Bản lĩnh người lính trên "mặt trận" kinh tế
Năm 1972, dù chưa đủ 16 tuổi, nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Lưu Văn Biết tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào chiến trường Quảng Trị. Năm 1983, anh Biết hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương và xây dựng gia đình với tỷ lệ thương tích 43%. Thời gian đầu về địa phương còn bỡ ngỡ, không có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, do vậy kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, với bản chất của người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, năm 1996 CCB Lưu Văn Biết đã đưa gia đình tới Quảng Ninh lập nghiệp và bắt tay vào khai hoang, phát triển trang trại trồng rau, chăn nuôi. Đến nay, diện tích trang trại đã lên tới hàng nghìn m2 nằm tại phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả. Thương hiệu rau sạch của gia đình đã khá lớn mạnh, được nhiều hộ kinh doanh tới tận nhà thu mua.
CCB Lưu Văn Biết (thứ 3 từ trái qua) tặng quà các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ngoài trồng rau, CCB Biết còn xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật. Lúc nhiều nhất, trong vườn của gia đình ông có tới 400 tổ ong, bình quân hàng năm thu khoảng 400 triệu đồng. Có được một khoản lãi, gia đình ông còn đầu tư mua 3 ô tô khách để góp vào Công ty Cổ phần bus Vân Đồn chạy tuyến Vân Đồn – Bãi Cháy.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Lưu Văn Biết còn là hội viên gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của Hội, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện ông đang là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả.
Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương, CCB Lưu Văn Biết đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, làm giàu. Ông nhiều lần được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể biểu dương, khen thưởng là một CCB làm kinh tế giỏi, xứng đáng để làm gương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.