Báo xuân và nhuận bút xưa
2017-01-25 19:12:31
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Báo Xuân và tiền nhuận bút từ lâu rất quen thuộc với người làm báo và văn nghệ sĩ.
Ảnh minh họa |
Đầu thế kỷ 20, báo chí Việt Nam phát triển rầm rộ vì có một công cụ vô cùng hữu hiệu, đó là chữ quốc ngữ. Đặc biệt thời kỳ Mặt trận Dân chủ, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ sâu rộng trong quần chúng, báo chí đã trở thành một hoạt động văn hóa chính trị.
Khi chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi, công chúng bạn đọc tăng mạnh. Để thỏa mãn nhu cầu đa dạng của họ, hàng loạt tờ báo và nhà xuất bản ra đời. Kinh doanh chữ nghĩa chuyên nghiệp dẫn người viết phải đảm nhiệm nhiều mục, phải luyện bút trên nhiều thể loại. Nghề báo, nghề văn không còn mang tính chơi, tính thù tạc nữa mà trở nên chuyên nghiệp hơn.
Sau một thời gian đưa báo tới tay bạn đọc, những người làm báo mới nghĩ đến việc làm một tờ báo đặc biệt trình bày đẹp, bắt mắt, bài viết hay… để thưởng thức lúc xuân sang. Thế là báo Xuân ra đời, dẫu gọi là đặc san xuân hay giai phẩm xuân đều được trình bày đẹp từ giấy, bìa màu sắc cho đến minh họa. Báo Xuân ngày nay thường mang tính tổng kết. Các bài viết thường hay, vui tươi, dí dỏm. Có bài viết về hoạt động của ngành địa phương, các sự kiện nổi bật trong năm…
Một trong những tờ báo Xuân đầu tiên ở nước ta là tờ Đông Pháp Thời Báo, ra đời năm Mậu Thìn 1928, có đăng bài “Chơi xuân” của Tân Đà, làm cho nhiều người thích thú: “Người ta sanh ra ở đời, nếu chẳng chơi thì cũng thiệt, mỗi năm một lần xuân, nếu bỏ qua cũng hoài. Vậy thời chơi xuân cũng là phải. Chơi xuân vẫn là phải, song mà cách chơi như thế nào cho lịch sự. Nhiều cách chơi xuân rất lý thú…”.
Kể đến là tờ Thần Chung, xuân Canh Ngọ 1930, Phụ Nữ Tân Văn, xuân Canh Ngọ 1930, Công Luận xuân Tân Mùi 1931, rồi Trung Lập xuân Ất Hợi 1935, Đuốc Nhà Nam xuân Ất Hợi 1935…
Nhuận bút cũng vậy, đã có từ xa xưa. Nhuận bút xưa dùng để mua mực viết.
Khi không có mực để viết, bút để lâu ngày sẽ khô, nên việc mua mực để viết gọi là “nhuận bút”. Sau này, người ta dùng từ “nhuận bút” để chỉ thù lao được hưởng cho những người làm công việc viết sách báo và soạn nhạc.
Trong chữ Hán, chữ “nhuận” có nghĩa là ướt, “nhuận bút” là bút ướt, nghĩa là cây bút được thường xuyên sử dụng. Thời nhà Tần, tiền nhận bút được trả rất cao. Có khi chỉ một bài văn bia khoảng ba ngàn chữ mà được trả hàng ngàn súc vải. Có lẽ, đây là ân huệ nhà vua ban thưởng.
Ở nước ta, cuối năm 1944 đầu năm 1945, tờ Dân Báo ở Sài Gòn chuẩn bị ra số Xuân Ất Dậu, chủ bút Tế Xuyên thấy rất cần phải có một bài thơ của tác giả có tên tuổi. Ông bèn mời Nguyễn Bính và đặt cọc trước cho chắc ăn. Chủ bút tỏ ra không “chiêu hiền đãi sĩ” lắm. Tuy vậy, ông cũng trả bài thơ “Sao chẳng về đây” làm tại xóm Dừa, Thanh Đa của thi sĩ tới 80 đồng. Giá thị trường lúc đó một xu một ly cà phê, ba xu một bát phở, ăn cơm tháng loại sang chỉ mười đồng.
Nhuận bút bài thơ bằng lương tháng một viên quan huyện thời bấy giờ. Ta biết đây là trường hợp hy hữu do chủ bút là người vốn mê thơ Nguyễn Bính, muốn giúp nhà thơ một khoản tiêu Tết. Thi sĩ Tản Đà từng than thở “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Nhuận bút một bài thơ thời ấy có khi chỉ đủ mua giấy mực.
Ngày nay, không ít nhà báo, văn nghệ sĩ sống được bằng nhuận bút hoặc chí ít nhuận bút cũng đã giúp nhiều người trong lúc khó khăn thiếu thốn. Cho nên việc chi trả nhuận bút nghiêm chỉnh, đàng hoàng không những là sự tôn trọng quyền tác giả, là lối ứng xử văn minh trọng thị lao động sáng tạo mà còn là nét văn hóa truyền thống cần phải giữ gìn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Quỳnh Trang