Thông tin kinh tế tài chính ngày 8/6/2021: Lãi suất ngân hàng đang đà tăng?
Giá vàng hôm nay 8/6: Nguy cơ giảm giá lộ rõ
Giá vàng hôm nay 8/6 trên thị trường quốc tế khá yếu và nguy cơ giảm tiếp trong ngắn hạn đã tăng lên trong bối cảnh đồng USD hồi phục tạm thời khi mà đồng euro và bảng Anh giảm khá mạnh. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn tươi sáng.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/6, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,60 - 57,20 triệu đồng/lượng (mua - bán) giảm 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày. Chênh lệch giá mua – bán hiện là 600.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 56,65 – 57,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch ngày 7/6. Chênh lệch giá bán cao hơn giá mua là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng có nguy cơ giảm rõ rệt
Trên thị trường thế giới, cuối giờ chiều 7/6 (theo giờ Việt Nam) giá vàng giao dịch được niêm yết trên Kitco là 1.885,6 USD/oz, giảm 2,2 USD/oz so với mở phiên giao dịch.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 23.070 VND, giá vàng thế giới tương đương 52,41 triệu đồng/lượng, thấp hơn 4,79 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cùng thời điểm./.
Chứng khoán: Canh chốt lời để bảo vệ thành quả
Sau phiên đảo chiều giảm hơn 15 điểm trong phiên 7-6 của VN-Index, một số công ty chứng khoán đã bắt đầu khuyến cáo nhà đầu tư nên chốt lời, bảo vệ thành quả lâu nay.
VN-Index đóng cửa phiên ngày 7-6 đã giảm 15,27 điểm, xuống 1.358,78 điểm. VN30 giảm 24,25 điểm còn 1.484,10 điểm. HNX-Index cũng giảm 12,27 điểm, xuống 317,49 điểm.
Thanh khoản trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) giảm nhẹ so với phiên trước, với giá trị giao dịch gần 29.000 tỉ đồng và hơn 5.500 tỉ đồng trên HNX. Khối ngoại tiếp tục bán ròng, với giá trị bán trên 700 tỉ đồng cả hai sàn. Các mã chứng khoán ngân hàng và chứng khoán được chốt lời mạnh, nhưng cũng có lực cầu mua vào nên sức giảm cuối phiên ít hơn trước. Trong phiên này, các nhà đầu tư đã giao dịch trong trạng thái "mù" vì đặt lệnh nhưng bảng điện không thể hiện.
Lãi suất ngân hàng sẽ điều chỉnh cuối quý II/2021?
Với tình trạng lãi suất liên ngân hàng nhích tăng và nhiều tổ chức tín dụng cũng có dấu hiệu bật đèn đua huy động.
Mới đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động và hoặc giữ niêm yết lãi tiết kiệm ở mức cao.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3%/năm với các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 và 24 tháng lần lượt được SHB áp dụng là 5,8 và 6,55%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất gửi tiền tại quầy là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) triển khai gói tài khoản Đắc Lộc với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với lãi suất gửi tiết kiệm truyền thống.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) áp dụng lãi suất 8,2% cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng và kỳ hạn 13 tháng – đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên toàn hệ thống. Xếp "á quân" lãi suất huy động kỳ hạn dài sau đó là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 7,4%/năm cho khoản tiền từ 30 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng huy động 7,2%/năm cho khoản tiền từ 200 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và không tất toán trước hạn...
Việc các ngân hàng tăng huy động tạm thời cho thấy có nhu cầu hút vốn để đáp ứng cầu tín dụng đang vào chu kì tăng mạnh, song các ngân hàng về cơ bản vẫn dồi dào thanh khoản. CTCK SSI cho rằng áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn vẫn chưa xảy ra. "Về lạm phát, giá nguyên liệu đầu vào vẫn trên đà tăng mạnh, nhưng sự tác động của các yếu tố này lên chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam là hạn chế, sức tiêu thụ trong tháng 5 cũng thấp hơn kỳ vọng (do có sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19) cũng ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả. Số liệu tháng 5 cho thấy CPI chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ. Dịch bệnh lan rộng trong làn sóng COVID thứ 4 dẫn tới nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội cục bộ, bao gồm cả TP HCM, chúng tôi cho rằng áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng trong ngắn hạn là không đáng kể", SSI đánh giá.
Bộ phận Phân tích của SSI cũng cho rằng nguồn cung VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định "Đặc biệt sẽ có một lượng nội tệ lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7, 8 tới. Vì vậy, vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc", SSI Reseach nói thêm.
Trong khi đó, loại trừ yếu tố dịch bệnh xảy ra bất khả kháng ngoài dự đoán, đầu 2021, World Bank Việt Nam cũng đưa khuyến nghị rằng Việt Nam có thể xem xét tăng lãi suất trở lại để siết chặt chính sách tiền tệ, cùng với việc xem lại việc mở rộng tài khóa để trở về củng cố, tích lũy bộ đệm tài khóa-tiền tệ vững vàng vào giữa năm 2021, tức sẽ vào cuối quý II hoặc đầu quý III.
Bất động sản: Nhà đầu tư 'tháo chạy', bán cắt lỗ condotel
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, tiếp tục tác động lớn đến thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Tình trạng chuyển nhượng condotel để cắt lỗ đang ngày càng lan rộng.
Mới đây, nhiều nhà đầu tư đã đến trụ sở của một chủ đầu tư dự án condotel tại Quảng Ninh để đòi lợi nhuận được cam kết trước đó. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, từ hơn 1 năm nay chủ đầu tư không trả lợi nhuận như cam kết với khách hàng. “Lúc mua thì chủ đầu tư cam kết 12%/năm. Họ chi trả được vài tháng đầu. Nhưng từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, chủ đầu tư trì hoãn việc trả lãi suất mà thay vào đó là voucher nghỉ dưỡng. Nhiều lần đấu tranh nhưng khách hàng không nhận được gì, bởi chủ đầu tư lấy lý do khó khăn vì dịch bệnh và hứa trả khi dịch hết”, một khách hàng mua condotel nói.
Tại Nha Trang, theo khảo sát của Batdongsan.com, nhiều condotel trên đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng… đang được rao bán cắt lỗ phổ biến từ 100 đến 300 triệu đồng/căn. Cá biệt có những căn condotel trên đường Lê Thánh Tôn chấp nhận cắt lỗ 400-500 triệu đồng cũng chưa có người mua. Tại Đà Nẵng, trên các đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… nhiều chủ sở hữu của loại hình sản phẩm bất động sản này đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 200 đến 300 triệu đồng/ căn.
Một chủ đầu tư dự án căn hộ nghỉ dưỡng ở Nha Trang than thở, mặc dù mở bán từ cuối năm 2019, nhưng hiện mới bán được 350 căn trong tổng số 550 căn condotel. Chủ đầu tư này cho biết, do mở bán đúng vào thời điểm một dự án ở Đà Nẵng xù cam kết lợi nhuận khách hàng, cùng với pháp lý chưa rõ ràng nên khách hàng rất thờ ơ. Cộng thêm đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 ập tới nên số lượng căn còn lại không thể tiêu thụ được.
“Nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không chắc có cầm cự được không. Bởi dự án đã xây xong nhưng chưa bán được hết, trong khi tiền vay ngân hàng thì lãi mẹ đẻ lãi con, những căn hộ bàn giao cũng vắng khách, khiến khó khăn chồng chất”, đại diện doanh nghiệp này giãi bày.
Thị trường: chờ cú hích từ dòng tiền xuất khẩu, giá tiêu kỳ vọng chu kỳ tăng mới
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu ngày 07/06 được thu mua với mức 69.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 67.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 71.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 đồng/kg. Sáng nay, giá tiêu đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm so với cùng giờ sáng hôm qua. Giá tiêu đang chững lại trong 4 ngày gần đây.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 125 rupee/tạ, ở mức 41.400 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 3/6/2021 đến ngày 9/6/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 315,86 VND/INR.
Với thị trường trong nước, tổng hợp tuần trước, giá tiêu giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg. Trong đó các tỉnh Tây Nguyên giảm mạnh hơn Đông Nam Bộ. Vào những ngày cuối tuần giá tiêu có dấu hiệu đi ngang và chặn đà giảm.
Theo ghi nhận thực tế, hàng xuất khẩu tháng 6/2021 của các đơn vị đã bắt đầu ra cảng. Thời gian tới thị trường tiếp tục tăng mua, do vậy giá tiêu dự đoán sẽ tiếp chu kỳ tăng mới. Giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam từ đầu tháng 6/2021 đến giờ không đổi, trong khi các thị trường khác tăng nhẹ.
Hiện lượng tiêu còn lại trong dân không nhiều, lượng hàng các công ty xuất khẩu đang trữ là không đủ cho nhu cầu từ nay đến cuối năm. Do vậy, xu thế tăng vẫn là chủ đạo trong năm nay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.