Bản tin Hoà Nhập ngày 8/2/2022: Lượng khách du lịch tại TP.HCM tăng vọt
Cụ thể, lượng khách tham quan tại các khu điểm du lịch trên toàn địa bàn TP.HCM khoảng 300.000 lượt khách, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Khách lưu trú tại TP.HCM mang lại doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng. Khách sử dụng các dịch vụ du lịch khác như: ăn uống, vận chuyển,... là 1 triệu lượt, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng.
Lượng khách du lịch trong dịp Tết Nhâm Dần tăng mạnh so với 2 năm trước đây.
Các đơn vị kinh doanh du lịch tại TP.HCM cho biết, lượng khách trong dịp Tết Nhâm Dần tăng mạnh so với 2 năm trước đây. Trong vòng 6 ngày từ mùng 1 tới mùng 6 Tết, Khu Du lịch Suối Tiên (TP.Thủ Đức) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11) đón hơn 85.000 lượt khách tới tham quan, vui chơi, giải trí. Còn riêng hệ thống xe buýt 2 tầng tham quan thành phố thời gian dịp nghỉ Tết luôn trong tình trạng “cháy vé”.
Không chỉ khách từ các tỉnh, thành đến TP.HCM mà người dân TP.HCM đi du lịch trong dịp Tết cũng rất lớn. Hầu hết các đơn vị lữ hành đều có những đoàn khách khởi hành ngay từ mùng 1 Tết. Trong đó, từ mùng 2 đến mùng 4, Công ty Vietravel đã có 4 chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) đưa gần 1.000 khách từ TP.HCM đến Phú Quốc. Còn tại Công ty Lữ hành Saigontourist cũng phục vụ hơn 6.800 khách trong 6 ngày Tết.
53 tỉnh, thành cho trẻ mầm non và tiểu học đến trường trong tuần này
Học sinh Trường Tiểu học Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thực hiện giãn cách phòng dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Tối 7/2, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh khối mầm non và khối tiểu học đi học trực tiếp trong tháng Hai.
Trong số đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2 đến ngày 14/2.
Ở khối trung học cơ sở, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng Hai, trong đó có 57/63 tỉnh, thành phố cho 100% số học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8/2.
Ở khối trung học phổ thông, 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp vào 7/2.
Với khối đại học, 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14/2.
TP.HCM: Hơn 8.000 doanh nghiệp thành lập, hoạt động trở lại, tăng 500%
Trong tháng, TP.HCM ghi nhận số doanh nghiệp giải thể giảm. Ảnh minh hoạ.
Theo thông tin từ UBND TPHCM, đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế TPHCM đang trên đà phục hồi. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại thị trường ngày càng nhiều hơn. Trong tháng 1/2022, có 4.850 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng gần 500% so với tháng trước đó.
Trong đó, tình hình thành lập doanh nghiệp khởi sắc. Trong tháng 1/2022, có hơn 3.190 doanh nghiệp được cấp phép thành lập, tăng 24,6% so với cùng kỳ; 4.850 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 36,3% so với cùng kỳ và tăng 498,9% so với tháng trước.
Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể giảm. Tháng 1/2022, chỉ có 382 doanh nghiệp giải thể, giảm 7,73% so với cùng kỳ, giảm 27,24% so với tháng trước.
Doanh nghiệp đã làm ăn tốt hơn trong tháng vừa qua. Chẳng hạn, Khu Công nghệ cao đã đạt giá trị sản xuất hơn 1,65 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu đạt hơn 1,54 tỉ đô la, cả hai chỉ số này đều tăng 5% so với cùng kỳ.
Triệu chứng nhiễm Omicron khác nhau giữa nam và nữ
Mặc dù COVID-19 không phải là căn bệnh nhẹ đối với tất cả mọi người, nhưng hầu hết các ca nhiễm đều có cảm giác giống như cảm lạnh.
Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến của COVID-19, nhưng nghiên cứu mới chỉ ra biểu hiện này ảnh hưởng đến phụ nữ nặng nề hơn.
Một cuộc thăm dò từ ngày 23/12 đến ngày 4/1 đã khảo sát tần suất người mắc COVID-19 cảm thấy mệt mỏi. Hơn 30% nam giới cho biết họ có cảm giác đó, 40% phụ nữ phải vật lộn với sự mệt mỏi do COVID-19 gây ra.
Khi Omicron xuất hiện ở Nam Phi, một trong những triệu chứng chính là mệt mỏi. Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y Nam Phi, thông tin, các triệu chứng chính của Omicron trong giai đoạn đầu là mệt mỏi, đau nhức cơ thể và đau đầu.
Hiện đã ghi nhận khoảng 20 triệu chứng xuất hiện phổ biến ở các ca COVID-19. Đó là sổ mũi, nhức đầu, mệt mỏi, thay đổi khứu giác/vị giác và bỏ bữa... Nếu có các triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đi xét nghiệm và cách ly trong 5-12 ngày.
Hơn 90% công nhân Bắc Ninh trở lại làm việc sau Tết Nhâm Dần 2022
Ngày đầu tiên làm việc của năm mới Nhâm Dần 2022 có hơn 90% công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã quay trở lại làm việc.
Ngày 7/2, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngày đầu tiên làm việc của năm mới Nhâm Dần 2022 có hơn 90% công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn quay trở lại làm việc.
Theo đó, trong ngày 7/2, có hơn 339.000 công nhân lao động quay trở lại làm việc, chiếm hơn 90% tổng số công nhân, giảm 7% so với đầu năm 2021. Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều công nhân làm việc ca đêm nên chưa có số liệu tổng hợp. Bên cạnh đó, một số lao động xa quê, công nhân mắc F0 chưa thể trở lại làm việc.
Hiện nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và Phát triển khu công nghiệp tỉnh tổng hợp nhu cầu đón người lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán của doanh nghiệp trong khu công nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, góp phần đảm bảo sản xuất, kinh doanh thông suốt, hoàn thành mục tiêu doanh nghiệp đề ra.
Xuất xưởng lô máy tính bảng 100.000 chiếc do Chính phủ phát động
Máy tính bảng được xuất xưởng tại Danang IT Park.
Sáng 7/2, Công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (Danang IT Park thuộc Trung Nam Group) tổ chức ra quân đầu năm và xuất xưởng lô máy tính bảng 100.000 chiếc thuộc chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.
Lô hàng máy tính bảng là sản phẩm giáo dục có ý nghĩa để cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo đa dạng hóa các hình thức dạy học trong bối cảnh hiện nay. Sản phẩm này ra đời cũng góp phần đa dạng hóa và phong phú các sản phẩm công nghệ và thông tin vì cộng đồng.
Tăng hơn 250 chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất sau kỳ nghỉ Tết
Hàng dài người chờ vào khu vực soi chiếu an ninh trước khi lên máy bay.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng cao đột biến đến các tỉnh phía Nam, đặc biệt qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau nghỉ Tết của hành khách, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không tập trung nguồn lực về tàu bay, tổ bay để tăng chuyến trên các đường bay từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.
Cụ thể, từ ngày 7-10/2, các hãng dự kiến tăng 251 chuyến. Một số chặng bay tăng cao như Hà Nội - TP.HCM tăng 48 chuyến, Đà Nẵng - TP.HCM tăng 43 chuyến, Hải phòng - TP.HCM tăng 26 chuyến, Huế - TP.HCM tăng 25 chuyến; Chu Lai - TP.HCM tăng 27 chuyến; Thanh Hóa và Vinh - TP.HCM đều tăng 23 chuyến.
Ngoài số chuyến bay tăng nêu trên, các chuyến bay thường lệ và tăng chuyến đã được cấp phép trong 4 ngày nêu trên đạt 3.180 chuyến, cung ứng hơn 667.000 ghế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.