họ tìm thêm được 6 bộ hài cốt dưới các mộ đã được cải táng. Lúc này, lòng tôi mới nhẹ nhàng, thanh thản”, bà nói.

Bà kể thêm rằng, suốt những năm chăm sóc mộ liệt sĩ, bà khóc rất nhiều. Bà khóc vì thương những người nằm dưới những ngôi mộ vô danh, trơ trọi giữa những mộ phần đầy hoa trái, có tiếng nói cười của người thân đến viếng.

Bà Hiệp kể: “Có lần, gia đình ngoài Bắc vào tìm, phát hiện con, cháu mình là liệt sĩ, đang nằm trong nghĩa trang.

Họ vui mừng, xúc động, ôm mộ mà khóc nức nở. Thấy vậy, tôi cũng không kìm được cảm xúc rồi khóc theo. Dù xa lạ nhưng họ ôm lấy tôi khóc. Chúng tôi cùng khóc với nhau đến lả người”, bà tâm sự.

Mới đây, bà lại khóc khi chứng kiến người thân các liệt sĩ ở xa không thể đến tham dự lễ cải táng, đưa các anh về nơi ở mới. Và, bà biến những buồn thương ấy thành nhiệt huyết, động lực để chăm sóc các mộ phần, làm đẹp nghĩa trang.

Thương bà nửa đời lam lũ, một mình chăm sóc mộ liệt sĩ, các con của bà khuyên mẹ nghỉ làm vì tuổi đã cao. Thế nhưng, bà kiên quyết từ chối về nhà an hưởng cùng con cháu để gắn bó với công việc chăm sóc mộ liệt sĩ.

Bà nói: “Thấy tôi cực, mấy đứa con cũng khuyên tôi nghỉ hoài. Chúng nó tôi làm mâm cơm, chia tay các chú, các bác ở đây rồi về nhà, để người khác chăm sóc, giữ gìn. Nhưng tôi không chịu, tôi nguyện còn sống ngày nào là chăm sóc, lo cho các chú các bác ngày đó. Chừng nào không còn sức, không làm nổi nữa mới thôi”.

*Tít bài đã được thay đổi.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Lễ Công bố quyết định về Công tác tổ chức, cán bộ tỉnh Phú Thọ mới

Chiều 29/6, Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Tới dự và chỉ đạo tại Lễ công bố có đồng chí Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Duy Đông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
2025-07-02 15:24:07

Sun Group ra mắt tổ hợp căn hộ cao cấp giữa lòng Thủ đô

Sun Property, thành viên Tập đoàn Sun Group tự hào ra mắt Sun Feliza Suites – tổ hợp căn hộ hướng tới tiêu chuẩn 6 sao tọa lạc tại vị trí vàng trung tâm Cầu Giấy (Hà Nội). Với thiết kế đẳng cấp, tiện ích vượt trội, dự án mang đến chuẩn mực sống tinh hoa cho giới thượng lưu Thủ đô.
2025-07-02 10:13:52

Diện mạo mới của xã Kiến Minh sau sáp nhập

Từ ngày 1/7, xã Kiến Minh chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Đông Phương, Đại Đồng, Minh Tân (thuộc huyện Kiến Thụy cũ). Là kết quả của việc triển khai Nghị quyết số 1669/NQ-UBTVQH15 về “sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại TP.Hải Phòng”
2025-07-02 08:33:47

Quy định về đóng bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 7/2025

Quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động, mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngày 1/7/2025.
2025-07-02 01:51:42

Đồng chí Trương Quốc Huy giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình

Theo Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, đồng chí Trương Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, được phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2025-07-01 15:16:42

Tiểu sử Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Đặng Xuân Phong

Sáng 30/6, tại TP. Việt Trì diễn ra lễ công bố các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính của tỉnh Phú Thọ. Trung ương chỉ định ông Đặng Xuân Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ mới nhiệm kỳ 2020 - 2025.
2025-07-01 15:06:59
Đang tải...