Bản tin Hòa Nhập 29/8/2021: Giảm tiền điện cho 3 nhóm đối tượng khó khăn do Covid-19
Theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8 của Chính phủ, các đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện cần đáp ứng 2 điều kiện.
Thứ nhất, là các khách hàng sử dụng điện gồm các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25/8 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực gồm doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.
Thứ hai, là các khách hàng mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác.
Các đối tượng này được giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng trên. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 3 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11/2021.
Theo ước tính của EVN, số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng trong đợt 5 là 650 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT).
Danh sách nhà máy, cơ sở sản xuất được giảm tiền điện do UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xác nhận trên cơ sở đăng ký kinh doanh và thực tế sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn và cung cấp cho các đơn vị điện lực.
Các đối tượng được giảm giá điện, giảm tiền điện khác tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 và Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ.
Ảnh minh họa.
TP Hồ Chí Minh: Shipper hoạt động tại quận, huyện "vùng đỏ"
Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với lãnh đạo TPHCM để bàn về vấn đề cung ứng hàng hóa.
Tổ công tác đặc biệt Chính phủ và lãnh đạo TPHCM cùng thống nhất đội ngũ shipper sẽ được tăng cường trên cơ sở đảm bảo thật an toàn vì nếu không, đây sẽ là nguồn lây rất nhanh.
Theo đó, cho shipper được phép hoạt động trở lại ở 8 quận, huyện "vùng đỏ" là Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân.
Tuy nhiên, lực lượng shipper này phải giao cho các phường (trạm y tế lưu động do quân y quản lý) tổ chức điểm xét nghiệm tại mỗi phường, ít nhất mỗi phường có một điểm.
Hằng ngày, từ 5h - 6h sáng, các shipper hoạt động tại 8 quận, huyện "vùng đỏ" sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được hoạt động.
Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" vẫn tổ chức từ trước đến nay nhưng phải tăng cường xét nghiệm 2 lần/tuần.
Bộ Y tế đề nghị xác minh làm rõ mì Hảo Hảo có chứa chất cấm
Liên quan đến thông tin mì Hảo Hảo có chất cấm, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) xác minh, làm rõ vụ việc để thông tin minh bạch tới người tiêu dùng.
Trong công văn được gửi đến Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm, sản phẩm nêu trên thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Do đó, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn số 1639/ATTP-NĐTT ngày 27.8.2021 đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo và kịp thời thông tin tới người tiêu dùng.
Trước đó, Cơ quan an toàn thực phẩm của Ireland thông báo thu hồi các lô sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo hảo (Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish) và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good (Good Spare Ribs Flavour Instant Noodle Dish) của Công ty cổ phần ACECOOK Việt Nam do phát hiện thuốc bảo vệ thực vật Ethylene Oxide không được phép sử dụng tại Châu Âu.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc, đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất, đồng thời làm rõ sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm trên để đánh giá sự xuất hiện của chất Ethylene Oxide.
Cơ quan này cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện phân phối trong nước, kiểm tra xác minh, làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
TP.HCM: Thêm 3 nhóm đối tượng được lưu thông không cần giấy đi đường
Ngày 28/8, tại buổi họp báo về tình hình Covid-19 trên địa bàn, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM nhìn nhận việc cấp giấy đi đường trong tuần qua phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, Công an TP.HCM có một số điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Thứ nhất, đối với xe chở nhân viên cùng cơ quan, doanh nghiệp thực hiện công vụ mà không có mã QR thì chỉ cần 1 người trên xe có giấy đi đường sẽ được tạo điều kiện lưu hành. Điều chỉnh này giúp các đơn vị đi làm theo kíp như điện lực, ngân hàng… thuận lợi hơn.
“Toàn bộ người trên xe phải khai báo y tế. Chỉ áp dụng cho những người cùng cơ quan đơn vị. Số người ngồi trên phương tiện đảm bảo giãn cách, không quá 1/2 sức chứa của xe”, thượng tá Hà cho biết.
Thứ 2, Công an TP.HCM cũng giải quyết vướng mắc của một số trường hợp người dân đi xét nghiệm Covid-19 như: tài xế đi xét nghiệm để làm thủ tục "luồng xanh", người đi du học, người có vé máy bay về các tỉnh thành khác. Những trường hợp này lưu thông đến cơ sở y tế theo lộ trình phù hợp và chứng minh bản thân thuộc diện đi xét nghiệm.
Thứ 3, nhân viên vận chuyển gas ở các khu dân cư; thời gian qua việc cấp giấy đi đường chưa phù hợp, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Công an TP.HCM đã thay đổi quy định cho phép người chở bình gas 12 kg trở lên (không phải bình gas mini) đi đổi gas, có giấy giao hàng, có gas trên xe, có nơi nhận và khai báo y tế thì sẽ được lưu thông.
CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng 'tố' Đàm Vĩnh Hưng không công khai tiền từ thiện
Mạng xã hội lại một lần nữa "dậy sóng" khi trong buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam), khẳng định đang giữ khoảng 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, với số tiền ca sĩ này nhận từ thiện lên đến 96 tỉ đồng, chứ không phải 1,8 tỉ đồng như Đàm Vĩnh Hưng từng công bố.
Bà Hằng nêu trong buổi livestream rằng, nếu Đàm Vĩnh Hưng không công khai bản sao kê tổng số tiền từ thiện anh nhận được, bà sẽ tung bằng chứng và nhờ pháp luật can thiệp.
Ngược lại, trên Facebook cá nhân của mình, Đàm Vĩnh Hưng thể hiện sẽ nhờ pháp luật chứng minh sự trong sạch của mình. Cụ thể, Đàm Vĩnh Hưng nêu: “Tôi Huỳnh Minh Hưng - tức Đàm Vĩnh Hưng sẽ chính thức mang câu chuyện này ra pháp luật, để chứng minh sự trong sạch của mình và lột trần trụi sự vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác của cô Nguyễn Phương Hằng”.
Việc “đưa nhau ra pháp luật” là câu chuyện cá nhân giữa bà Nguyễn Phương Hằng và Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng trước tuyên bố bà Nguyễn Phương Hằng đang giữ sao kê tài khoản ngân hàng của Đàm Vĩnh Hưng, là vấn đề đáng quan tâm.
Buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng nhắc đến Đàm Vĩnh Hưng.ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Đại học Y Hà Nội công bố điểm sàn xét tuyển năm 2021
Hội đồng tuyển sinh trường Đại học Y Hà Nội thông báo điểm sàn (điểm đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển) tuyển sinh đại học hệ chính quy dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đã tính điểm ưu tiên). Theo đó, điểm sàn dao động từ 19 - 23 điểm, cụ thể như sau:
Bảng công bố điểm chi tiết của Đại học Y Hà Nội.
Thái Bình: Bắt 2 nhân viên y tế nhận hối lộ để công nhân 'thông chốt' kiểm dịch
Tối 28/8, Công an tỉnh Thái Bình thông tin ban đầu về vụ án "đưa hối lộ" và "nhận hối lộ" xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, ngày 28/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 trường hợp.
Các quyết định đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Cụ thể, Phạm Việt Cường (sinh năm 1992, trú tại xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà và Vũ Thị Lan (sinh năm 1984, trú tại xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là cán bộ Trạm Y tế xã Tân Lễ, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Bốn đối tượng tại cơ quan công an.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.